Thầy Phạm Đăng Khoa cho biết thêm: Sở GD&ĐT đã đề nghị UBND tỉnh, UBND huyện Krông Pắk bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các thầy cô giáo. Trong trường hợp một số thầy cô không được tiếp tục hợp đồng, cũng đề nghị phía UBND huyện có hỗ trợ giáo viên để họ ổn định cuộc sống và tìm công việc mới.
“Chúng tôi cũng động viên các thầy, cô giáo nếu đủ điều kiện dự thi có thể đăng ký tuyển dụng vào các vị trí công tác ở một số cơ quan, đơn vị của tỉnh, của huyện. Nhân đây, chúng tôi cũng đề nghị: Cần có cơ chế cho ngành Giáo dục được quyền tuyển dụng, sử dụng lao động của ngành, trong đó có đội ngũ giáo viên. Có như vậy mới giải quyết được những bất cập về lao động như hiện nay" - thầy Phạm Đăng Khoa nói.
Được biết, trước đó UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) có thông báo "tinh thần chỉ đạo" của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Lắk đối với số giáo viên mà địa phương này đã tuyển dư những năm qua. Theo đó, khoảng 500 giáo viên đã ký hợp đồng ngắn hạn sẽ bị "chấm dứt hợp đồng" thời gian tới.
Ngay sau biết được thông tin, ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã lên tiếng và cho biết Cục sẽ cử cán bộ đi xác minh rõ sự việc, nhanh chóng báo cáo về Bộ để kịp thời có phương án phối hợp xử lý.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đã có công văn đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục tỉnh Đắc Lắk sớm tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời có giải pháp sắp xếp, bố trí việc làm cho giáo viên theo hướng tiếp nhận tối đa các thầy giáo, cô giáo vào làm việc tại các địa bàn trong tỉnh.