'Chiến thuật' ôn thi môn Lịch sử giai đoạn nước rút thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Môn Lịch sử là môn học khiến không ít sĩ tử lo lắng trong quá trình ôn thi nước rút. Vì vậy giai đoạn này, thí sinh cần có chiến thuật cụ thể để ôn tập.

Cô Nguyễn Thị Duyên - Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cùng học trò của mình. Ảnh NVCC.
Cô Nguyễn Thị Duyên - Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cùng học trò của mình. Ảnh NVCC.

Tập trung cao độ

Thời điểm này, sĩ tử đang bước vào giai đoạn cuối để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Theo cô Nguyễn Thị Duyên - Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), giai đoạn nước rút là thời điểm bứt phá của thí sinh để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi vậy mỗi môn học, các em phải đưa ra chiến thuật riêng để học sao cho hiệu quả nhất và môn Lịch sử cũng vậy.

Đối với môn Lịch sử, đây là giai đoạn mà học sinh cần tập trung cao độ để ôn luyện, gia cố kiến thức, bù lấp lỗ hổng. Các em nên ôn thi theo định hướng của giáo viên, bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, không học theo kiểu tràn lan, làm nhiều đề trên mạng dẫn đến tình trạng rối kiến thức.

“Mỗi học sinh cần nhận thức rõ năng lực của mình để có cách học phù hợp, kết hợp ôn tập kiến thức cơ bản đã được thầy cô trang bị và luyện đề. Quá trình ôn, các em nên phân chia theo từng giai đoạn, vạch rõ nội dung chủ yếu của từng giai đoạn mới đi vào kiến thức cụ thể”, cô Duyên lưu ý và nhấn mạnh, luyện đề giai đoạn này, thí sinh cần lưu ý, không nên luyện đề một cách tràn lan, tham gia các nhóm chát trên mạng xã hội, cách này dễ bị rối kiến thức, không tập trung hoặc dễ mất phương hướng.

Nên luyện đề theo định hướng của giáo viên trực tiếp giảng dạy, kết hợp tham khảo các đề có nguồn gốc rõ ràng, đáng tin cậy như đề thi thử của các sở GD&ĐT hay đề thi các năm trước của Bộ GD&ĐT… Khi làm đề, các em cần tuân thủ các nguyên tắc như: làm đúng khoảng thời gian theo quy định, đọc kĩ câu hỏi, làm từ các câu dễ đến khó.

“Cần vận dụng kĩ năng phân tích trực tiếp trên đề để chọn đáp án; gạch từ khóa quan trọng, mốc thời gian hay giai đoạn lịch sử, không bỏ sót bất kì đáp án nào, sau khi làm xong cần rà soát lại các đáp án đã chọn một lần nữa hết sức cẩn thận”, cô Duyên nhấn mạnh.

Cô Nguyễn Thị Duyên - Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh NVCC.
Cô Nguyễn Thị Duyên - Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh NVCC.

Thầy cô là người cố vấn tốt nhất

Nhiều thí sinh thời điểm này dễ bị mất phương hướng trong quá trình học... Để hỗ trợ học trò theo cô Duyên, giáo viên cần tìm hiểu nguyên nhân khiến các em rơi vào tình trạng này là do đâu?

“Có thể do áp lực thi cử, học nhiều môn dễ gây ra mệt mỏi hay áp lực từ phía gia đình trong lựa chọn định hướng nghề nghiệp hoặc có thể do từ phía bạn bè, thầy cô...

Sau khi nắm bắt được nguyên nhân, giáo viên nên gần gũi động viên, nhắc nhở các em, giúp các em xác định rõ lại mục tiêu của mình, sau đó mới có lời khuyên cho học trò trong việc áp dụng phương pháp học nào có hiệu quả nhất”, cô Duyên nói.

Cô Duyên cũng cho biết thêm, để vững vàng bước trong phòng thi, các em cần chuẩn bị về mặt kiến thức, kĩ năng làm bài; chuẩn bị đầy đủ các vật dụng được đưa vào phòng thi theo đúng quy định đặc biệt phải có sức khỏe, tâm lý tốt. Khi vào phòng thi cần lắng nghe và thực hiện đúng yêu cầu của cán bộ coi thi, quá trình làm bài thi cần tập trung cao độ.

Ngoài ra muốn làm bài thi điểm cao, không đánh mất điểm ở câu dễ, cô Duyên gợi ý: “Khi làm bài các em cần tuân thủ các nguyên tắc như làm đúng khoảng thời gian theo quy định; đọc kĩ câu hỏi, làm từ các câu dễ đến khó, vận dụng kĩ năng phân tích trực tiếp trên đề như khoanh, gạch từ khóa quan trọng, mốc thời gian hay giai đoạn lịch sử, không bỏ sót bất kì đáp án nào. Đặc biệt, các em cần dành một khoảng thời gian cuối giờ để rà soát lại các đáp án đã chọn một lần nữa tránh bị bỏ sót không điền đáp án”.

“Từ nay đến kỳ thi không còn dài, cô mong các em bình tĩnh, tự tin học thật tốt để đạt được kết quả như mình mong muốn”, cô Duyên nhắn gửi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó: ngày 26/6/2024: làm thủ tục dự thi; ngày 27, 28/6/2024: tổ chức coi thi; ngày 29/6/2024: dự phòng.

Thời gian công bố kết quả thi dự kiến vào 8 giờ 00 ngày 17/7/2024. Sau đó, các địa phương tiến hành xét tốt nghiệp cho học sinh dự thi và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch tuyển sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ