Đổi mới kỷ luật, đánh giá học sinh
Nhiều điểm mới trong Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 1/11/2020. Trong đó, có quy định giáo viên không được phê bình học sinh THCS, THPT trước lớp, trước trường khi học sinh vi phạm khuyết điểm mà tuỳ theo mức độ sẽ phối hợp với gia đình, nhắc nhở, hỗ trợ để học sinh tiến bộ hơn.
Cũng theo Thông tư 32, việc đánh giá học sinh bảo đảm tính toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan, vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên khuyến khích học sinh tiến bộ. Chú trọng đánh giá quá trình học tập của học sinh bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau, không so sánh học sinh này với học sinh khác và không gây áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.
Học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp.
Một trong những nội dung được dư luận quan tâm là: Học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp. Quy định này cũng chính thức được áp dụng từ ngày 1/11/2020, theo Điều lệ trường THCS, THPT ban hành kèm theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, thay vì cấm tuyệt đối như trước đây, quy định tại các văn bản này cho phép học sinh cấp THCS, cấp THPT được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ cho việc học tập và phải được giáo viên cho phép. Cùng với đó, giáo viên cũng không còn bị cấm sử dụng điện thoại khi đang giảng dạy trên lớp.
Điều kiện trở thành hiệu trưởng, hiệu phó trường cấp II, III
Hiện nay, Hiệu trưởng phải đạt tiêu chuẩn quy định tại Chuẩn hiệu trưởng trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Phó Hiệu trưởng phải đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cấp học tương ứng và đủ năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công.
Theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 01/11/2020): Để trở thành hiệu trưởng, hiệu phó trường cấp II, III cần đảm bảo điều kiện sau:
Người được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đối với trường công lập hoặc công nhận làm hiệu trưởng đối với trường tư thục, người được bổ nhiệm hoặc công nhận làm phó hiệu trưởng phải đạt các tiêu chuẩn tại Khoản 3 Điều 11 Điều lệ Trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học và theo quy định của pháp luật.
Tiêu chuẩn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học gồm:
- Về trình độ đào tạo và thời gian công tác:
+ Phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học;
+ Đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học;
+ Đã dạy học được ít nhất 5 năm (hoặc 4 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.
- Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học phải đạt tiêu chuẩn quy định tại chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học theo quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (hiện đang được quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20/07/2018).
Trẻ mẫu giáo có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ tiền ăn trưa
Quy định này được đề cập trong Nghị định 105 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non, có hiệu lực từ 1/11. Theo đó, trẻ em độ tuổi mẫu giáo đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa với mức 160.000 đồng/trẻ/tháng, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Đối tượng trẻ mầm non được hỗ trợ phải bảo đảm một trong những điều kiện sau:
Có cha/mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; Không có nguồn nuôi dưỡng; Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; Trẻ em là con của thương binh, liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Trẻ em khuyết tật học hòa nhập.
Cũng trong quy định này, giáo viên mầm non tại các trường dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng.
Sinh viên sư phạm được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng
Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020 và áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022.
Theo đó, quy định mức hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm như sau:
Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học;
Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.
Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ;
Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khóa học theo năm học.
Tăng mức tiền thưởng cho học sinh giỏi quốc gia từ 1/11/2020
Nghị định 110/2020/NĐ-CP quy định về chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2020 và thay thế Quyết định 158/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002
Theo đó, học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn học do Bộ GD&ĐT tổ chức được nhận mức tiền thưởng như sau:
Giải Nhất: 4 triệu đồng (tăng 3 triệu đồng so với quy định hiện hành);
Giải Nhì: 2 triệu đồng (tăng 1,3 triệu đồng so với quy định hiện hành);
Giải Ba: 1 triệu đồng (tăng 600 nghìn đồng so với quy định hiện hành).
Kinh phí khen thưởng được chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước; khuyến khích sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác để khen thưởng cho học sinh đoạt giải trong kỳ thi quốc gia.