Tuy nhiên có một thực tế là: Sau khi trùng tu xong, nhiều di sản văn hóa đã biến dạng mất đi giá trị văn hóa cổ. Bởi vậy việc chính thức ra đời Nghị định 61/2016/NĐ-CP vừa qua, trong đó có quy định về việc hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được coi là giải pháp tích cực để có thể lập lại trật tự trong lĩnh vực bảo tồn di sản.
Nhiều di tích bị biến dạng
Hà Nội là một trong những địa phương của cả nước có khá nhiều di sản văn hóa có giá trị. Song những năm gần đây, Hà Nội cũng là điểm nóng của tình trạng có nhiều di tích bị xâm hại thậm chí bị “biến dạng” làm mất đi vẻ đẹp về cảnh quan cũng như giá trị lịch sử văn hóa.
Do không có kiến thức về lịch sử văn hóa, vì vậy khi trùng tu Đình cổ Quang Húc (xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội), đơn vị thi công tu bổ di tích đã dỡ bỏ các mảng chạm cổ kính mà thay vào đó là những mảng chạm lạ lẫm. Tại chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, nhưng khi sửa chữa tu bổ thậm chí xây dựng, BQL mặc dù chưa nhận được ý kiến phê duyệt của Bộ VH-TT&DL nhưng cũng đã tự ý xây dựng công trình trái phép ngay trong vùng lõi di sản Thiên Trù. Bên trong công trình có nhà ăn lát sàn gỗ, phòng khách, nhà hội họp, kho... Đặc biệt, công trình còn có những kiến trúc lạ, như bức phù điêu hình đầu rồng, gắn vòi voi, mũi sư tử. Công trình đồ sộ, màu sắc sặc sỡ đã phá vỡ cảnh quan, sự linh thiêng của khu di tích Hương Sơn…
Rõ ràng những thực trạng trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới những cảnh quan văn hóa lâu đời. Để có thể bảo vệ và tôn tạo những di tích theo đúng với nguyên mẫu cổ, chắc chắn cần phải có những ê kíp chuyên nghiệp am hiểu kỹ thuật trùng tu đi kèm với hành lang pháp lý chung.
Tăng cường chế tài quản lý
Để ngăn ngừa tình trạng làm biến dạng các di tích, di sản văn hóa trong quá trình trùng tu, vừa qua, Chính phủ đã ban hành quy định về điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được coi là giải pháp tích cực để có thể lập lại trật tự trong lĩnh vực bảo tồn di sản. Cụ thể Nghị định 61/2016 đã nêu rõ: Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích (Giấy chứng nhận hành nghề) được cấp cho tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định đối với từng trường hợp cụ thể.
Thứ nhất để được cấp Giấy chứng nhận hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích, tổ chức phải đáp ứng điều kiện: Được thành lập theo quy định của pháp luật; có đủ điều kiện hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng; có ít nhất 2 người được cấp Chứng chỉ hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích;
Thứ hai để được cấp Giấy chứng nhận hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích, tổ chức phải đáp ứng điều kiện: Được thành lập theo quy định của pháp luật; có đủ điều kiện hành nghề thiết kế xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng; có ít nhất 3 người được cấp Chứng chỉ hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích;
Thứ ba tổ chức được cấp Giấy chứng nhận hành nghề thi công tu bổ di tích phải đáp ứng điều kiện: Được thành lập theo quy định của pháp luật; có đủ điều kiện năng lực của tổ chức thi công xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng; có ít nhất 3 người được cấp Chứng chỉ hành nghề thi công tu bổ di tích. Hy vọng việc ban hành Nghị định 61/2016/NĐ-CP này sẽ là cơ sở pháp lý để Nhà nước quản lý và phê duyệt một cách chặt chẽ hơn trước khi quyết định sửa chữa và trùng tu bất kỳ một di sản văn hóa nào.