‘Thánh đường’ học tập Harvard, MIT đìu hiu mùa COVID-19

COVID-19 tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống nước Mỹ, có thể thấy rõ từ sự đìu hiu, sầu thảm của ‘thánh đường’ học tập Harvard, MIT.

Cuối tháng 3, Massachusetts là một trong những bang đầu tiên bùng phát dịch COVID-19, chỉ sau New York và California. Trường đại học Harvard và MIT ra quyết định đóng cửa từ rất sớm. Trường khóa toàn bộ các tòa nhà, phòng thí nghiệm, thư viện, trung tâm thể thao.

Trước đó, ngoài những người phải tới khu vực trường để làm việc, phần đông sinh viên cũng trọ tại khuôn viên trường, trong các khu ký túc xá. Dịch COVID-19 tràn đến, toàn bộ sinh viên phải chuyển ra ngoài. Cả thành phố bỗng chốc vắng vẻ và ảm đạm vô cùng.

Những khu phố đan xen trong trường Harvard thường ngày rất tấp nập, nhộn nhịp, rầm rập từ sáng sớm đến khuya. Các nhà hàng, quán cafe vốn luôn đông đúc khách sinh viên, nhân viên công nghệ cao gặp gỡ, ăn trưa, ăn tối là thế, giờ trở nên yên ắng lạ thường. Hầu hết quán xá đã đóng cửa.

Bình thường lái xe vào những khu phố đại học này là cực hình với dân bản địa và sinh viên Việt Nam, bởi đường phố luôn chật như nêm với hàng dài các loại xe gây tắc đường từ sáng đến tối muộn. Tìm được chỗ đậu xe cũng vô cùng khó khăn, đôi khi khiến người ta nản lòng. Vậy mà những ngày này, đường phố trống trơn, người đi đường có thể phóng xe tốc độ cao mà không gặp trở ngại gì.

Harvard, MIT đìu hiu, sầu thảm

Khi trường đóng cửa, sinh viên quốc tế đứng trước lựa chọn: Nên ở hay về? Dịch sẽ bùng phát đến đâu và liệu chính phủ có kiểm soát được hay không?

Sân trường đại học Harvard vắng tanh vì đóng cửa do lo ngại đại dịch COVID-19. (Ảnh: AFP)
Sân trường đại học Harvard vắng tanh vì đóng cửa do lo ngại đại dịch COVID-19. (Ảnh: AFP)

Viện Công nghệ Massachusetts MIT và Harvard ở Boston rất khác biệt so với các trường đại học khác ở Mỹ. Phần lớn trong số hơn 10.000 sinh viên của MIT và hơn 30.000 sinh viên của Harvard ở ngay trong kí túc xá của trường. Sinh viên bậc đại học ở trong kí túc xá phòng 2 người trở lên.

Một số kí túc xá có bếp nấu ăn dành riêng cho sinh viên. Một số thì không, chỉ có nhà bếp lớn nấu ăn tập thể phục vụ sinh viên trong kí túc đó và toàn trường. Sinh viên đóng tiền ăn và tiền ở theo học kì. Họ được phát phiếu ăn, mỗi lần vào nhà ăn thì quẹt thẻ sinh viên để đếm suất.

Sinh viên bậc cao học có phòng riêng. Kí túc xá còn có các căn hộ dành cho các gia đình. Đây là khu vực phục vụ riêng cho những sinh viên đã kết hôn và con nhỏ.

Nếu một sinh viên hoặc cán bộ, giáo viên nhiễm virus corona mới và trường trở thành ổ dịch, nhà trường sẽ phải cách li toàn bộ sinh viên trong tòa nhà kí túc xá đó. Đồng thời trường còn phải lo nhân lực và tài chính để cung cấp đồ ăn cho toàn bộ những người bị cách li.

Khi cả Havard và MIT ra quyết định đóng cửa trường, tổ chức học online, ban quản lý yêu cầu toàn bộ sinh viên bậc đại học (undergrad) ra khỏi kí túc xá. Các sinh viên đã lo lắng, thậm chí hoảng loạn. 41% sinh viên quốc tế của MIT sẽ về đâu khi chính tại đất nước của họ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc…, dịch bệnh cũng đang bùng phát và họ không thể về nước.

Chưa kể, nhiều sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoặc đang bị nguy hiểm, có nguy cơ bị bạo hành… cũng khiến việc trở về nhà của họ là bất khả kháng. Không chỉ vậy, một số sinh viên thuộc diện thần đồng được nhận vào MIT từ lúc còn nhỏ (14-15 tuổi), chưa đủ tuổi thành niên, chưa có tư cách pháp nhân, không thể kí giấy tờ và cũng không đi thuê nhà, thuê khách sạn ở tạm được. Tình huống này khiến họ rơi vào bế tắc.

Ban quản lý các trường hứa sẽ xem xét từng trường hợp khó khăn và cho phép sinh viên ở lại, nỗ lực giúp đỡ sinh viên như hoàn tiền thuê kí túc xá, hỗ trợ tiền mua vé máy bay, đổi vé máy bay…

Với sinh viên bậc cao học, trường không bắt buộc chuyển ra ngoài, nhưng nếu sinh viên và gia đình nào muốn chuyển, trường hỗ trợ chi phí di chuyển, phí thuê kho để đồ… Những sinh viên và gia đình ở lại trường cho tới hết học kì được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí hàng tuần.

Tâm thư của hiệu trưởng MIT

Tới khi kết thúc học kì mùa xuân (vào tháng 5), mọi việc bắt đầu ổn. Trường MIT không có ổ dịch. Tuy nhiên, lễ tốt nghiệp của sinh viên năm cuối đại học và cao học bị hoãn vô thời hạn và chỉ được tổ chức online. Đúng ngày tốt nghiệp, trường gửi bằng qua ứng dụng blockchain và chứng thực bằng bitcoin.

Cuối tháng 3, sở di trú quay số để cấp visa làm việc H1B (sinh viên đã được công ty mời làm việc và bảo lãnh để xin H1B). Những người may mắn trúng số chưa chắc đã có việc làm ngay, bởi công ty có thể rút lại lời mời làm việc do tình hình kinh tế khó khăn. Điều này đặt sinh viên vào tình huống nếu không xin được việc làm khác sớm sẽ phải rời khỏi Mỹ.

Trường MIT luôn phải đứng trước lựa chọn khó khăn liệu có nên mở cửa trở lại vào đầu học kì tới (tháng 9/2020) hay không. Sinh viên không muốn vẫn phải đóng học phí đầy đủ khi học online, bởi như vậy họ không tận dụng được cơ sở vật chất của trường và các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô. Nhà trường vẫn lo ngại dịch bùng phát, nhất là khi các bang miền Nam như Florida, Texas, California đang liên tục phá kỉ lục số người nhiễm từng ngày, đánh dấu đợt bùng phát mới của dịch COVID-19.

Ngày 7/7, hiệu trưởng trường MIT, Giáo Sư Rafael Rief viết thư gửi toàn bộ sinh viên và cán bộ công nhân viên trong trường với nội dung nêu rõ quyết định về việc mở cửa trở lại vào tháng 9, với các nội dung chính như sau:

Chỉ có sinh viên năm cuối và sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt mới được trở lại trường.

Sang học kì mùa xuân sẽ thay đổi, làm sao để mỗi sinh viên đều có thể học trọn vẹn 1 học kì tại trường. Trường cũng quyết định rút lại thông báo tăng học phí hồi tháng 3/2020. Tất cả sinh viên đều có cơ hội nhận việc trợ giảng hoặc nghiên cứu với giáo sư với mức hỗ trợ 1.900 USD.

Trường cũng sẽ cung cấp 1 máy iPad pro và bút cho sinh viên, đồng thời hỗ trợ 40% chi phí ăn uống cho những người sống trong kí túc xá. Các khoa và viện tự quyết định các chính sách hỗ trợ cho sinh viên bậc cao học và tiến sĩ.

MIT, Harvard và vụ kiện lịch sử

Theo thông tin đăng tải trên website chính thức của MIT ngày 10/7, sau khi MIT và Harvard đi đầu trong việc đưa ra các động thái pháp lý chống lại chính sách bất ngờ do Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) và Bộ An ninh Nội địa Mỹ hôm 8/7, ngày càng nhiều trường đại học và cao đẳng trên cả nước cùng làm theo.

MIT và Harvard cùng nhau kiện chính quyền Mỹ vì hành động không phù hợp trước đại dịch COVID-19.
MIT và Harvard cùng nhau kiện chính quyền Mỹ vì hành động không phù hợp trước đại dịch COVID-19.

Chính sách mới này sẽ có hiệu lực cấm bất kỳ sinh viên nước ngoài nào có visa sinh viên F-1 vào Hoa Kỳ, hoặc ở lại nếu các lớp học hoàn toàn được tổ chức trực tuyến do đại dịch COVID-19.

MIT và Harvard đệ trình đơn kiện vì chính sách mới được ban hành mà không được báo trước, không trưng cầu ý dân và không cho người dân cơ hội nêu ý kiến. Nhiều tổ chức giáo dục khác, bao gồm trường công như Đại học California (với hơn 40.000 sinh viên nước ngoài), hay các trường đại học tư nhân như Princeton, Cornell, và Đại học Pennsylvania cũng đang lên kế hoạch hỗ trợ cho vụ kiện hoặc nộp đơn kiện của riêng họ. Bang California cũng đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang.

Ngày 14/7, một phiên điều trần liên quan đến vụ kiện của MIT và Harvard đã diễn ra ngay tại trường MIT, có sự tham dự của Tổng cố vấn Mark DiVincenzo và hai nhân viên văn phòng Tổng Cố vấn là Dahlia Fetouh và Anthony Moriello, với sự hỗ trợ của Chủ tịch MIT L. Rafael Reif, Tập đoàn MIT và lãnh đạo cấp cao của trường.

Thông thường, các điều khoản của thị thực F-1 yêu cầu sinh viên tham gia các lớp học trực tiếp, nhưng ICE đã ban hành một quy định ngoại lệ đối với chính sách này vào tháng 3, công nhận rằng các lớp học trực tiếp có thể không được tổ chức vì lệnh khẩn cấp quốc gia do đại dịch COVID-19 được ban bố. Vào thời điểm đó, chính phủ đã nói rõ ngoại lệ sẽ được áp dụng trong thời gian khẩn cấp.

Phán quyết bất ngờ do ICE ban hành ngày 6/7 đã đảo ngược ngoại lệ đó, mặc dù thực tế tình trạng khẩn cấp vẫn tiếp diễn. MIT và Harvard đã công bố kế hoạch quản lý giáo dục trong năm học tiếp theo dựa trên dự đoán đại dịch sẽ tiếp tục trong ít nhất vài tháng. Tại trường MIT, các sinh viên ở ký túc xá trong giai đoạn này sẽ nhận được hướng dẫn học tập dưới cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Còn những người không sống trong khuôn viên trường sẽ được hướng dẫn học trực tuyến.

Theo đơn kiện của MIT và Havard, khả năng cung cấp giáo dục từ xa trong đại dịch có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các trường đại học trên cả nước Mỹ. Các lớp học đông sinh viên, những người tham gia giảng dạy trong khuôn viên trường có khả năng biến thành những tình huống "siêu lan truyền" gây nguy hiểm cho sức khỏe của không chỉ trong khuôn viên nhà trường, mà cả những người trong khu vực xung quanh và bất kỳ ai khác trong cộng đồng.

Chủ tịch MIT L. Rafael Reif, trong một lá thư gửi đến cộng đồng MIT về vụ kiện, cho biết, thông báo này làm khó và gây nguy hiểm cho cuộc sống sinh viên quốc tế của trường, gây tác hại nghiêm trọng tới các hoạt động học tập và nghiên cứu của họ.

Reif nói thêm rằng các sinh viên quốc tế đặt ra nhiều câu hỏi về thị thực, sức khỏe, gia đình và khả năng tiếp tục làm việc để lấy bằng MIT. Khi MIT theo đuổi vụ kiện, nhà trường giữ liên lạc chặt chẽ với sinh viên quốc tế thông qua email và thông tin trên trang web của Văn phòng sinh viên quốc tế.

Quyết định đột ngột của ICE là tùy tiện, thất thường và lạm dụng quyền hạn. Chính phủ bắt buộc phải tuân theo hướng dẫn mà họ đưa ra vào tháng 3, bởi các trường đại học và sinh viên đã dựa vào kế hoạch đó để chuẩn bị cho học kỳ mùa thu trong khi đại dịch vẫn diễn ra.

Trừ khi quyết định được thay đổi, các sinh viên quốc tế phải đối mặt với nguy cơ không thể khắc phục của chính họ về điều kiện bản thân, gia đình, giáo dục, sức khỏe ngắn hạn và dài hạn trong thời gian học tập, cũng như triển vọng việc làm và giáo dục trong tương lai.

Các tuyên bố của các chủ tịch hiệp hội giáo dục và đại học khác nhau cũng đã mô tả hành động của ICE là đưa ra chính sách tồi tệ, tàn nhẫn và liều lĩnh.

Khiếu nại của MIT và Harvard chính thức được đệ trình tại tòa án liên bang ở Boston hôm 7/8.

Theo vtc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.