Kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách với cán bộ, công chức, viên chức vùng khó

GD&TĐ - Đây là ý kiến được đồng thuận tại Hội nghị tổng kết các Nghị định của Chính phủ về chính sách với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn tổ chức hôm nay (7/8) tại Hà Nội.

Hội nghị tổng kết các nghị định của Chính phủ về chính sách với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn
Hội nghị tổng kết các nghị định của Chính phủ về chính sách với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn

Chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Văn Thành. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo 24 UBND tỉnh và đại diện đoàn Đại biểu Quốc hội nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Chính sách nhân văn nhưng triển khai còn "vướng"

Trong những năm qua, đặc biệt sau khi thực hiện chính sách đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, Nghị định số 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, CBQL giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 19/2013/NĐ-CP; Nghị định số 64/2009/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và Nghị định số 116/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

Sau khi các Nghị định trên được ban hành, các Bộ chủ trì là Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan ban hành các thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai.

Tại hội nghị, các ý kiến đều thống nhất các Nghị định trên là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, góp phần khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác lâu dài ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, 2 ngành GD&ĐT và Y tế, với phụ cấp ưu đãi ngành, phụ cấp khu vực và chính sách thu hút đã tạo điều kiện từng bước khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên và cán bộ y tế kéo dài nhiều năm.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đại diện Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT đều cho biết phát sinh nhiều hạn chế cần điều chỉnh để phát huy hiệu quả của chính sách.

Đơn cử, rất nhiều nhà giáo sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn khi hết thời hạn 5 năm (với nam) và 3 năm (với nữ), họ vẫn công tác tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn nhưng không tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút. Trong số các nhà giáo này có nhiều người là dân tộc thiểu số.

Hoặc, hết thời hạn công tác của giáo viên theo quy định, một số địa phương không thực hiện việc bố trí nhà giáo trở lại nơi công tác ban đầu do nơi đó đang đủ hoặc thừa giáo viên; có sự chênh lệch nhất định trong chế độ phụ cấp giữa nhà giáo luân chuyển từ nơi khác đến với nhà giáo sinh sống và công tác tại địa bàn vùng khó khăn khi hưởng phụ cấp thu hút.

Việc xác định các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi hiện chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến cách hiểu, vận dụng khác nhau về đối tượng và địa bàn thụ hưởng chính sách...

Báo cáo kết quả khảo sát tình hình triển khai thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn của Hội đồng Dân tộc cũng đưa ra hạn chế: việc hướng dẫn, chỉ đạo thiếu thống nhất dẫn đến một đối tượng cùng lúc hưởng nhiều khoản phụ cấp, vừa hưởng chính sách 116, vừa hưởng phụ cấp đặc thù ngành, vừa hưởng phụ cấp khu vực.

Ngoài ra còn có bất cập trong định mức chi cho các chính sách phát triển cộng đồng; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong quá trình hoạch định chính sách, hướng dẫn triển khai chính sách; chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra, phát hiện bất cập để đề xuất sửa đổi; công tác quản lý còn chồng chéo, bất cập...

Cần hợp nhất 3 Nghị định

Cùng với đề xuất trình Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, đại diện các bộ, ngành, UBND tại hội nghị đều thống nhất cao việc hợp nhất các văn bản của Chính phủ quy định về chính sách với các đối tượng nói trên để dễ thực hiện, tránh trùng lặp đối tượng thụ hưởng.

Theo đó, làm rõ hơn các nội dung quy định về đối tượng, địa bàn, về chính sách, về trách nhiệm của các bộ, ngành...

Ông Phan Đình Phùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định chung áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; trong đó quy định cụ thể từng chế độ, chính sách dành cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung và giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên quân y nói riêng.

Ngoài ra, cần quy định thống nhất việc ban hành danh sách các vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo để tránh chồng chéo và đảm bảo thuận lợi cho địa phương trong quá trình áp dụng thực hiện.

Để thu hút cán bộ, công chức, viên chức về công tác tại các địa bàn khó khăn, UBND tỉnh Sơn La đề xuất Chính phủ rà soát, tiếp tục ban hành các quy định về chính sách ưu đãi, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện 3 Nghị định trong thời gian qua.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định một chính sách đối với một đối tượng trong một văn bản thống nhất để tránh những bất cập không đáng có khi triển khai thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, Hội đồng Dân tộc kiến nghị Quốc hội tiếp tục bố trí ngân sách cho việc thực hiện chính sách theo quy định của Nghị định 116 của Chính phủ; Quốc hội đề nghị Chính phủ có báo cáo tổng kết rà soát các chính sách liên quan đến các đối tượng đang công tác tại các vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, bãi ngang ven biển, hải đảo.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành chức năng tổng kết, đánh giá hiệu quả cũng như hạn chế, bất cập qua thực hiện Nghị định 116; nghiên cứu hợp nhất các văn bản quy định chế độ đãi ngộ đối với các cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đang công tác tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm trong việc phối hợp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tạo sự thống nhất trong tổ chức, thực hiện. Tiến hành rà soát thường xuyên đưa ra khỏi chương trình những đối tượng trên các địa bàn không còn đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi...

Theo số liệu báo cáo của 43 tỉnh và 2 bộ ngành gửi về Hội đồng dân tộc, trong 5 năm (2011-2015), tổng số đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định 116 là 1.616.326 lượt người; tổng mức kinh phí thực hiện chi trả là 24.817.058 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ