Thanh Hóa: Phá hàng chục nghìn mét vuông rừng tự nhiên để trồng vầu

GD&TĐ - Vụ việc xảy ra ở địa bàn bản Cóc, xã Sơn Thủy, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa), khiến hơn 21.000 m2 rừng tự nhiên bị phá hoại. Mặc dù đã xảy ra hơn 1 tháng, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý.

Hơn 2,1ha rừng tự nhiên ở bản Cóc, xã Sơn Thủy, huyện biên giới Quan Sơn bị chặt phá.
Hơn 2,1ha rừng tự nhiên ở bản Cóc, xã Sơn Thủy, huyện biên giới Quan Sơn bị chặt phá.

Hủy hoại rừng tự nhiên

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Quan Sơn (Thanh Hóa), ngày 13/4, lực lượng của đơn vị này phối hợp với UBND xã Sơn Thủy kiểm tra tại khu vực bản Cóc, xã Sơn Thủy, phát hiện hơn 21.000 m2 rừng tự nhiên bị chặt phá trái pháp luật.

Tại hiện trường, Kiểm lâm Quan Sơn và lực lượng chức năng thống kê được 28 cây gỗ đã bị đốn hạ. Tổng khối lượng gỗ là 25,469m3. Lực lượng chức năng xác định diện tích rừng bị hủy hoại nêu trên là của gia đình bà Phạm Thị Ngọm (trú tại bản Cóc, xã Sơn Thủy), được Nhà nước giao khoán bảo vệ, chăm sóc.

Cũng theo Hạt Kiểm lâm Quan Sơn, diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá trái pháp luật xảy ra tại lô 6, khoảnh 4 và lô 8, khoảnh 1, tiểu khu 184, bị phá 8.183m2. Tại lô 144, khoảnh 1, tiểu khu 15010, bị phá 9.497m2. Tổng diện tích bị phá là 17.680m2, trong đó có 28 cây gỗ thông thường có đường kính gốc từ 17 đến 55cm.

Tổng khối lượng gỗ bị chặt phá là 25,469m3. Thời điểm phá rừng vào hồi đầu tháng 4/2022. Người trực tiếp phá hoại diện tích rừng nêu trên là Vi Văn Anh (40 tuổi), con trai bà Phạm Thị Ngọm, trú tại bản Cóc, xã Sơn Thủy.

Ngoài ra, tại lô 6, khoảnh 4, tiểu khu 184 là rừng tự nhiên trong quy hoạch lâm nghiệp, trạng thái rừng hỗn giao nứa - gỗ, cũng bị phá 3.482m2. Người trực tiếp phá hoại diện tích rừng này là Vi Văn Thiết (36 tuổi), cũng là con trai bà Ngọm, cùng trú tại bản Cóc.

Sau khi phát hiện vụ phá rừng nêu trên, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã giao phòng chuyên môn phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn kiểm tra, xác minh, làm rõ vụ việc.

Sau khi xảy ra vụ việc, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa nhận định, đây là vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích và khối lượng gỗ thiệt hại lớn, có dấu hiệu về tội “hủy hoại rừng”, được quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 243 theo Bộ luật Hình sự 2015.

Do đó, ngày 15/4, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Quan Sơn khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quan Sơn để thụ lý theo thẩm quyền.

Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cũng đã đề nghị Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy và những cá nhân có liên quan. Đồng thời, yêu cầu Hạt Kiểm huyện Quan Sơn làm rõ, xem xét trách nhiệm của Kiểm lâm viên địa bàn xã Sơn Thủy, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Sơn Thủy, Phó Hạt trưởng phụ trách tuyến và Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm trong việc quản lý địa bàn, vì đã để rừng bị phá trái pháp luật với diện tích lớn.

Nghi phạm hủy hoại rừng tự nhiên, với mục đích để trồng cây vầu lấy nan thanh.
Nghi phạm hủy hoại rừng tự nhiên, với mục đích để trồng cây vầu lấy nan thanh. 

Vì sao chưa khởi tố vụ án?

Mặc dù, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa có chỉ đạo xử lý vụ phá rừng tự nhiên nêu trên, nhưng đến nay đã hơn 1 tháng trôi qua, Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn chưa khởi tố, chưa xử lý trách nhiệm những người có liên quan.

Huyện ủy, UBND huyện Quan Sơn cũng chưa xử lý tập thể, cá nhân nào ở xã Sơn Thủy theo tinh thần Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.

Trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, ông Lữ Văn Tiên – Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy - thừa nhận: Vụ phá rừng tự nhiên xảy ra ở địa bàn bản Cóc, đã được ngành Kiểm lâm và lực lượng chức năng, chính quyền địa phương vào hiện trường xác định cụ thể. Theo đó, diện tích rừng tự nhiên bị hai anh em Vi Văn Anh và Vi Văn Thiết chặt phá với mục đích để trồng cây vầu.

“Diện tích rừng tự nhiên vừa bị chặt phá, đã được Nhà nước giao cho hộ nông dân quản lý, bảo vệ, chăm sóc từ năm 1998. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết pháp luật, nên hai anh em Vi Văn Anh, Vi Văn Thiết đã chặt phá rừng đi để trồng cây vầu lấy nan thanh.

Mặc dù trước khi chặt phá rừng để trồng vầu, gia đình họ có xin phép trưởng bản. Sau đó, trưởng bản ra báo cáo tôi, nhưng tôi kiên quyết không đồng ý. Thế nhưng, hai anh em nhà Vi Văn Thiết và Vi Văn Anh vẫn về lén lút phá rừng đi để trồng cây vầu, nên mới xảy ra cơ sự này”, ông Tiên nói.

Khi được hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đã để xảy ra việc phá rừng nêu trên, ông Tiên nói: “Để xảy ra vụ việc phá rừng tự nhiên ở địa bàn mình quản lý và bị cấp trên xử lý, thì chắc chắn chúng tôi sẽ phải nhận một hình thức kỷ luật nào đó”.

Ông Nguyễn Trần Phương - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn - cho biết, đến nay, đơn vị chưa khởi tố vụ án “hủy hoại rừng” liên quan đến vụ phá rừng tự nhiên xảy ra tại bản Cóc, xã Sơn Thủy, vì: “Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng Kiểm lâm và các ngành chức năng liên quan đã vào khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân, đối tượng phá rừng. Sau đó, Hạt Kiểm lâm họp bàn với Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quan Sơn.

Các bên đã đi đến thống nhất để Công an huyện khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến vụ phá rừng ở bản Cóc, xã Sơn Thủy. Đối với lực lượng Kiểm lâm huyện Quan Sơn, đơn vị cũng đã tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có liên quan vì đã để xảy ra vụ phá rừng”.

Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa - cho hay, lãnh đạo sở đã nhận được thông tin về vụ phá rừng tự nhiên ở bản Cóc, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn.

“Lãnh đạo sở đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có liên quan. Đồng thời, thống nhất cho Hạt Kiểm lâm Quan Sơn chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an huyện, để đơn vị này khởi tố vụ án, khởi tố bị can vì đã xác định được người cố tình hủy hoại rừng”, ông Cường cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ