Thanh Hoá: Thành công từ mô hình trường học mới

GD&TĐ - Sau hai năm thực hiện mô hình trường học mới VNEN, Thanh Hoá đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp và mong muốn sẽ duy trì, phát triển sau khi dự án kết thúc.

Tổ chức hoạt động dạy học theo nhóm tại lớp 4B, Trường tiểu học Đông Hải 1, TP. Thanh Hoá.
Tổ chức hoạt động dạy học theo nhóm tại lớp 4B, Trường tiểu học Đông Hải 1, TP. Thanh Hoá.

Thành công trong tổ chức lớp học

Thanh Hoá tham gia dự án VNEN có 91/732 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Trường tiểu học Đông Hải 1 (TP. Thanh Hoá), là một trong những trường tiểu học trên địa bàn tỉnh tiếp nhận dự án VNEN năm học 2012-2013, với điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện dự án, trường lớp đã có nhiều thay đổi.

Cô Nguyễn Thị Hạnh – Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Hải 1, chia sẻ: Năm đầu khi tiếp cận với dự án, nhà trường rất lo lắng. Sau khi, được sự hướng dẫn cụ thể của cấp trên cùng với sự quyết tâm của các thầy cô giáo trong trường, mô hình trường học mới đã được thực hiện rất tốt tại trường; chất lượng dạy và học được thay đổi, học sinh học tập tích cực, phát triển khả năng tư duy, giao tiếp… 

Nhận thấy những tích cực mà mô hình mới đem lại, giáo viên, học sinh và phụ huynh đã thực sự yên tâm về sự đổi mới mà dự án mang lại.

Theo cô Hạnh, để tổ chức lớp học theo mô hình trường học mới thành công thì việc lựa chọn Hội đồng tự quản (HĐTQ) học sinh rất quan trọng. Bởi một HĐTQ năng động, tự tin sẽ là một trong những yếu tố quyết định thành công của việc dạy - học theo nhóm. Trong đó, bước bầu HĐTQ vô cùng quan trọng để thành lập HĐTQ. Tuy nhiên, nhiều giáo viên còn xem nhẹ hoạt động này. 

Trong quá trình bầu HĐTQ giáo viên phải tạo ra bầu không khí sôi nổi, kịch tính nhưng lại mang tính đoàn kết dân chủ. Qua việc tranh cử, giáo viên sẽ phát hiện được những học sinh xuất sắc có khả năng diễn thuyết trước đám đông (một trong những năng lực quan trọng trong vai trò HĐTQ).

Ngoài ra, giáo viên phải chú trọng bồi dưỡng các nhóm trưởng HĐTQ. Việc thành công của tiết học phụ thuộc rất nhiều vào các nhóm trưởng HĐTQ, bởi nhóm trưởng phải huy động đựợc các thành viên tham gia, biết hỗ trợ các thành viên trong nhóm…     

HĐTQ học sinh không chỉ quyết định sự thành công trong giờ dạy – học theo nhóm mà còn giúp xây dựng tập thể lớp đoàn kết, thân thiện và giàu lòng nhân ái. HĐTQ là sợi dây kết nối các thành viên trong lớp: hướng dẫn các bạn học tập, tổ chức các hoạt động của lớp (tổ chức sinh nhật…), tương tác với góc thư viện, góc học tập hay góc cộng đồng.

Dạy học theo mô hình mới VNEN, lớp học được trang trí đẹp hơn với các chủ đề được trang trí đẹp mắt trên lớp học. Ghé thăm lớp 4B, Trường tiểu học Đông Hải 1, bên một góc tường trên lớp có một hòm thư, với mỗi bạn trong lớp là một hòm thư riêng, nơi thể hiện tình cảm của bạn bè trong lớp. 

Em Ngọc Linh- Chủ tịch HĐTQ của lớp cho biết, vừa qua có một bạn trong lớp phải đi mổ u não ở bệnh viện, các bạn trong lớp ngoài quyên góp tiền thăm bạn còn viết thư động viên bạn, hòm thư của bạn đầy ắp thư động viên, hỏi thăm.

Mong muốn duy trì và phát triển

Một giờ học theo mô hình VNEN của lớp 3B, Trường tiểu học Đông Hải 1, TP. Thanh Hoá.
Một giờ học theo mô hình VNEN của lớp 3B, Trường tiểu học Đông Hải 1, TP. Thanh Hoá. 

Tại Thanh Hoá, các trường tham gia dự án được phân bố ở tất cả các huyện, thị, thành phố. Trong số 91 trường tham gia dự án có 15 trường thuộc xã đặc biệt khó khăn, 46 trường thuộc khu vực miền núi. Trường xa nhất cách thành phố 250 km (Trường tiểu học Quang Chiểu 1, huyện Mường Lát).

Ông Vũ Duy Cảng - Trưởng phòng giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Thanh Hoá) cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận dự án, các thầy cô giáo còn bỡ ngỡ vì tiếp cận với phương pháp dạy học mới khác so với cách dạy học truyền thống. 

Đặc biệt, việc triển khai dự án tại các trường thuộc huyện miền núi đã gặp nhiều khó khăn, khi học sinh lớp 2 vẫn còn chưa đọc thông tiếng Việt. Trong khi đó, dạy học theo mô hình mới yêu cầu học sinh tự đọc hiểu tài liệu. Vì vậy, một trong những nội dung quan trọng khi thực hiện mô hình trường học mới tại các trường miền núi là bồi dưỡng tiếng Việt cho học sinh.

Điều ghi nhận khi thực hiện mô hình trường học mới là đã làm thay đổi môi trường lớp học, giúp các em thân thiện, hứng thú mỗi khi tới lớp; đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh mạnh dạn, tự tin, phấn khởi và học tập có chất lượng hơn. Nhất là đối với các học sinh vùng dân tộc miền núi, vốn nhút nhát đã mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong giao tiếp. 

Thực tế trong 2 năm thực hiện dự án VNEN tại Thanh Hoá, những thành công từ mô hình trường học mới đã tạo hứng thú và niềm tin cho thầy trò trong dạy học.

Cô Nguyễn Thị Hạnh cũng chia sẻ thêm: Trường tiểu học Đông Hải 1 có 10 lớp/ 318 học sinh, từ khối 2 đến khối lớp 5 đã thực hiện theo mô hình trường học mới. Sau 2 năm thực hiện, các thầy cô và học sinh đều rất hứng thú với phương pháp dạy học mới này. 

Dự án thí điểm 3 năm, có một phần hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, sau khi kết thúc dự án, dù không còn kinh phí hỗ trợ, các thầy cô giáo cũng mong muốn tiếp tục duy trì và phát triển. Bởi mô hình trường học mới đã thể hiện nhiều ưu điểm, được chứng minh trong quá trình thực hiện thí điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ