Không thể phủi tay, gạt bỏ trách nhiệm với hơn 500 giáo viên hợp đồng

GD&TĐ - Chỉ vì mong muốn có được sự ổn định cùng niềm tin có cơ hội bước chân vào biên chế, mà hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk , tỉnh Đắk Lắk đang rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì sắp…mất việc.

Hàng trăm giáo viên bức xúc vì bị chấm dứt hợp đồng quây UBND huyện đòi làm rõ trắng đen
Hàng trăm giáo viên bức xúc vì bị chấm dứt hợp đồng quây UBND huyện đòi làm rõ trắng đen

Chủ trương của UBND huyện là hỗ trợ và chấm dứt hợp đồng với hơn 500 giáo viên “dôi dư” hiện nay, Sở GD&ĐT thì không thể tính toán và sắp xếp vì biên chế hiện đã đủ.

500 con người với sau lưng là 500 gia đình đang phải đối mặt với sự bất định, đầy khó khăn vì mới nhận được thông báo nghỉ  dạy.

Lãnh đạo làm sai, giáo viên gánh chịu

Như thông tin phát đi từ các cơ quan thông tin truyền thông, cũng như từ chính lãnh đạo UBND huyện huyện Krông Pắk và Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, số lượng giáo viên hợp đồng dôi dư hiện nay có nguyên nhân lớn từ việc ký hợp đồng lao động ngắn hạn một cách ồ ạt, thiếu căn cứ vào tình hình và nhu cầu thực tế của các trường học trên địa phương của 3 đời lãnh đạo UBND huyện.

Sự việc trắng đen đã rõ từ cuối năm 2017, khi kết luận của Thanh tra Chính phủ với lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2016 đã khẳng định có nhiều sai phạm.

Trong đó, nổi bật nhất là giai đoạn 2011-2016  khi có đến hơn 400 giáo viên được ký hợp đồng ngắn hạn. Vì những sai phạm này mà ông Nguyễn Sỹ Kỷ - Phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2016 đã bị Ủy ban kiểm tra  ra quyết định cảnh cáo về mặt Đảng do không thực hiện theo tinh thần kết luận của Thanh tra tỉnh về tuyển dụng dôi dư giáo viên.

Trước bức xúc của các giáo viên khi huyện Krông Pắk thông báo dừng hợp đồng giảng dạy vào ngày 9/3 bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk đã có trao đổi với báo chí quanh vấn đề này.

Bà Trinh thừa nhận đang rất căng thẳng về tình trạng dôi dư giáo viên hợp đồng quá nhiều như hiện nay mà chưa thể tìm ra giải pháp cụ thể. Theo bà Trinh, trách nhiệm này tất nhiên là thuộc về  những người đã ký quyết định tuyển dụng không xát với thực tế và nhu cầu của huyện.

Tuy nhiên, để giải quyết ổn thỏa “hậu quả” là điều không dễ khi từ nay đến năm 2021 khoảng 200 giáo viên không còn vị trí để xét tuyển, gần 400 giáo viên còn lại thì chỉ còn 83 chỉ tiêu biên chế trong năm nay nên sẽ có hơn 500 giáo viên buộc phải dừng hợp đồng.

Một giáo viên bức xúc gửi lời cầu cứu đến phóng viên các báo
Một giáo viên bức xúc gửi lời cầu cứu đến phóng viên các báo

Giải pháp nào cho hơn 500 giáo viên?

Trao đổi với chúng tôi ông Phạm Đăng Khoa- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk thẳng thắn cho biết; theo tinh thần chung của tỉnh Ủy, thực hiện nghiêm túc kết luận của Thanh tra Chính phủ thì toàn bộ giáo viên dôi dư có hợp đồng ngắn hạn phải chấm dứt hợp đồng.

“ Vấn đề này tất nhiên khiến những người làm lãnh đạo ngành như chúng tôi trăn trở rất nhiều. Nhưng do đã phân cấp quản lý nên chúng tôi không thể can thiệp vào được. Huyện họ có nhu cầu thì họ tuyển.

Trong nhiều đợt kiểm tra, chúng tôi đã nhận thấy sự dôi dư này, Sở GD&ĐT cũng đã có kiến nghị, ý kiến với thường trực tỉnh Ủy, UBND huyện Krông Pắk nhưng họ vẫn cứ làm nên đành chịu.

Về giải pháp, thực tế ngành cũng đã tính đến giải pháp điều chuyển giáo viên nhưng như thế là sai nguyên tắc, với lại hiện chỉ tiêu biên chế ngành đã đủ và đang còn phải tiếp tục tinh giảm biên chế theo tinh thần chung nên rất khó để sắp xếp”- ông Khoa cho biết

Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk thì cho biết; khó khăn lớn nhất mà huyện đang phải đối mặt chính là nguồn kinh phí trả lương cấp cho các trường đang dôi dư giáo viên. Điều này khiến cho các trường rất khó khăn trong việc cân đối nguồn tài chính, cũng như cách thức để bố trí giờ dạy cho giáo viên.

“Huyện đã trình và xin tỉnh nhiều giải pháp để tuyển dụng những người đã tuyển ngoài biên chế. Tuy nhiên tinh thần chỉ đạo từ trên và các quy định hiện hành không cho phép nên chúng tôi cũng rất khó”-  bà Trinh chia sẻ.

Trước việc chưa tìm ra giải pháp cho sự viện dôi dư hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk, sáng 10/3 Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam ông Vũ Minh Đức đã ký công văn gửi Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, Công đoàn Giáo dục tỉnh Đắk Lắk.

Công văn yêu cầu Sở GD&ĐT, Liên đoàn Lao động tỉnh và Công đoàn Giáo dục tỉnh Đắk Lắk sớm tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời có giải pháp sắp xếp, bố trí việc làm cho giáo viên theo hướng tiếp nhận tối đa các thầy giáo, cô giáo vào làm việc ở địa bàn trong tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ