Thanh Hóa: Đình cổ “kêu cứu”, huyện trả lại tiền trùng tu

GD&TĐ - Được xây dựng theo lối kiến trúc Chăm độc đáo, với tuổi đời hơn 600 năm, đình Thượng Phú (thôn Kim Sơn, xã Hà Đông, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) đang xuống cấp nghiêm trọng.

Đình Thượng Phú xã Hà Đông, Huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Đình Thượng Phú xã Hà Đông, Huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều kiến trúc cổ độc đáo

Đình Thượng Phú là công trình thuộc vùng đất Đại Lại (Ly Cung nhà Hồ) xưa, nay thuộc xã Hà Đông (Hà Trung, Thanh Hóa). Theo tài liệu, vào cuối thế kỷ XIV, sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử do Hồ Quý Ly giao phó, Trần Khát Chân thu nạp được khá nhiều tù binh.

Nhiều tù binh là nghệ nhân tài năng về điêu khắc, gốm. Tận dụng cơ hội này, Hồ Quý Ly đưa số thợ bị bắt làm tù binh là người Chăm ra Thanh Hoá, để thực hiện nhiệm vụ kiến thiết.

Tại vùng đất mới, những người Chăm tài hoa bắt tay vào việc xây dựng Ly Cung và một số đình, chùa ở vùng đất Đại Lại, trong đó có ngôi đình làng Thượng Phú.

Bằng sự tài hoa của mình, nhiều người thợ đã tạc nên những nét hoa văn, chạm khắc đặc trưng của văn hóa Chăm trên từng thớ gỗ quý (lim, sến). Trải qua thời gian, đến nhà Nguyễn, di tích này được trùng tu.

Tuy nhiên, cơ bản vẫn giữ lại kiến trúc ban đầu (văn bia lưu lại đình năm 1882). Có thể nói, đình Thượng Phú là một trong những di tích đình làng có lịch sử ra đời rất sớm ở xứ Thanh.

Đình làng Thượng Phú mang dáng dấp của kiến trúc đình, chùa Đại Việt xưa. Nó gồm 5 gian, 2 chái, với những nét hoa văn chạm khắc tinh xảo. Đây được xem là một trong số ít di tích đình làng mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm, hiển hiện bên trong các điêu khắc, hoa văn chạm trổ.

Theo đó, kết cấu trong đình mang nét kiến trúc văn hóa cung đình, với điêu khắc tứ linh (long, ly, quy, phượng). Cùng với đó là hình ảnh phản ánh sinh hoạt văn hóa dân gian (chọi gà, bắt cá dưới ao, muông thú quần thảo, bắt hổ, bắt lợn...) chạm khắc vô cùng kỳ công, tinh xảo trên các xà, kèo... của ngôi đình.

Ông Lê Văn Thanh - Bí thư Chi bộ thôn Kim Sơn, xã Hà Đông, chia sẻ: “Bao đời nay, đình làng là nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các cuộc họp và lễ hội lớn của địa phương.

Những năm kháng chiến, đình trở thành bệnh viện, trường học, kho chứa kho lương thực, vũ khí. Đặc biệt, tại đình còn diễn ra nhiều sự kiện trọng đại như đại hội Đảng bộ huyện, xã và hội nghị lớn của chính quyền địa phương…”.

Ngôi đình đang xuống cấp nghiêm trọng

Ông Lê Văn Thanh - Bí thư Chi bộ thôn Kim Sơn, xã Hà Đông chỉ rõ sự xuống cấp từ những chiếc cột cái của ngôi đình.
Ông Lê Văn Thanh - Bí thư Chi bộ thôn Kim Sơn, xã Hà Đông chỉ rõ sự xuống cấp từ những chiếc cột cái của ngôi đình.

Ngôi đình hàng trăm năm tuổi này đang bị xuống cấp trầm trọng. Nhiều cột trụ bằng gỗ đã bị mối mọt tấn công gây biến dạng. Mái ngói đình bị thủng, có xu hướng cong vênh ở giữa. Các cột, kèo của đình Thượng Phú đã và đang mục ruỗng.

Nhiều vị trí người dân phải đóng gỗ tạm thời để giữ các kèo, xà không bị sụt. Bên cạnh đó, nền của ngôi đình cũng đã bị sụt lún, khiến mái đình có dấu hiệu xô về phía trước… có thể sập đổ vào bất cứ lúc nào.

Theo ông Lê Văn Thanh, dù biết đình hư hỏng nhiều, người dân rất muốn tu sửa, làm lại nhưng kinh phí trùng tu rất lớn. Trong khi đó, điều kiện về đời sống của người dân ở đây đang eo hẹp, nên đành nhìn ngôi đình xuống cấp theo thời gian.

Cụ Phạm Văn Liễn (92 tuổi), ở thôn Kim Sơn, xã Hà Đông, bộc bạch: “Nhìn ngôi đình xuống cấp, chúng tôi buồn lòng lắm. Ngoài giá trị lịch sử, nơi đây còn là chỗ sinh hoạt cộng đồng của làng, xã bao đời nay.

Chúng tôi mong có kinh phí để trùng tu, tôn tạo lại ngôi đình. Đó cũng là cách bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của cha ông đã để lại cho con cháu đời sau”.

Trước tình trạng xuống cấp của ngôi đình, người dân ở đây đã đề nghị với các cấp có thẩm quyền nhiều lần. Tuy nhiên, quyền địa phương và nhân dân trong làng vẫn phải tự khắc phục tạm bằng việc đóng gỗ để chống đỡ cột, kèo, mái đình đang có nguy cơ sụp đổ.

Ông Phạm Thế Chinh - Chủ tịch UBND xã Hà Đông cho biết ngôi đình đang xuống cấp trầm trọng. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ ngôi đình bị đổ sập rất cao. Để trùng tu ngôi đình cần rất nhiều kinh phí, nên địa phương không thể đáp ứng được.

Kết cấu của ngôi đình lại yếu dần theo thời gian, vì vậy, rất mong các cơ quan chức năng sớm có phương án, hành động kịp thời để “cứu” lấy di tích độc đáo này”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung, cho biết: Năm 2015, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng từ ngân sách tỉnh để trùng tu, chống xuống cấp cho ngôi đình. Thế nhưng, theo dự toán, việc trùng tu đình Thượng Phú cần nguồn kinh phí khoảng trên 3 tỷ đồng.

Với số tiền quá lớn như vậy, xã chưa thể huy động được và việc trùng tu chưa biết đến khi nào mới có thể thực hiện. Cách đây không lâu, địa phương đã phải trả lại 300 triệu đồng hỗ trợ chống xuống cấp cho ngôi đình về  ngân sách tỉnh theo quy định.

“Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của đình Thượng Phú, UBND uyện Hà Trung cũng đã lập dự án báo cáo với tỉnh. Chúng tôi rất mong, các cơ quan chức năng sớm bố trí được nguồn vốn, phương án tu sửa lại ngôi đình. Như vậy, mới có thể bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo của cha ông để lại cho các thế hệ mai sau”, ông Long nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.