Bao giờ hết thảm họa trùng tu di tích

GD&TĐ - Trùng tu, tôn tạo di tích là việc làm cần thiết để giảm thiểu hư hại của các di tích, bảo vệ vốn di sản quý giá của cha ông để lại. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, không ít công trình lịch sử có giá trị được trùng tu, tôn tạo đã đánh mất đi vẻ đẹp hài hòa của nó. Làm thế nào để giá trị và vẻ đẹp của những di tích không bị “làm mới” luôn là một bài toán nan giải.

Chùa Trăm Gian độc đáo bởi những kiến trúc cổ kính
Chùa Trăm Gian độc đáo bởi những kiến trúc cổ kính

Thảm họa trùng tu

Vừa qua, Sở VH,TT&DL Hà Nội phát hiện ra nhiều sai phạm trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội). Nhiều hạng mục gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến không gian của di tích.

Sở VH,TT&DL đã có văn bản đề nghị UBND huyện Chương Mỹ chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND xã Tiên Phương và người trụ trì khẩn trương tháo dỡ, tổ chức di chuyển toàn bộ nhà xưởng và các cấu kiện gỗ sơ chế ra ngoài khu vực di tích, tổng vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo môi trường cho di tích trong tháng 9/2015.

Trước đó, cuối tháng 8/2012, chùa Trăm Gian đã bị trùng tu tôn tạo kiểu làm hỏng di tích như sơn lại tranh tượng quý bằng sơn công nghiệp Nippon; làm mới bệ tượng, bàn thờ bằng xi măng, gạch ốp lát công nghiệp xanh đỏ tím vàng, xây mới các dãy hành lang, đánh bóng cột kèo bằng vécni. Nhiều người tỏ ra bất bình và nuối tiếc về một di tích lịch sử vào hàng báu vật quốc gia bị phá tan tành.

Điều đáng nói là bao năm nay, việc trùng tu tôn tạo kiểu làm hỏng di tích, luôn diễn ra. Còn nhớ câu chuyện lăng Ngô Quyền (Đường Lâm) sau 6 tháng được trùng tu, tôn tạo, đã vấp phải sự phản đối gay gắt là việc xây mới một bức bình phong có tạo hình là một con thú dữ tợn, thiếu thẩm mỹ chắn ngay lối vào lăng. 

Rồi câu chuyện bia Sùng Thiện Diên Linh (thời Lý) hiện đang được lưu giữ tại chùa Long Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) là một trong 37 bảo vật quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận, tuy nhiên, hành động “làm sạch” tấm bia cổ này đã phá hoại nghiêm trọng bảo vật quốc gia.

Có thể nói, sai phạm trong công tác tu bổ di tích nhiều lắm như việc trùng tu đình Tiên Canh (Vĩnh Phúc), chùa Sổ (Thanh Oai), Phu Văn Lâu (Huế)... sau khi trùng tu và tôn tạo cũng đã “lột xác” hoàn toàn. Chưa bàn đến chuyện ai đúng, ai sai, vấn đề đặt ra là với “phong trào” làm mới di tích diễn ra trên diện rộng như hiện nay, chẳng bao lâu nữa những di tích rêu phong, cổ kính, giàu giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật sẽ chỉ còn là hoài niệm.

Cẩn trọng để gìn giữ một di sản quý

Theo thống kê, cả nước có 3.258 di tích quốc gia và 7.535 di tích cấp tỉnh; ngay tại Thủ đô Hà Nội cũng tập trung khá đông các di tích (với trên 5.000 di tích, 42,6% trong số đó đã được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh) nhưng đội ngũ làm công tác quản lý di tích nhìn chung rất thiếu và yếu kém về chuyên môn. Điều này dẫn tới tình trạng cẩu thả trong việc trùng tu và “xóa sổ” rất nhiều công trình có giá trị.

Để hạn chế hậu quả khi “trùng tu” cẩu thả và thiếu trách nhiệm tại nhiều di tích, Bộ VH,TT&DL đã ra Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL. Mặc dù vậy, tình trạng “xâm hại di tích” bằng việc tu bổ, xây mới sai quy cách vẫn đang tiếp diễn ngày một nghiêm trọng bởi lực lượng trùng tu trực tiếp không đủ khả năng cũng như kinh nghiệm thực hiện.

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhấn mạnh: “Chúng ta càng ngày càng ít khả năng bảo tồn được những gì thực sự là tinh hoa di sản văn hóa dân tộc. Chùa Trăm Gian là di tích cấp quốc gia, xét riêng về 1 số tiêu chí, có lẽ nó là ngôi chùa đặc biệt, độc đáo mà ít di tích có được, vậy nên, việc trùng tu ngôi chùa này phải được tiến hành hết sức cẩn trọng để gìn giữ một di sản quý cho mai sau. 

Những câu chuyện như lắp cổng chùa vào cổng đền, Thành nhà Mạc thành “lò gạch”, Thành Sơn Tây lại “thất thủ”... sẽ còn tiếp diễn nếu không có biện pháp chấn chỉnh. Có lẽ đã đến lúc các cơ quan hữu quan cần thực hiện các giải pháp khắc phục những bất cập trong công tác trùng tu di tích hiện nay chứ không thể dừng lại ở việc “rút kinh nghiệm” nữa”.

“Mọi hiện tượng xóa bỏ kiến trúc cũ, thay cũ bằng mới, tưởng rằng làm cho di tích khang trang hơn nhưng thực ra là phá hoại. Khi công trình được xây dựng to lớn hơn trên không gian cũ là đã đoạn tuyệt với quá khứ, quay lưng với văn hóa truyền thống” - GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.