Thanh Hóa thông tin chính thức việc trùng tu làm biến dạng giếng cổ 1.000 năm tuổi

GD&TĐ - Sau khi có thông tin phản ánh “Một dự án trùng tu triển khai đã làm biến dạng một chiếc giếng cổ có tuổi đời lên đến 1.000 năm", Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có thông tin chính thức về việc này.

Hiện trường Giếng Ngọc được cải tạo ở Đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), Thanh Hóa.
Hiện trường Giếng Ngọc được cải tạo ở Đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), Thanh Hóa.

Không có giếng cổ nghìn năm

Theo đó, ngày 23/3, ông Phạm Nguyên Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã ký văn bản, gửi Cục Di sản văn hóa về việc tu bổ Giếng Ngọc thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Lê Văn Hưu, ở xã Thiệu Trung (Thiệu Hoá, Thanh Hoá).

Sau khi kiểm tra hồ sơ Di tích và xác minh tại hiện trường, Sở  Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá khẳng định: “Đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung (Thiệu Hoá, Thanh Hóa) được Bộ Văn hoá công nhận Di tích lịch sử Quốc gia ngày 13/3/1990.

Theo nội dung lý lịch di tích Đền thờ Lê Văn Hưu, viết: “Trước kia, đền thờ Lê Văn Hưu (hay còn gọi là chùa ông Hưu) có quy mô rộng lớn, cây cối um tùm, có hồ, có giếng, có gác chuông.

Mặt trước hướng về núi Nưa (Nông Cống), sát cạnh là sông nhà Lê (tức sông Hương Giang), cảnh trí thật hữu tình. Đền (chùa) cũ có 3 gian Hậu cung và 7 gian Tiền đường. Hiện tại chỉ còn 3 gian Hậu cung còn ghi chữ “Kiền nê sơn Hương Nghiêm tự”. Kiến trúc không có gì đặc biệt.

Năm 1975, Bảo tàng Sở Văn hoá - Thông tin Thanh Hoá có cho tu sửa lại để nhân dân và khách tứ phương đến viếng thăm. 7 gian Tiền đường đã bị dỡ từ sau cải cách để làm một cái nhà tách biệt ở bên cạnh đền để họp hành làng, xã và làm nơi đón tiếp khách về viếng thăm đền ông Hưu.

Trên nền Tiền đường còn lưu lại hai cột đá treo chuông. Theo trí nhớ của nhân dân thì khi Tiền đường chưa bị phá thì bia chùa Hương Nghiêm (tức chùa ông Hưu) được đặt đối diện với chuông lớn. Ngoài các nhà trên thì nhà tổ làm lùi lại phía sau bên tả chùa.

Trong chùa ông Hưu bây giờ không còn nhiều đồ thờ tế cúng, tượng phật không có pho nào, chỉ có 1 sập chính để toà cửu long bằng đồng và một số bát hương để thờ Lê Văn Hưu, chuông cũng đã mất, chỉ còn tấm bia mộ Lê Văn Hưu là quý nhất…”.

Từ những căn cứ trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa khẳng định, lý lịch di tích Đền thờ Lê Văn Hưu được ghi là có hồ, có Giếng (không có Giếng Ngọc).

Cũng theo Văn hóa, Thể thao và Du lịch, biên bản đề nghị xếp hạng di tích Đền thờ Lê Văn Hưu được lập ngày 7/2/1990, nêu: “Khu vực I, có chiều dài 55m, chiều rộng 50m, diện tích 2.750m2.

Về ranh giới: Phía Đông giáp dân cư, phía Tây giáp ao cá Bác Hồ, phía Bắc giáp khu Trung tâm văn hoá giáo dục của xã, phía Nam giáp dân cư và khu vực mộ ở xứ đồng Mã Giòn, có chiều dài 7m, chiều rộng 5m, diện tích 35m2 .

Khu vực II có chiều dài 87m, chiều rộng 70m, tổng diện tích 3.360m2. Phía Đông giáp dân cư, phía Tây giáp đồng ruộng, phía Nam giáp dân cư, phía Bắc giáp khu Trung tâm văn hoá xã. Khu vực Mộ ở xứ Mã Giòn có chiều dài, chiều rộng nhân ra mỗi bên 5m, có tổng diện tích 220m2.

Phối cảnh Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Lê Văn Hưu.

Phối cảnh Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Lê Văn Hưu.

Theo bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích Đền thờ Lê Văn Hưu, có hạng mục Giếng của đền thờ, cụ thể như sau: Khu vực I (là khu vực bất khả xâm phạm), gồm có: Đền thờ Lê Văn Hưu; sân gạch (A - vị trí nhà Tiền đường cũ); Nhà khách (nhà thờ Tổ cũ và sân - B); vườn cây của xã (khu vực chùa Hương Nghiêm cũ và Giếng của đền thờ). Khu vực II (là khu vực điều chỉnh xây dựng), gồm: Ao cá Bác Hồ và ao.

"Như vậy, căn cứ vào hồ sơ khoa học di tích, Đền thờ Lê Văn Hưu, ở xã Thiệu Trung, (Thiệu Hoá, Thanh Hóa) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử Quốc gia, ngày 13/3/1990, có hạng mục giếng và chưa có tài liệu nào chứng minh giếng của ngôi đền này giếng cổ nghìn năm", văn bản nêu.

Tạm dừng việc thi công hạng mục giếng cổ

Cũng theo báo cáo của Sở  Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, hiện tại Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Lê Văn Hưu đang tạm dừng việc thi công hạng mục Giếng Ngọc.

Tuy nhiên, theo lý giải của Sở  Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, thì: Năm 2018 và 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Thiệu Hoá ban hành các quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử Đền thờ Lê Văn Hưu. Công trình này có quy mô và nội dung đầu tư gồm 9 hạng mục. Trong đó, có Đền thờ chính (gồm Tiền bái và Hậu cung); Nhà bia; Nhà từ đền; Cổng tứ trụ; Bình phong; Am hoá vàng; Nhà vệ sinh; Cổng sang chùa.

Công trình này được chia làm 3 giai đoạn, đã được Cục Di sản văn hóa (Bộ  Văn hóa, Thể thao và Du lịch thoả thuận, thẩm định tại văn bản ngày 18/5/2018 và văn bản ngày 14/01/2021. Ngày 22/3/2021, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hoá phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đầu tư xây dựng công trình: Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Đền thờ Lê Văn Hưu - giai đoạn 2.

Hiện nay, UBND huyện Thiệu Hoá, là đơn vị chủ đầu tư đã triển khai thực hiện thi công xong, hoàn thành các hạng mục công trình của Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Đền thờ Lê Văn Hưu (giai đoạn 2).

Ngày 29/12/2021, Cục Di sản văn hoá cũng đã có văn bản thống nhất về việc thẩm định thiết kế tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lê Văn Hưu (giai đoạn 3), gồm các hạng mục công trình: Nhà từ đền, nhà bia, cổng sang chùa, am hóa vàng, giếng ngọc, ao đền, bình phong, bãi đỗ xe, khuôn viên, hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, lưu ý: “điều chỉnh vị trí thiết kế Giếng ngọc để hạn chế tối đa việc dịch chuyển Giếng theo lưu ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại công văn ngày 13/6/2011...”.

Ngày 30/12/2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa có văn bản gửi UBND huyện Thiệu Hoá tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ thiết kế BVTC tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Lê Văn Hưu (giai đoạn 3).

Hạng mục cải tạo Giếng Ngọc đang được tạm dừng thi công.

Hạng mục cải tạo Giếng Ngọc đang được tạm dừng thi công.

Sau khi một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh sự việc nêu trên, ngày 17/3/2022, Sở  Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá đã phối hợp với UBND huyện Thiệu Hoá, UBND xã Thiệu Trung, Hội Khoa học lịch sử Thanh Hoá, các nhà nghiên cứu di tích, lịch sử kiểm tra thực tế tại di tích Đền thờ Lê Văn Hưu.

Tuy nhiên, tại Hội nghị đang còn có những ý kiến trái chiều nhau giữa các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hoá, khoa học, lịch sử và địa phương trong việc hiểu nội dung: “Điều chỉnh vị trí thiết kế Giếng Ngọc để hạn chế tối đa việc dịch chuyển Giếng theo lưu ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại công văn ngày 13/6/2011, văn bản ngày 29/12/2021 của Cục Di sản văn hoá về việc thẩm định thiết kế BVTC tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lê Văn Hưu (giai đoạn 3).

Do còn có nhiều ý kiến trái chiều, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Thiệu hóa tạm dừng việc thi công hạng mục Giếng Ngọc.

“Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận trong việc tiếp tục thực hiện hoàn thiện dự án, kịp thời phục vụ Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà Sử học Lê Văn Hưu (ngày 23/4/2022), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá đề nghị Cục Di sản Văn hoá sớm tổ chức vào kiểm tra thực tế và có ý kiến chỉ đạo cụ thể để có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định”, văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa nêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Con trai Ronaldinho lọt tầm ngắm của MU.

Man United hỏi mua con trai Ronaldinho

GD&TĐ - Theo Mundo Deportivo, Man United có ý định hỏi mua Joao Mendes, khi Jim Ratcliffe rất ngưỡng mộ tài năng của sao trẻ người Brazil.