Đình cổ lạ lùng nhất Hà Nội

GD&TĐ - Không giống những ngôi đình khác, đình Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội) là tổng hoà của những kiến trúc độc – lạ, mà cho đến nay giới nghiên cứu vẫn chưa hoàn chỉnh giải mã.

 Đình Yên Phụ, nơi có kiến trúc thờ dọc độc đáo.
Đình Yên Phụ, nơi có kiến trúc thờ dọc độc đáo.

Bia án vua ban

Làng Yên Phụ xưa, nay là khu dân cư số 4 nằm trên một bán đảo nhỏ nhô ra hồ Tây. Nơi đây phong cảnh hữu tình, mang vẻ đẹp như cái tên cổ xưa: Yên Hoa. Làng Yên Phụ từng nổi danh khắp kinh thành Thăng Long với nghề trồng hoa, cây cảnh, làm hương, đánh cá và nuôi cá cảnh.

Ngoài ra, ngôi làng cổ này còn ẩn chứa trong mình rất nhiều điều thú vị, trong đó không thể không nhắc tới ngôi đình với lối kiến trúc thờ dọc vô cùng đặc biệt cùng lễ hội truyền thống (tổ chức ngày 10/2 âm lịch hằng năm) được đánh giá là còn giữ được những nếp chuẩn mực của lễ hội xưa.

Hiện nay, đình Yên Phụ còn giữ được khá nhiều văn bia thời Lê. Trong số đó có ba tấm bia lớn dựng ngoài sân. Hai tấm bia hai mặt, một tấm bia bốn mặt ghi lịch sử, công trạng và những người có công với đình.

Bên trong hậu cung có một bia đá là “căn cứ vua ban”. Vì trước đây, có một người muốn chiếm đất đình. Quan xử cho đình thắng và có giấy trắng mực đen làm bằng. Nhưng sau đợt lụt, giấy trôi mất.
Người ấy lại muốn chiếm đất. Lần này, dân kêu kiện lên vua.

Vua xử cho đình thắng. Và để chắc ăn, vua cho khắc chữ vào bia đá để đời đời không ai nhòm ngó chiếm đất của đình. Bia ấy, hiện vẫn rõ chữ và được gọi là “bia án vua ban”.

Theo Ban quản lý di tích, thì đình Yên Phụ tọa lạc ở vị trí hiện nay chỉ là “đất phụ”. Phần đất chính mà đình từng được xây dựng ở ngoài ven sông Hồng. Sau một trận lụt làm lở đất, các cao niên Yên Phụ mới bàn nhau đưa đình vào phía trong.

Vậy mà cũng đã gần 400 năm kể từ khi đình được chuyển hẳn vào doi đất bên hồ Tây. Tiền đình quay về hướng nam, gió mát trăng thanh lại xung quanh bập bềnh sóng nước tạo cho đình có gì đó như u tịch hơn, đẹp hơn và cũng đầy khí thiêng. 

Nếu chỉ đứng ngoài đường hay trong sân mà nhìn ngôi đình ở một nhãn quan rất thường thì đình Yên Phụ cũng nhỏ bé, cũng lạc lõng giữa những dãy nhà cao sừng sừng sát mép hồ Tây. Nhưng, khi bước qua bậc tam cấp, vào bên trong thì những nguy nga, những to lớn trải dài mới hiện ra.

Tam thánh thờ trong hậu cung đình Yên Phụ.
Tam thánh thờ trong hậu cung đình Yên Phụ.

Kiến trúc đình dọc

Giữa mênh mang sóng nước, đình Yên Phụ như một điểm nhấn đặc sắc với lối kiến trúc thờ dọc có một không hai. Theo các cụ cao niên trong làng, ngôi đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Nơi đây thờ ba vị đại vương làm thành hoàng làng là Uy Linh Lang Đại Vương và hai người em là Vương Duy Đại Vương và Vương Ba Đại Vương.

Đình Yên Phụ được xây theo kiểu chữ “đinh”, tòa đại đình có quy mô lớn, mở cửa đầu hồi theo kiểu bức bàn. Nhà đại bái nối tiếp với hậu cung theo trục dọc mà không phải theo kiểu chuôi vồ (ngang) như thường thấy ở các ngôi đình khác. 

Cả khối kiến trúc trên được làm bằng gỗ lim đồ sộ, chạm khắc tinh xảo với những đề tài mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX. Mái đình lợp ngói mũi hài, các góc đao uốn cong quay chầu về nóc mái. Chính giữa bờ nóc mái đắp nổi hình hai con rồng chầu mặt trời, bên cạnh là đôi phượng xòe cánh. Hai đầu bờ nóc đắp nổi hai con nghê. 

Chính giữa hậu cung là khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, trong đó đặt ba bộ long ngai bài vị, mũ áo của của ba vị thành hoàng. Ngoài ra, trong đình hiện còn giữ được nhiều cổ vật mang giá trị lịch sử nghệ thuật cao gồm 17 đạo sắc phong thần, bia đá niên hiệu Dương Đức nguyên niên (1672), kiệu sơn son thếp vàng, ngai thờ...

Đình Yên Phụ lộng lẫy đầy vàng son. Tất cả phía trong đều bố trí ban thờ theo một lối dọc chính giữa, chỉ có hậu cung là nằm ngang. Tại sao lại thờ dọc? Do thế đất hay một tín điều nào đó truyền lại chăng?

Muốn giải mã được đôi điều thì phải vào gian hậu cung. Nhưng quả tình, cung thánh ấy chỉ dành cho các vị chức sắc ra vào ngày hội. Thế nên, phải phiền lụy lắm, khách mới được ghé vào hậu cung ít phút. Trên bệ thờ ba chiếc ngai phủ vải thờ tam thánh.

Đó là Uy Linh Lang đại vương, Vương Đôi đại vương và Vương Ba đại vương. Riêng Vương Đôi và Vương Ba thì không ai tường tận họ tên lẫn thành tích. Còn Uy Linh Lang (không phải Linh Lang con vua nhà Lý thờ ở đền Voi Phục – PV) được biết đến là hoàng tử vua Trần Thánh Tông và hoàng hậu Minh Đức.

Một đêm nọ, hoàng hậu nằm mộng có người xưng là Linh Lang (chỉ chung 5 người con trai của Lạc Long Quân) xin đầu thai. Sau mười bốn tháng mang nặng đẻ đau, cuối cùng sinh ra một bọc. Vua cha cho là ma quỷ liền sai cung nữ bỏ ra sông.

Cung nữ mang bọc trong có hoàng tử đến bến Nhật Chiêu, chỗ có 7 gốc gạo cổ thụ bỏ tại đó chứ không ném xuống sông như chỉ dụ. Ban đêm, cái bọc đó tỏa ra vầng hào quang chói lóa một vùng, chiếu vào cả vương cung.

Vua thấy lạ cho đi tìm thì đó là cậu bé rất đĩnh ngộ. Lớn lên, cậu bé ấy thông tuệ tri thức, học một biết mười. Mười tám tuổi xin vua cha xuất gia đầu Phật. Năm Uy Linh Lang 20 tuổi, quân Nguyên ồ ạt kéo sang xâm lược nước ta. Chàng bèn xin vua cho đi đánh giặc. Đội “Thiên tử quân” với hàng vạn binh sĩ của Uy Linh Lang đánh đến đâu giặc thua đến đấy.

“Bia án vua ban” để bảo vệ phần đất đình Yên Phụ.
“Bia án vua ban” để bảo vệ phần đất đình Yên Phụ.

Kiến trúc lạ khó giải thích

Nhờ công lao to lớn, Uy Linh Lang được vua phong là Dâm Đàm Đại Vương. Ngài đã làm việc nước tại các đình: Yên Phụ, Nhật Tân và An Thọ. 10 năm sau đó, bỏ công danh theo cửa Phật đi giáo hóa khắp nơi. Giờ Ngọ ngày 8 tháng Tám năm Canh Tý (1300), Uy Linh Lang không bệnh mà hóa trên đất Yên Phụ. Vua cho xây đền thờ Ngài ở Yên Hoa, Nhật Chiêu và các nơi khác.

Đình Yên Phụ có kiến trúc khác biệt so với hầu hết các ngôi đình của đồng bằng Bắc Bộ. Nét độc đáo nằm ở chỗ toàn bộ ngôi đình được thiết kế theo lối nhà dọc, quay mặt về hướng Bắc, tạo nên sự thâm nghiêm, tao nhã. Tại sao đình Yên Phụ lại thiết kế theo lối nhà dọc thì không có bất cứ một sách vở nào giải thích. Các cao niên của làng cũng không biết giải thích với khách thập phương ra sao. 

Đương thời, khi GS Trần Quốc Vượng còn sống đã nhiều lần ghé qua tìm hiểu lẫn giải nghĩa tại sao đình Yên Phụ lại thờ dọc. Nhưng bởi đáp án chưa có hoặc ông không viết ra nên cho đến nay, những ai tường chuyện thờ cúng đều không thoát khỏi những băn khoăn khi đến đất này.

Cụ Trương Thị Điệp, người nhiều năm làm Thủ từ đình Yên Phụ chỉ dám phỏng đoán trả lời cho thắc mắc về ngôi đình thờ dọc là: Chắc trước đây, khi đình còn ở ngoài bãi vì diện tích hẹp nên các cụ bài trí thờ dọc. Cung cách thờ dọc ở đình Yên Phụ đã trở thành bí mật từ đó đến nay. 

Hiện nay có tới 72 nơi xa gần cùng thờ hoàng tử Uy Linh Lang. Theo truyền thống, hội đình Yên Phụ có lễ bò thui, mỗi giáp một con, lễ tế diễn ra rất trọng thể. Sau đó rước từ cung An Thọ vào đình rồi lại hoàn cung. Năm 1990 đình Yên Phụ được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Theo Ban quản lý Di tích lịch sử - văn hoá đình Yên Phụ, nhiều khách thập phương khi đến đình Yên Phụ đều thắc mắc tại sao lại không theo kiến trúc chuôi vồ (ngang) như các ngôi đình khác. Nhiều nhà sử học lẫn giới nghiên cứu đình đền cũng đến tìm hiểu nhưng không có đáp án thoả đáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...