Trùng tu di tích phải đảm bảo giá trị lịch sử văn hóa

GD&TĐ - Theo thời gian nhiều di tích văn hóa quốc gia bị xuống cấp, việc trùng tu là vấn đề thiết yếu cần phải đặt ra. 

Trùng tu di tích phải đảm bảo giá trị lịch sử văn hóa

Tuy nhiên trên thực tế sau khi được trùng tu tôn tạo, nhiều di tích đã bị thay đổi diện mạo. Điều này cho thấy cần phải có sự đánh giá xem xét cẩn trọng trước khi thi công, tôn tạo lại các di tích lịch sử, văn hóa.

Phải cân nhắc khi trùng tu tôn tạo

Nhiều di tích khi bị xuống cấp đã được tiến hành trùng tu, tuy nhiên kết quả sau đó lại không được như mong muốn. Dư luận xã hội không đồng tình trước thực trạng những di tích đó bị thay đổi cả màu sắc, diện mạo khác hẳn so với trước đó.

Gần đây nhất, cuối năm 2016, bia Quốc học Huế chính thức được ký quyết định trùng tu. Tuy nhiên sau gần 3 tháng trùng tu với tổng kinh phí cũng khá lớn, bia Quốc học Huế bỗng được khoác màu sơn mới.

Được biết bia được xây dựng và khánh thành vào năm 1920 dưới thời vua Khải Định để tưởng niệm binh sĩ người Việt và người Pháp tử trận trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Theo kế hoạch trùng tu, bia sẽ được bóc lớp vữa, tháo dỡ ngói lợp bị hỏng, tháo gạch men trang trí, đục phần gạch mủn mục, nứt gãy; tô trát lớp vữa bị bong tróc bằng vữa tam hợp; lợp lại ngói ống men; tu bổ các họa tiết trang trí, bổ sung hoa văn trang trí bị hỏng. Phần lan can, trụ biểu, trụ lan can cổng vào cũng được bóc lớp vữa bong rộp để xây tu bổ và gia công…

Song trong quá trình tôn tạo, không chỉ màu sơn khiến người dân Cố đô xôn xao, mà những hoa văn trang trí vốn được làm rất tinh tế trên bia đã bị cạo.

Theo TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế đánh giá: Màu hiện tại của bia Quốc học Huế giống như “màu cải lương, tuồng chèo”, nhìn rất chói mắt.

Song vấn đề nghiêm trọng ở đây chưa phải là màu sắc lòe loẹt mà là việc người ta đã cạo sạch những hoa văn trang trí trên công trình. Giá trị lớn nhất của công trình là hoa văn trang trí có tính biểu tượng chung cho văn hóa truyền thống Việt, cụ thể là Huế, họa sĩ đã lấy tinh thần từ bình phong Huế, kiến trúc Huế để đưa vào.

Giữ đúng nguyên bản và hồn cốt di tích

Vừa mới đây, sau khi kiểm tra di tích, Ban quản lý di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã quyết định thực hiện Dự án “Vệ sinh cấu kiện gỗ và quét vôi trang trí lại cảnh quan di tích”.

Song khi màu vôi mới được quét lên ở một số đoạn tường rào khu vực quanh giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ..., dư luận cho rằng màu vôi này không phù hợp với cảnh quan chung.

Thêm vào đó, sau khi có những đánh giá và kết luận của các chuyên gia về hiện trạng của di tích, Ban quản lý đã ngừng ngay việc quét vôi để xin chủ trương lập dự án tu bổ hợp lý, khoa học nhất. Trước mắt chỉ là vệ sinh, làm sạch rong rêu.

Như vậy rõ ràng đối với những di tích lịch sử, đặc biệt là những di tích mang tầm vóc quốc gia, tầm vóc thế giới, thì vấn đề bảo tồn và trung tu tôn tạo các di tích này lại càng phải được đánh giá, xem xét và thực hiện cẩn trọng. Bởi vấn đề trung tu cần phải được nhìn nhận ở phương diện kỹ thuật và sự soi chiếu của niên đại, lịch sử, văn hóa của bản thân di tích đó.

Theo Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT&DL quy định chi tiết về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thì chỉ những người có chuyên môn, kinh nghiệm, chứng nhận hành nghề mới có thể tham gia công việc trùng tu, bảo tồn di tích, di sản.

Song điều đáng buồn là rất nhiều đơn vị thi công mặc dù đã có chứng chỉ hành nghề, lại trùng tu theo kiểu phá di tích.

Khi thực hiện trùng tu, các đơn vị thi công mắc lỗi chung là tháo dỡ và phá bỏ hầu hết các cấu kiện cổ, thiếu tính toán trong quá trình hạ giải, đưa những hiện vật mới và không đúng kích cỡ ban đầu vào di tích trong khi nhiều chi tiết cổ và còn đậm chất mỹ thuật hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng.

Điển hình cho sự thay đổi của các di tích cổ sau khi được trùng tu là câu chuyện về đền thờ và lăng Ngô Quyền (xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) cách đây vài năm. Khi trùng tu, tôn tạo lăng Ngô Quyền, đơn vị thi công đã tự ý xây mới một bức bình phong có tạo hình con quái thú thiếu tính thẩm mỹ và không phù hợp với truyền thống văn hóa người Việt. Sau khi dư luận có ý kiến, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã vào cuộc và chính thức yêu cầu bức bình phong này phải bị dỡ bỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.