Ghi nhận tại khu vực xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương , do ảnh hưởng của đợt mưa lũ mấy ngày qua, hàng chục hộ nông dân ở xã này không kịp trở tay thu hoạch dưa hấu, khoai lang và hoa màu.
Bà Lê Thị Minh (65 tuổi, trú tại thôn Thanh, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương), cho biết: Gia đình bà trồng 10 sào (5.000m2 ) dưa hấu và 5 sào (2.500m2) khoai lang đang chuẩn bị thu hoạch thì gặp đợt mưa kéo dài, nước ngập trắng ruộng khiến dưa hấu mất sạch, con khoai lang thì không kịp đào.
“Vụ này coi như mất trắng hết rồi. Dưa hấu bị ngập nước, úng hết không thể bán nữa. Vợ chồng tôi ra ruộng thu dưa về vớt vát được đồng nào thì quý đồng ấy. Mọi năm, hai ông bà nhà tôi cũng trồng dưa hấu và khoai lang trên diện tích đất này. Khi dưa đến kỳ thu hoạch, thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 6.000 đồng/kg, còn khoai lang cũng bán được 5.000 đồng/kg. Còn bây giờ, đưa dưa về chất đầy cả đống ở nhà nhưng chẳng biết xử lý ra sao nữa”- bà Minh tâm sự.
Người dân xã Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hóa đi thu vớt dưa hấu dưới ruộng nước. |
Ông Trần Xuân Lờ - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, cho biết: Mấy ngày qua, do trời mưa to khiến diện tích dưa hấu, khoai lang và hoa màu của bà con trong xã tập trung canh tác ở khu vực thôn Tân đã bị ngập úng.
“Theo thống kê của UBND xã, số diện tích dưa hấu và hoa màu của bà con tập trung canh tác ở khu vực thôn Tân là gần 20 ha với 53 hộ dân tham gia canh tác đã bị nước nhấn chìm. Bà con đang tranh thu ra đồng thu hoạch dưa và khoai lang về nhà, nhưng có đưa về nhà thì cũng chưa chắc đã bán được cho ai. UBND xã đang làm báo cáo tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra để trình lên huyện, có hướng hỗ trợ cho bà con”- ông Lờ nói.
Người dân thu vớt dưa hấu dưới ruộng ngập nước. |
Cũng theo Phó Chủ tịch Trần Xuân Lờ, mọi năm bình quân mỗi sào (500m2 ) dưa hấu ở xã Quảng Nham cho thu hoạch khoảng 3 tấn/vụ. Với giá bán bình quân tại ruộng khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg thì mỗi sào dưa hấu, người trồng dưa cũng thu về hơn chục triệu đồng mỗi vụ. Như vậy, với diện tích gần 20 ha dưa hấu, khoai lang và hoa màu đã bị ngập nước, coi như gây thiệt hại về kinh tế cho bà con trong xã cũng khá lớn.
Còn tại thôn Hòa Lâm (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), mưa đã làm ngập và cô lập nhiều ngôi nhà của người dân do nước không có lối thoát.
Ngôi nhà của người dân thôn Hòa Lâm, xã Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) ngập trong nước lũ. |
Ông Trịnh Minh Xuyền - Trưởng thôn Hòa Lâm, cho biết: Tình trạng một số hộ dân trong thôn bị ngập mỗi khi trời có mưa đã diễn ra hơn 3 năm nay. Trước đây, nước thoát ra sông, nhưng từ năm 2014, khi thi công mở rộng tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn thôn, đơn vị thi công chỉ làm cống thoát nước qua đường, vì thế khi mưa xuống đã làm ngập nhiều hộ dân.
“Hôm qua (16/7) do nước ngập quá sâu nên thôn, xã đã báo cáo lên huyện. UBND huyện Tĩnh Gia đã phải huy động cả lực lượng quân đội, chính quyền địa phương và người dân phá một đoạn đê sông nhà Lê để nước từ khu dân cư thoát ra sông, nếu không thì mấy chục hộ dân nằm phía đông quốc lộ 1A sẽ bị ngập hết. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền cấp trên cần mở lối thoát nước, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được” – ông Xuyền nói.
Tại xã Lũng Niêm (huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa), do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua khiến nguy cơ sạt lở đất rất cao, chính quyền địa phương vừa phải tổ chức sơ tán 6 hộ dân từ những nơi có nguy cơ sạt lở cao ra các khu vực trung tâm, gần đường giao thông chính để dựng lán ở tạm.
Tàu, thuyền của ngư dân vào neo đậu tại âu tránh bão xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) |
Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến một số vị trí đồi núi gần khu dân cư tại xã Lũng Niêm xuất hiện hiện tượng lún, nứt. “ Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND huyện Bá Thước đã chỉ đạo chính quyền xã sơ tán người và tài sản của 6 hộ dân đến nơi an toàn. Nếu trời vẫn tiếp tục mưa to kéo dài trong những ngày tới, địa phương sẽ có phương án chủ động rà soát các khu vực nguy hiểm để tiếp tục di dân, đảm bảo an toàn cho người và tài sản”- ông Dũng cho biết thêm.