Sau 2 năm triển khai, hàng tỉ USD được đầu tư trực tiếp (FDI), góp phần nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục quốc dân.
Tăng trưởng qua từng năm
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy 9 tháng đầu năm 2020 có 1.947 dự án được cấp phép mới, với tổng vốn đăng ký đạt 10,4 tỉ USD, giảm 29,4% về số dự án và giảm 5,6% về vốn đăng ký. Trong khi tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,7 tỉ USD, giảm 44,9%.
Tuy nhiên, ngược dòng với xu hướng hụt giảm chung nguồn đầu tư FDI vào Việt Nam, ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo lại có tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp tác động tiêu cực của Covid-19. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ ngày 1/1 - 20/9/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo đạt 78,89 triệu USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 41 dự án được cấp phép mới trong 9 tháng với tổng vốn là 15,1 triệu USD, giảm 8 dự án và 1,47 triệu USD về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá trị góp vốn, mua cổ phần tăng lên 51,41 triệu USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, Việt Nam hiện có 5 cơ sở giáo dục đại học và gần 100 cơ sở giáo dục các bậc học mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại 70 cơ sở giáo dục đại học. Tính đến 31/12/2019, Việt Nam có 525 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 4,4 tỉ USD, tăng 321 dự án FDI so với 5 năm trước, số vốn đăng ký đầu tư cũng tăng trên 3,5 tỉ USD.
Tại Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục mới đây tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhìn nhận việc thu hút các nguồn lực FDI đầu tư cho giáo dục thời gian qua đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phúc, khoản đầu tư trên vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam do hoạt động hợp tác và đầu tư trong giáo dục còn đơn lẻ, chưa tạo sự đột phá trong toàn hệ thống. Vì vậy, thời gian tới, các chính sách thu hút vốn FDI vào giáo dục cần tiếp tục khơi thông, đẩy mạnh thông qua việc tháo gỡ các vướng mắc về chính sách.
Giải pháp nào hút FDI vào giáo dục?
Theo PGS.TS Thái Bá Cần - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG), một trong những vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm là quỹ đất để đầu tư xây dựng cơ sở trường lớp. Tuy nhiên, trên thực tế, lợi thế thu hút này tại nhiều địa phương, đặc biệt các đô thị lớn không đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
“Nhiều địa phương còn thiếu quy hoạch sử dụng đất cho mục đích xã hội hóa giáo dục, cũng như việc công khai thông tin quỹ đất kêu gọi đầu tư chưa đầy đủ, rõ ràng, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu. Vì vậy, để phát triển đầu tư FDI trong giáo dục, các địa phương cần tạo cơ chế chính sách trong đầu tư, tháo gỡ nhiều rào cản để các đơn vị, tập đoàn đầu tư trong giáo dục thuận lợi hơn” - PGS.TS Thái Bá Cần nói.
Phân tích sâu đặc điểm nguồn vốn ngoại đổ vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam thời gian qua, nhiều chuyên gia nhận thấy đầu tư vào mảng giáo dục phổ thông (cụ thể là mô hình trường liên cấp) có xu hướng cao hơn đầu tư vào giáo dục ĐH. Theo ông Joshua James, đại diện Tiểu ban Nguồn nhân lực và Đào tạo thuộc EuroCham, vốn ngoại chảy mạnh vào giáo dục liên cấp do những quy định “cởi trói” từ Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
“Nghị định 86 đi vào cuộc sống là cú hích lớn với các nhà đầu tư nước ngoài khi cho phép các trường quốc tế nới tỉ lệ học sinh người Việt Nam lên gần 50% theo học chương trình nước ngoài, giúp nhà đầu tư mạnh dạn hơn”, ông Joshua James nói.
Thẳng thắn nhìn nhận những điểm nghẽn đang khiến lĩnh vực giáo dục - đào tạo chưa thu hút dòng vốn FDI mạnh như các lĩnh vực khác, ông Nguyễn Đức Quốc - Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt cho rằng: Đầu tư vào lĩnh vực giáo dục còn gặp trở ngại xuất phát từ tâm lý e dè của nhà đầu tư. Chẳng hạn, để thu hồi vốn nhanh cần phải tăng quy mô đầu tư dự án, tăng số học sinh. Thế nhưng, phần lớn đều bị khống chế bởi các quy định trong điều lệ và tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành cũng như các chỉ tiêu về quy hoạch xây dựng.
“Với các tập đoàn giáo dục lớn, xây dựng chiến lược phát triển theo hướng quốc tế hóa như Nam Việt, việc có được sự hợp tác và đầu tư vốn ngoại rất quan trọng. Nguồn vốn đấy không chỉ thúc đẩy sự phát triển của hệ thống nhanh hơn, mà còn giúp tập đoàn sớm hội nhập, cạnh tranh chất lượng một cách sòng phẳng với các trường ngoài lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam” - ông Quốc nói.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, việc thu hút đầu tư vào giáo dục sẽ khó cải thiện tình hình khi cách nghĩ, cách làm của cơ quan quản lý Nhà nước, xã hội còn mang nặng tư duy bao cấp. Bên cạnh đó, tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục đặt nặng vấn đề lợi ích, coi đầu tư vào giáo dục để sinh lời hoặc thiếu tầm nhìn dẫn đến chất lượng GD-ĐT thấp, ảnh hưởng không tốt trong xã hội. Vì vậy, để dòng vốn FDI tăng trưởng và đổ mạnh vào lĩnh vực giáo dục, các địa phương cần phải mạnh dạn cởi bỏ tư duy cũ.