Sau lễ khai mạc, hơn 1100 học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Du và Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) được thưởng thức chùm kịch “Lời bà kể” chuyển thể từ 2 tác phẩm "Sự tích cây nêu ngày Tết" và "Mồ Côi xử kiện", các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn của chương trình GDPT 2018 do các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng và biểu diễn.
Chào đón hơn 1000 học sinh các trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đến dự lễ khai mạc và thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, NSND Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội cho biết: Năm 2022, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030.
Nhà hát kịch Hà Nội đã triển khai xây dựng đề án và phối hợp với các đơn vị, nhà trường tổ chức thực hiện với mục đích giúp học sinh có cơ hội được trải nghiệm, tiếp xúc với các tác phẩm nổi tiếng được học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Qua đó khắc sâu kiến thức được học, giáo dục tình yêu thương, giá trị của các tác phẩm văn học và vẻ đẹp của nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam.
“Sau khi xem vở diễn, học sinh cho rằng các tác phẩm văn học không còn trìu tượng, khó nhớ. Xem tác phẩm qua sự thể hiện của các nghệ sĩ, các cháu thấy yêu mến các nhân vật lịch sử, yêu Hà Nội hơn. Do đó, Đề án triển khai hiệu quả sẽ phát huy ý nghĩa thiết thực trong giáo dục và bảo tồn các giá trị truyền thống", NSND Trung Hiếu tâm sự.
Học sinh quận Hoàn Kiếm hào hứng theo dõi vở diễn. |
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Việc phối hợp thực hiện Đề án Sân khấu học đường giữa Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm với Nhà hát Kịch Hà Nội là một hoạt động ý nghĩa giúp học sinh được tiếp cận với tác phẩm văn học thông qua loại hình sân khấu. Từ đó nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mĩ, bồi đắp tình yêu văn học, góp phần định hướng và hoàn thiện nhân cách, lối sống cho học sinh.
Nguyễn Thu Hà, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Trưng Vương cho hay: “Em rất thích xem phần biểu diễn của các nghệ sỹ qua chùm kịch ngắn. Đây là các tác phẩm em đã được học, được đọc nhưng khi trực tiếp xem biểu diễn, em thấy tác phẩm hay và ý nghĩa hơn rất nhiều”.
Lê Thu Hằng, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du chia sẻ: "Tham gia chương trình, được xem các cô chú nghệ sĩ thân thuộc trên sân khấu, trên truyền hình biểu diễn, em thấy rất vui. Các tác phẩm được các cô chú biên soạn rất gần gũi, thân quen, nhiều lời thoại theo ngôn ngữ @, ngôn ngữ của học sinh hiện nay nên nhiều bạn thấy rất thích thú".
Một tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội. |
Các nghệ sĩ hào hứng biểu diễn cho các em học sinh. |
Tác phẩm "Sự tích cây nêu ngày Tết" được sân khấu hóa trong chùm kịch ngắn "Lời bà kể". |
Chia sẻ về việc thực hiện Đề án trên địa bàn, bà Trịnh Ngọc Trâm - Trưởng phòng GDĐT quận cho biết, khi được nghe giảng trên lớp, có thể các em học sinh chỉ chạm đến một phần nào đó ý nghĩa của tác phẩm văn học. Nhưng khi được xem tác phẩm dựng thành vở diễn sân khấu, các em có thêm phương thức cảm thụ mới nhanh chóng và dễ hiểu hơn.
“Học sinh xem các tiết mục văn học được chuyển thể qua sân khấu là thấy cả một không gian văn học, lịch sử... tái hiện lên trước mắt. Hoạt động này đem lại cho học sinh cuộc sống tinh thần trong sáng, lành mạnh, lạc quan để học tập, tiếp thu tốt hơn và bồi dưỡng thế giới nội tâm, nhân cách, lối sống, những khát vọng, hoài bão của tuổi trẻ theo truyền thống của cha ông"- bà Trâm nói.
"Đề án Sân khấu học đường đã có tác dụng rất to lớn trong việc giáo dục tính chân – thiện mỹ cho các em học sinh. Qua buổi biểu diễn tại Nhà hát kịch Hà Nội, tôi nhận thấy các em học sinh rất đam mê và cần được triển khai rộng khắp, không chỉ tại quận Hoàn Kiếm mà còn trên phạm vi toàn Thủ đô”, bà Trịnh Ngọc Trâm- Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh.