Thanh Hóa: Triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ trong tháng 8

GD&TĐ - Triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ về cấp tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu gấp rút thống kê để hỗ trợ người dân sớm nhất.

Ông Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (áo sọc giữa) kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện Thiệu Hóa.
Ông Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (áo sọc giữa) kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện Thiệu Hóa.

Gấp rút rà soát trường hợp được hỗ trợ

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 và Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 23/2001 (gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng), tỉnh Thanh Hóa đã lập tức triển khai kế hoạch thực hiện.

Ngày 20/7 vừa qua, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký ban hành Kế hoạch về việc: “Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ”.

Trong kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố gấp rút thống kê, rà soát những trường hợp thuộc diện được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất. Với phương châm kịp thời, nhanh chóng sẽ là nguồn động viên lớn đối với những người đang gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch và thực hiện chính sách này cần minh bạch, rõ ràng và hiệu quả. Tuyệt đối phải bảo đảm chính sách hỗ trợ được kịp thời đến tay người lao động, người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, phải bảo đảm huy động đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách theo quy định. Làm tốt công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Nguyên tắc hỗ trợ phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời.

Không bỏ sót, trùng lặp những người được hưởng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Mỗi trường hợp thuộc diện được hỗ trợ chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền, không hỗ trợ người tự nguyện không tham gia.

Theo kế hoạch của tỉnh Thanh Hóa, sẽ có 12 nhóm chính sách hỗ trợ, gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Hỗ trợ người lao động ngừng việc, hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động. Hỗ trợ trẻ em, hỗ trợ tiền ăn với người điều trị Covid-19 (F0) từ 27/4 - 31/12/2021. Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, người lao động tự do...

Sẽ hỗ trợ người dân vào đầu tháng 8

Đến thời điểm này, Thanh Hóa đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, Thanh Hóa đã tăng cường công tác phòng, chống dịch ở mức độ cao.

Theo thống kê của ngành Y tế tỉnh này, hiện trên địa bàn tỉnh đang cách ly hơn 1.300 người tại 43 khu cách ly, trong đó có 77 người đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa.

Ngoài ra, còn có hơn 12.000 người trong tỉnh đang được cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Bên cạnh đó, Thanh Hoá đang chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận công dân trở về địa phương từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác trở về quê.

Vì thế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa đã chủ động xây dựng phương án đáp ứng với các cấp độ dịch, như: 100 bệnh nhân trở lên, 200 bệnh nhân trở lên và 300 bệnh nhân trở lên.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã rà soát các khách sạn tại Hải Tiến (Hoằng Hóa), TP Sầm Sơn để có thể đáp ứng trở thành khu cách ly tập trung tối thiểu 2.000 giường... Đồng thời, Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo quan điểm chủ động dự phòng từ sớm, từ xa.

Lấy gia đình làm trung tâm để kiểm soát, cách ly người từ tỉnh ngoài đến tỉnh Thanh Hóa... Chính vì thế, số lượng người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra đối với Thanh Hóa không phải là ít.

Trong khi đó, 12 nhóm chính sách hỗ trợ nêu trên, có bao gồm cả người điều trị Covid-19 (F0) và người cách ly tập trung được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian cách ly. Do đó, việc thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg được tỉnh Thanh Hóa triển khai một cách thận trọng.

Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện đang hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê, lập danh sách các trường hợp được hưởng tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Cũng theo bà Hương, Thanh Hóa là địa phương có dân số nhiều thứ 3 toàn quốc, có tới 27 đơn vị hành chính. Vì thế, công tác thống kê, rà soát các trường hợp được hỗ trợ tiền của Chính phủ cũng mất khá nhiều thời gian.

Tuy nhiên, trên tinh thần khẩn trương, nên Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị  gấp rút công tác rà soát, báo cáo về sở để tổng hợp và trình UBND tỉnh quyết định xét duyệt.

“Với phương châm sẽ sớm cấp tiền hỗ trợ đến tay người được thụ hưởng, sở đang chỉ đạo các đơn vị huyện, thị xã, thành phố hoàn thành trước ngày 5/8 tới đây. Tuy nhiên, dù khẩn trương, gấp rút nhưng không được vội vàng mà gây ra sơ suất hay sai sót.

Việc thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là nhiệm vụ rất quan trọng. Do đó, cần phải rà soát kỹ đối với những trường hợp được hưởng tiền hỗ, để chi trả công khai, minh bạch, tránh sai sót hoặc trục lợi chính sách”, bà Hương thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ