Thanh Hóa: Thiếu gần 6.000 giáo viên

GD&TĐ - Theo báo cáo mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa về giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các trường công lập trên địa bàn thì so với biên chế hiện có, nhu cầu biên chế theo quy định của tỉnh còn thiếu gần 6.000 giáo viên mầm non, tiểu học và THPT.

Thanh Hóa đang từng bước giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Thanh Hóa đang từng bước giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Thừa giáo viên THCS, thiếu giáo viên mầm non, tiểu học

Năm 2017, tổng biên chế UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT là 48.581. Trong đó, mầm non là 12.692 biên chế, tiểu học: 16.551 biên chế, THCS: 13.535 biên chế, THPT: 5.803 biên chế.

Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên hành chính hiện có là 49.382 biên chế. Trong đó, mầm non: Tổng biên chế và hợp đồng theo Quyết định số 60/2011/QĐ- TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015 hiện có là 13.566 người; tiểu học là 15.913 người; THCS là 14.356; THPT và THCS trực thuộc Sở có 5.547 người.

Căn cứ vào quy định định mức bình quân học sinh/lớp học và định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính các trường mầm non, tiểu học và THCS, THPT công lập của UBND tỉnh Thanh Hóa thì nhu cầu số lượng người làm việc ở các cấp học năm học 2016- 2017 là: Mầm non: 18.122 biên chế, tiểu học: 16.910 biên chế, THCS: 12.145 biên chế, THPT và THCS trực thuộc Sở: 5.890 biên chế (Trong đó: THPT: 5.793, THCS: 97).

So với biên chế tỉnh Thanh Hóa giao năm 2017 thì nhu cầu biên chế theo quy định của tỉnh thừa 1.303 giáo viên THCS, thiếu 2.549 giáo viên mầm non, 359 giáo viên tiểu học.

So với biên chế hiện có thì nhu cầu biên chế theo quy định của tỉnh thừa 2.211giáo viên THCS, thiếu 4.556 giáo viên mầm non và 997 giáo viên tiểu học, 334 giáo viên THPT.

Để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên, ngành giáo dục Thanh Hóa đã chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ căn cứ các quy định của các Bộ, ngành Trung ương xây dựng hướng dẫn liên ngành về định mức học sinh/lớp học và định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính trong các trường mầm non và phổ thông công lập, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, các vùng miền, địa phương trong tỉnh và biên chế được cấp có thẩm quyền giao; rà soát số học sinh, số trường, số lớp và xác định nhu cầu biên chế cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính ở các trường mầm non, tiểu học, THCS năm học 2016-2017.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành, đơn vị có liên quan, căn cứ theo quyết định của UBND tỉnh và tình hình thực tế, nghiên cứu tham mưu văn bản hướng dẫn thực hiện việc sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính ở các trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc phạm vi quản lý của UBND các huyện, thị xã, thành phố và giữa cấp huyện trên địa bàn tỉnh;.

Phối hợp với Sở Nội vụ và các ngành, đơn vị có liên quan tổng hợp danh sách thừa, thiếu của các huyện, thị xã, thành phố, tham mưu phương án điều động, biệt phái, bố trí, sắp xếp trong phạm vi giữa các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng số giáo viên bậc THCS phải thực hiện điều động, biệt phái giảng dạy ở bậc tiểu học, mầm non và tổ chức triển khai thực hiện.

Khó khăn trong bố trí, sắp xếp giáo viên

Tiếp tục giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên ở các cấp học, Thanh Hóa đã chỉ đạo các các huyện, thị xã, thành phố triển khai rà soát, sắp xếp, điều chuyển cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính trường mầm non, tiểu học và THCS công lập trong phạm vi huyện; đồng thời tuyên truyền, vận động giáo viên, nhân viên trong toàn ngành hiểu rõ chủ trương chính sách của tỉnh về bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên.

Tính đến ngày 10/3/2017, cấp THCS đã điều chuyển 481 người giữa các trường THCS trong huyện. Trong đó, cán bộ quản lý: 1 người, giáo viên: 430 người, nhân viên hành chính: 50 người; Điều chuyển xuống tiểu học: 391 người. Trong đó, cán bộ quản lý: 1 người, giáo viên: 379 người, nhân viên hành chính: 11 người; điều chuyến xuống mầm non: 82 người. Trong đó, giáo viên: 75 người, nhân viên hành chính: 7 người.

Đối với tiểu học, điều chuyển giữa các trường tiểu học trong huyện là 504 người. Trong đó, cán bộ quản lý: 105 người, giáo viên: 341 người, nhân viên hành chính: 58 người; Điều chuyển xuống mầm non: 14 giáo viên.

Tuy nhiên, việc giải quyết thừa, thiếu giáo viên các trường mầm non, tiểu học và THCS cũng gặp những khó khăn, vướng mắc.

Hiện nay, việc bố trí số học sinh/ lớp ở nhiều đơn vị chưa phù hợp với định mức quy định của tỉnh (hầu hết thấp hơn định mức theo quy định ở cấp tiểu học và THCS, cao hơn định mức quy định ở mầm non). Do đó các huyện còn gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí giáo viên để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Nhiều địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi do khoảng cách các trường xa nhau nên việc bố trí giáo viên dạy liên trường còn nhiều khó khăn.

Ở cấp học tiểu học và THCS, nhiều trường có số học sinh/lớp thấp hơn so với định mức quy định tại Quyết định số 3185/QĐ-UBND nên có nhiều bất cập trong bố trí, sắp xếp giáo viên. Đó là biên chế hiện có cao hơn biên chế tỉnh giao, nhưng nhu cầu thực tế lại thiếu so với biên chế hiện có.

Cũng theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, thực hiện quy định của UBND tỉnh về việc sắp xếp bố trí điều động cán bộ, giáo viên, nhân viên, những người phải điều chuyển là những giáo viên trẻ, trong đó có nhiều giáo viên có năng lực tốt, là cốt cán của trường nên đã ảnh hưởng nhiều đến việc dạy và học tại nhà trường có giáo viên thuộc diện điều chuyển.

Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên điều chuyển dạy tiểu học và mầm non cũng gặp khó khăn. Vì trong quá trình triển khai, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 479/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 14/02/2017 về việc bồi dưỡng giáo viên điều chuyển dạy mầm non, tiểu học.

Theo đó, việc đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên điều chuyễn phải thực hiện theo chương trình thống nhất trong toàn quốc do Trường Đại học sư phạm I Hà Nội xây dựng; giáo viên phải được đào tạo văn bằng 2 về chuyên môn trước khi điều chuyển, thời gian đào tạo, bồi dưỡng 2 năm. Vì vậy đến nay việc triển khai bồi dưỡng cho giáo viên thuộc diện điều chuyển tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chưa thực hiện được.

Hiện nay, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đề nghị UBND tỉnh trong thời gian tới, chỉ đạo Trường Đại học Hồng Đức nghiên cứu nội dung, chương trình đào tạo do trường Đại học sư phạm I Hà Nội xây dựng để trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đào tạo, hình thức đào tạo và kinh phí đào tạo cho giáo viên tình nguyện chuyển xuống công tác lâu dài ở các trường mầm non và tiểu học.

Được biết, nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cho năm học mới 2017-2018, vừa qua, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã thống nhất cho ký hợp đồng lao động 1.200 giáo viên mầm non và 104 giáo viên Tiếng Anh còn thiếu của khối tiểu học và THCS. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu dạy học trong các nhà trường hiện toàn tỉnh vẫn còn thiếu hàng nghìn giáo viên mầm non, tiểu học và THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.