Theo Sở Y tế, trong thời gian qua, việc tổ chức thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề được thực hiện theo điều 24 Luật khám, chữa bệnh. Theo đó, người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề phải qua thực hành tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Đối với bác sĩ, phải thực hành tương ứng là 18 tháng tại cơ sở khám, chữa bệnh có giường bệnh; đối với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, hộ sinh phải thực hành 9 tháng tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Sở Y tế cho biết hiện nay, ngoài 4 trung tâm y tế có giường bệnh là Q.3, Q.5, Q.10 và huyện Cần Giờ (do sáp nhập với bệnh viện quận, huyện), còn lại 18 trung tâm y tế và 310 trạm y tế có chức năng khám, chữa bệnh nhưng không có giường bệnh.
Chính vì vậy, nên việc xác nhận thời gian thực hành cho bác sĩ mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định gặp khó khăn do phải ký hợp đồng với cơ sở khám, chữa bệnh có giường bệnh để tổ chức đào tạo thực hành, đồng thời chỉ trả chi phí đào tạo theo quy định cho cơ sở tổ chức đào tạo thực hành (trung bình 1 - 2 triệu đồng/tháng).
Từ thực trạng nêu trên, việc thu hút bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y về công tác tại trung tâm y tế và trạm y tế trong thời gian qua gặp khó khăn, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Trước yêu cầu thực tiễn tiếp tục củng cố, phục hồi hệ thống y tế cơ sở góp phần giải quyết bài toán thiếu nhân lực y tế cơ sở, đặc biệt là bác sĩ, điều dưỡng tại các tuyến quận, huyện… Sở Y tế đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh cho phép Sở Y tế phối hợp Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phân bố bác sĩ y đa khoa và điều dưỡng đa khoa mới tốt nghiệp năm 2021 và các năm tiếp theo tham gia thực hành khám, chữa bệnh tại 22 trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức và 310 trạm y tế phường, xã với thời gian 12 tháng đối với bác sĩ và 9 tháng đối với điều dưỡng.
Như vậy, tháng 12/2021 TP Hồ Chí Minh có 750 y bác sĩ ra trường thuộc Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trong đó 689 bác sĩ đa khoa, 38 cử nhân điều dưỡng, 14 cử nhân điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, 9 cử nhân điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh sẽ tổ chức thực hành tại tuyến y tế cơ sở.
Dự toán tổng kinh phí hỗ trợ bác sĩ đa khoa, điều dưỡng mới ra trường năm 2021 tham gia thực hành tại trung tâm y tế và trạm y tế là gần 5 tỉ đồng.
Sở Y tế cũng tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất Bộ Y tế xem xét, chấp thuận về việc thí điểm tổ chức đào tạo thực hành khám, chữa bệnh cho bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học dự phòng tại y tế cơ sở là trung tâm y tế và trạm y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Với bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học dự phòng thì 12 tháng thực hành tại y tế cơ sở, 6 tháng còn lại sẽ thực hành tại bệnh viện và được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh với phạm vi chuyên môn: phát hiện và xử lý các bệnh thông thường, xử trí ban đầu một số trường hợp cấp cứu tại cộng đồng.
Liên quan đến vấn đề này, chiều 10/11, tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh, theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã/vạn dân tại TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 2,31%, thấp hơn rất nhiều so với cả nước.
Theo ông Tăng Chí Thượng cho biết, thực tế công tác chống dịch tại thành phố cho thấy vai trò của y tế cơ sở là không thể thiếu, trong đó trạm y tế phường, xã, thị trấn đóng vai trò trung tâm. Trong tình hình mới, việc củng cố và nâng cao năng lực y tế cơ sở, trong đó củng cố trạm y tế là vấn đề ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã/vạn dân tại TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 2,31%, thấp hơn rất nhiều so với cả nước (7,42%) và Hà Nội (6,06%). Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực ngành y tế tại tuyến y tế cơ sở, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, công việc ở trạm y tế nhiều, ít cơ hội để phát triển, thu nhập không ổn định khiến nhân viên y tế tuyến phường, xã xin nghỉ việc và khó tuyển dụng. Có những trạm y tế chỉ có 4 - 5 nhân sự.