Thành phố Hồ Chí Minh: Xe thô sơ “hết cửa” từ 2021?

GD&TĐ - TPHCM lại một lần nữa tính đến chuyện chấm dứt hẳn hoạt động đối với xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh vào năm 2021. Hàng chục nghìn người đang mưu sinh bằng các loại xe trên sẽ bị ảnh hưởng.

Một xe ba gác thô sơ đang vận chuyển hàng trên đường phố TPHCM.
Một xe ba gác thô sơ đang vận chuyển hàng trên đường phố TPHCM.

10 năm cho một mục tiêu

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa có báo cáo và đề xuất phương án điều chỉnh tổ chức giao thông với xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh trên địa bàn.

Theo báo cáo, hiện nay nhu cầu sử dụng loại phương tiện này là có thật. Nhu cầu này xuất phát từ tính cơ động cao và thuận tiện trên các tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ, đường hẻm, đường cấm xe tải lưu thông… Do đó, việc chấm dứt hoạt động đối với loại phương tiện này sẽ ảnh hưởng rất lớn. Nó làm thay đổi thói quen, tập quán của một bộ phận người dân đang sử dụng. Chủ yếu tập trung vào những người dân có thu nhập thấp.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả, cần nhận được đồng thuận cao từ người dân. Do đó, Sở GTVT kiến nghị giữ nguyên phương án tổ chức giao thông đối với xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh lưu thông trong khu vực nội đô và trên một số tuyến đường thuộc địa bàn TP theo đúng Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND năm 2013 của UBND TPHCM.

Kiến nghị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tịch thu phương tiện bán phế liệu, sung vào công quỹ. Đình chỉ các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện này. Nếu cố tình vi phạm thì tịch thu trang thiết bị trực tiếp sản xuất của cơ sở đó.

Về lâu dài, kiến nghị giao cho Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan để thực hiện lập đề án kiểm soát và tiến tới chấm dứt hoạt động đối với xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh. Thời gian thực hiện trong năm 2021.

Được biết, năm 2009 và 2013, TPHCM đã ban hành hai quyết định cấm xe cơ giới, xe thô sơ 3 - 4 bánh lưu thông trong khu vực trung tâm và hạn chế lưu thông trên 41 tuyến đường khác như xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1K, quốc lộ 22… TP cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo đang sử dụng loại phương tiện xe 3 - 4 bánh thô sơ, tự chế và tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm sau thời điểm hỗ trợ.

Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, TPHCM đã thu hồi, tiêu hủy gần 29 nghìn xe 3, 4 bánh tự chế. Chi 160 tỉ đồng hỗ trợ những người thuộc diện bị ảnh hưởng. Dù vậy, theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện TP vẫn còn khoảng 30 nghìn xe 3 - 4 bánh tự chế hoạt động.

Cần phương tiện thay thế bảo đảm cuộc sống người dân

TPHCM hiện có gần 2.170 xe cơ giới 3 bánh đã được đăng ký cấp biển số. Khoảng hơn 10 nghìn xe 3 - 4 bánh thô sơ, tự chế không động cơ và có động cơ nhưng không đủ điều kiện để cấp phép. Đó là chưa kể hằng ngày một lượng xe tự chế ở các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... lưu thông trên địa bàn TP.

Trước thông tin TPHCM dự kiến chấm dứt hẳn hoạt động của loại hình xe cơ giới thô sơ vào năm 2021, ông Nguyễn Thanh Phương, chủ một vựa kinh doanh vật liệu xây dựng tại quận Thủ Đức tỏ ra băn khoăn. Chấm dứt hoạt động đối với xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh trên địa bàn TPHCM thì phương tiện nào sẽ thay thế? Bởi nhu cầu vận chuyển đồ đạc, hàng hóa, nguyên vật liệu của người dân là rất lớn, nhất là vào các ngõ, hẻm.

“Muốn dẹp xe thô sơ TP cần phải có phương tiện thay thế nhằm đảm bảo nhu cầu của người dân, cũng như mưu sinh”, ông Phương nói. Theo ông Phương, kế hoạch chấm dứt hẳn vào năm 2021 cần được giãn thêm tiến độ để có phương tiện chuyển đổi phù hợp.

Ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT TPHCM nhìn nhận xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ được sử dụng thay thế cho xe 3 bánh thường có thiết kế nhỏ gọn, dễ lưu thông trong những đường nhỏ. Tuy nhiên, loại xe này thường xuyên chở hàng cồng kềnh và chở quá tải trọng cho phép (do sức chở tối đa không quá 500kg).

“Cái khó của TPHCM trong việc giải quyết triệt để cấm xe 3 - 4 bánh tự chế là do người sử dụng đa phần có thu nhập thấp ở các địa phương khác đến. Ngoài ý thức chấp hành còn hạn chế, nhiều chủ phương tiện khi bị xử phạt lập tức bỏ lại xe, gây khó khăn cho công tác tạm giữ, dẫn đến quá tải các bãi tạm giữ” - ông Hải nói.

Ông Phạm Hùng Minh, một người mưu sinh bằng xe ba gác tại Quận 9 cho biết, hơn 5 năm nay ông mưu sinh bằng nghề chạy xe lôi chở hàng. Mỗi ngày, sau khi trừ chi phí xăng xe, ăn uống, ông được 300 – 400 nghìn đồng để trang trải cuộc sống gia đình với 4 miệng ăn.

“Chấm dứt hoạt động xe thô sơ, xe ba gác đồng nghĩa tôi mất đi phương tiện mưu sinh. 5 năm nay tôi sống bằng chiếc xe ba gác này đã quen. Nếu năm 2021 mà không được chạy nữa thật sự tôi cũng chưa biết làm gì để kiếm ra tiền trang trải cho gia đình mình. Tôi thấy loại xe này rất cơ động và hữu dụng.

Nhu cầu chuyển đồ của người dân vẫn rất lớn, nhất là với các em sinh viên, công nhân khi chuyển phòng trọ… Nếu TP cấm, cuộc sống của những người sống bằng nghề chạy xe ba gác máy như chúng tôi chắc chắn sẽ rất khó khăn” - ông Minh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.