Thanh niên được cứu sống khi chuẩn bị về nhà ‘làm ma’

GD&TĐ - Bệnh tình có biểu hiện trở nặng, người nhà bệnh nhân xin bệnh viện cho về để “làm ma” nhưng các bác sĩ đã nỗ lực chữa trị.

Bác sĩ BVĐK Tuyên Quang chăm sóc cho bệnh nhân Đ. Ảnh: BVCC
Bác sĩ BVĐK Tuyên Quang chăm sóc cho bệnh nhân Đ. Ảnh: BVCC

Ngày 26/6, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, đơn vị vừa chữa trị thành công cho bệnh nhân 16 tuổi mắc uốn ván thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần”.

Bệnh nhân Vàng Sẹo Đ., 16 tuổi, trú tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, dân tộc Mông, đi làm thuê tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang không may bị tai nạn giao thông.

Bệnh nhân không tiêm uốn ván, mà tự lấy thảo dược (không rõ nguồn gốc) về để đắp nhưng không khỏi.

Khi có các dấu hiệu bệnh trở nặng như: vết thương hở sưng nề, chảy dịch nhiều, tím đen, kèm theo cứng hàm, co cứng, gồng cứng toàn thân, khó há miệng, khó nuốt...

Ngày 31/5, bệnh nhân đã được gia đình đưa đến Bệnh viện tuyến huyện cấp cứu và bệnh nhân được chuyển tuyến ngay đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang điều trị.

Nằm trên giường bệnh, bệnh nhân Đ. liên tục lên cơn co cứng, gồng cứng toàn thân liên tục rất nhiều lần, sốt cao...bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng uốn ván.

Gia đình nghèo khó, lại không biết nhiều tiếng phổ thông, không biết chữ, bệnh viện hỗ trợ tiền sữa hàng ngày cho bệnh nhân trong thời gian ăn qua sonde.

Sau 1 tuần, gia đình muốn xin đưa bệnh nhân về nhà “làm ma”, nhưng các y bác sỹ khoa Truyền nhiễm đã động viên gia đình cố gắng ở lại cùng với các y bác sỹ “chiến đấu” với tử thần để cứu lấy bệnh nhân…

Bác sĩ Chẩu Văn Tịch, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhiều loại thuốc như an thần, kháng sinh; thuốc chống co cứng và giật cứng đã được sử dụng cho bệnh nhân Đ.

“Thầy thuốc cũng cung cấp dinh dưỡng đảm bảo năng lượng, chống nhiễm toan, trợ tim mạch, chống rối loạn thần kinh thực vật… cho cậu bé này”, bác sĩ Tịch cho biết thêm.

Sau những ngày tận tâm, tận lực kiên trì điều trị, những chỉ số sinh tồn của bệnh nhân bắt đầu ổn định, giảm dần các triệu chứng co cứng hàm và co cứng toàn thân, bệnh nhân bắt đầu tự nuốt được, có thể tự ăn uống được trở lại.

Ngày 26/6, sau gần 1 tháng điều trị, bệnh nhân khỏi bệnh, được xuất viện, tiếp tục tập luyện phục hồi chức năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ