Thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 40.000 lao động đã trở lại làm việc

GD&TĐ - Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố.

Thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) Phạm Đức Hải cho hay, tính đến 18h ngày 28/11, có 468.013 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 467.448 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 565 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 14.580 bệnh nhân, trong đó: có 574 trẻ em dưới 16 tuổi, 374 bệnh nhân nặng đang thở máy, 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 28/11, có 1.094 bệnh nhân nhập viện, 1.047 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 277.431), 62 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 17.968).

Về tiêm chủng, đến ngày 28/11, đã có 7.907.595 mũi 1 và 6.667.714 mũi 2 được tiêm cho người dân thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung tâm báo chí thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung tâm báo chí thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cũng cho hay, trong những ngày qua, diễn biễn dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh có 4 điều đặt ra gồm: số ca mắc mới vẫn còn cao; số ca tử vong còn nhiều; số bệnh nhân nhập viện luôn cao hơn số xuất viện; sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron.

“Dù đặt ra 4 vấn đề như thế nhưng thành phố vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Trong nhiều tuần liên tiếp, thành phố của chúng ta luôn ở cấp độ dịch là 2, đó là màu vàng. Thành phố đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản để xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao”, ông Hải khẳng định.

Trước tình hình trên, thành phố Hồ Chí Minh đề nghị người dân không hoang mang cũng như không được chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh. Mọi người cần thực hiện tốt nhất các quy định của ngành y tế, đặc biệt là 5K, cố gắng thay đổi nhiều nhất, nhanh nhất các thói quen, sở thích của mình.

Gần 40.000 lao động đã trở lại làm việc

Liên quan đến số lượng lao động trở lại làm việc và các chính sách hỗ trợ người lao động, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm cho biết, tính đến nay số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp hoạt động trở lại là 39.752 người. Trong đó, lao động từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ khoảng hơn 16.500 người; Tây Nguyên 478 người và các tỉnh Đông Nam Bộ hơn 22.700 người.

Đối với người lao động tại thành phố Hồ Chí Minh bị mất việc làm do dịch bệnh Covid-19, có 127 doanh nghiệp giới thiệu việc làm với 2 doanh nghiệp nòng cốt là Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố và Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên đã tổ chức kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố. Đồng thời tổ chức nhiều phiên, nhiều sàn giao dịch việc làm để tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động gặp gỡ, phỏng vấn, tìm kiếm công việc phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung tâm báo chí thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung tâm báo chí thành phố Hồ Chí Minh.

Từ ngày 1/11 đến nay, 2 trung tâm đã tư vấn việc làm cho 63.164 lượt người và giới thiệu 26.543 người tới các doanh nghiệp làm việc. Các lĩnh vực thu hút lao động tập trung ở thương mại dịch vụ, sản xuất chế tạo (may mặc, da giày, lắp ráp linh kiện điện tử…).

Dự báo thị trường lao động từ nay đến cuối năm sẽ gia tăng nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất kinh doanh và chuẩn bị lao động cho những tháng đầu của năm 2022 để thực hiện các đơn hàng. Dự kiến cần khoảng hơn 33.000 – 42.000 lao động.

Thông tin ban đầu về biến thể Omicron

Thông tin về biến thể Covid-19 B.1.1.529 (Omicron), Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, đây là chủng mới, được phát hiện vào ngày 9/11 tại Nam Phi. Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang phối hợp với các nhà nghiên cứu trên thế giới để hiểu rõ hơn về biến chủng Omicron thông qua việc đánh giá khả năng lây truyền, các triệu chứng, mức độ nặng khi mắc bệnh, hiệu quả của vắc xin,…

“Về khả năng lây truyền, vẫn chưa rõ liệu Omicron có dễ lây truyền hơn hay không so với các biến thể khác. Số người có kết quả xét nghiệm dương tính đã tăng lên ở các khu vực của Nam Phi bị ảnh hưởng bởi biến thể này, và các nghiên cứu dịch tễ học đang được tiến hành để tìm hiểu xem liệu đó có phải là do Omicron hay các yếu tố khác hay không.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung tâm báo chí thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung tâm báo chí thành phố Hồ Chí Minh.

Vẫn chưa rõ liệu nhiễm trùng do Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với nhiễm trùng với các biến thể khác, bao gồm cả Delta hay không. Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người bị nhiễm bệnh ngày càng tăng, chứ chưa chắc chắn rằng là do nhiễm trùng cụ thể với Omicron”, đại diện Sở Y tế thông tin.

Cũng theo bà Huỳnh Mai, hiện tại chưa có thông tin nào cho thấy các triệu chứng liên quan đến Omicron khác với các triệu chứng ở các biến thể khác. Các trường hợp nhiễm trùng được báo cáo ban đầu là ở các sinh viên đại học - những người trẻ hơn có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn - nhưng việc hiểu được mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron sẽ mất vài ngày đến vài tuần. Tất cả các biến thể của Covid-19, bao gồm cả biến thể Delta đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới, đều có thể gây ra bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt với những người dễ tổn thương nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.