Kỹ năng làm tốt phần đọc hiểu
Theo thầy Phạm Tiến Dũng, học sinh cần hệ thống kiến thức đã được học ở bậc THCS, luyện kỹ năng trả lời câu hỏi theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Nhận biết rõ ngữ liệu trích dẫn trong đề được trích ở đâu (báo chí, tác phẩm văn học ngoài sách, hoặc các nguồn khác…); thể loại văn bản được trích dẫn là gì (văn xuôi, thơ, các loại văn bản khác).
Có tất cả mấy câu hỏi trong yêu cầu, mỗi câu hỏi có mấy ý cần trả lời; nội dung yêu cầu của từng câu hỏi ra sao, mỗi nội dung đó cách trả lời như thế nào?
Về kỹ năng trình bày: Chữ viết phải rõ ràng, cách trả lời phải theo từng yêu cầu đề, không được trả lời chung chung. Mỗi câu phải tách bạch bằng việc đánh số câu tương ứng với số câu trong đề, trả lời trọn vẹn những ý đã hỏi.
Khi hết câu phải xuống đoạn, đánh số và trả lời câu hỏi khác, không viết dài dòng mà chỉ trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm. Tùy theo câu hỏi mà có thể trả lời bằng một đoạn văn hoặc bằng những ý gạch đầu dòng cho tương ứng.
Thầy Phạm Tiến Dũng và học trò. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, học sinh cần tránh viết câu thiếu chủ ngữ khi trả lời các câu hỏi. Đây là lỗi học sinh vướng khá nhiều. Câu trả lời sai ngữ pháp thì điểm cho câu đó sẽ không đạt tối đa. Không được dùng ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, không viết tắt.
Khi gặp câu hỏi có yêu cầu “Vì sao? Tại sao?” thì thí sinh không nên viết câu trả lời bắt đầu là “Vì…”. Hình thức viết câu trả lời như vậy là “chưa trọn vẹn”. Các em phải dẫn lại ý chính của câu hỏi rồi mới trả lời các lý do, thường chọn hai hoặc ba ý. Có thể viết gạch đầu dòng để rõ ý, rõ có bao nhiêu ý.
Về nội dung, trả lời đúng với yêu cầu câu hỏi, sát nghĩa, sâu và mang tính khoa học. Học sinh không được hỏi một đằng trả lời một nẻo, hỏi hai vấn đề nhưng chỉ trả lời một, cũng không trả lời câu này chưa xong lại sang câu khác.
Các em phải lưu ý đọc kĩ câu hỏi, hiểu yêu cầu và phạm vi hỏi để tránh bị dài dòng. Ví dụ, câu hỏi yêu cầu “ý nghĩa của việc đặt câu hỏi trong học tập” thì câu trả lời phải hướng đến lợi ích, điều tích cực của việc đặt câu hỏi (chọn hai hoặc ba ý tâm đắc nhất), không cần phải liệt kê hết tất cả các ý, rơi vào dài dòng, mất thời gian.
Câu hỏi yêu cầu ý trả lời hướng đến bản thân nhưng khi viết, học sinh trả lời ý hướng đến mọi người thì cũng dễ “mất điểm”. Chẳng hạn, câu hỏi yêu cầu “rút ra bài học tâm đắc cho em” thì hướng viết phải là về bản thân, xưng hô cá nhân (em, tôi).
Lưu ý khi làm phần nghị luận
Trước khi được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường THCS Nam Cao, thầy Phạm Tiến Dũng được công nhận Giáo viên dạy giỏi môn Ngữ văn cấp tỉnh tại Hà Nam. Ảnh: NVCC. |
Thầy Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, Nghị luận xã hội là phân tích, bàn bạc các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ của con người trong đời sống xã hội. Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý có thể đề cập đến các vấn đề của đời sống xã hội.
Có thể khái quát một số vấn đề thường được đưa vào đề thi như: Về nhận thức (lý tưởng, mục đích sống); về tâm hồn, tính cách, phẩm chất (lòng nhân ái, vị tha, độ lượng, tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ…); về quan hệ gia đình, quan hệ xã hội (tình mẫu tử, tình anh em, tình thầy trò, tình bạn, tình đồng bào…); về lối sống, quan niệm sống (cho và nhận)…
Đề bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lý khá đa dạng: Có thể nêu rõ yêu cầu nghị luận, hoặc chỉ đưa ra vấn đề nghị luận mà không đưa ra yêu cầu cụ thể nào; có đề nêu trực tiếp vấn đề nghị luận, có đề chỉ nêu gián tiếp qua một câu danh ngôn, ngạn ngữ hay một câu chuyện… Vì vậy, học sinh cần nắm chắc kỹ năng làm bài.
Các thao tác lập luận cơ bản thường được sử dụng trong kiểu bài này là: Sử dụng thao tác lập luận giải thích để làm rõ ý nghĩa vấn đề, các nghĩa tường minh, hàm ẩn (nếu có); sử dụng thao tác lập luận phân tích để chia tách vấn đề thành nhiều khía cạnh, chỉ ra các biểu hiện cụ thể của vấn đề;
Thí sinh có thể sử dụng thao tác lập luận chứng minh để làm sáng tỏ vấn đề (Dẫn chứng lấy từ thực tế, không nên lấy trong thơ văn vì thơ văn mang tính hư cấu); sử dụng thao tác lập luận so sánh, bình luận, bác bỏ để đối chiếu với các vấn đề khác cùng hướng hoặc ngược hướng, phủ định cách hiểu sai lệch, bàn bạc tìm ra phương hướng…
Cần nhớ rõ đoạn văn nghị luận xã hội chứ không phải là một bài văn nghị luận xã hội thu nhỏ. Chúng ta cần đảm bảo đúng cấu trúc của một đoạn văn, nghĩa là không được xuống dòng, không được tách thành hai, ba đoạn văn nhỏ. Đoạn văn cũng phải đảm bảo đủ ba phần: mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.
Với yêu cầu đoạn văn khoảng 200 chữ, học sinh chỉ cần viết khoảng 3/4 trang giấy thi là được, không nên viết dài quá, vừa mất thời gian vừa bị trừ điểm. Kết cấu đoạn văn có thể viết theo bố cục: tổng – phân – hợp hoặc diễn dịch hay quy nạp.
Để làm tốt nghị luận xã hội, thí sinh cần trang bị kiến thức xã hội, có một sự hiểu biết nhất định về những vấn đề đạo đức, lối sống hay những sự kiện, hiện tượng đang diễn ra hàng ngày quanh ta… Từ đó các em mới bày tỏ quan điểm, thái độ, nhận định cũng như có đủ lý lẽ, dẫn chứng để thuyết phục người khác.
Đoạn nghị luận xã hội chú trọng việc bày tỏ quan điểm cá nhân, nên khuyến khích các em sáng tạo trong cách nghĩ, cách viết, bộc lộ cá tính. Tuy nhiên, sự sáng tạo, khác biệt vẫn phải dựa trên lý lẽ, căn cứ xác đáng với một thái độ chân thành, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và các quy định của pháp luật.