Cần chính sách đón đầu

GD&TĐ - Hôm qua, hơn 300 đại biểu ưu tú, điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, về dự Đại hội thi đua yêu nước toàn ngành Giáo dục lần thứ VII.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các thầy giáo, cô giáo, HSSV có mặt trong ngày hội thi đua yêu nước lần thứ VII này là những bông hoa đẹp nhất của ngành Giáo dục giai đoạn 2016 - 2020.

Đặc biệt, ấn tượng trong ngày hội thi đua yêu nước này là những gương mặt nhà giáo ngời sáng về nghị lực vượt khó và tinh thần đổi mới sáng tạo. Không cần phải đầy đủ điều kiện như các thành phố lớn, tại Trường THPT Hương Cần ở vùng sâu Phú Thọ, nơi có 85% học sinh dân tộc thiếu số, cô giáo trẻ Hà Ánh Phượng vẫn thiết kế và tổ chức được các giờ học xuyên biên giới để đổi mới dạy học tiếng Anh. Từ trăn trở làm thế nào để “bất cứ học sinh nơi nào cũng có thể được hưởng nền giáo dục tốt nhất” và “học sinh ở miền núi cũng có cơ hội học tập như học sinh ở thành phố”, lớp học xuyên biên giới của cô Phượng ra đời và kết nối với lớp học của các nước trên thế giới. Sau thời gian áp dụng, học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Việt, điểm kỹ năng nghe, nói có chuyển biến tích cực.

Hay ở Trường THPT Lắk, tỉnh Đắk Lắk, nơi 45% học sinh dân tộc thiểu số, 48% con em hộ nghèo, 70% học sinh sống ở các buôn làng thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, nhưng bằng tâm huyết và sự linh động sáng tạo, các thầy cô giáo nơi đây đã tạo được chất lượng giáo dục đáng mơ ước. Câu chuyện đội ngũ tìm mọi cách để tổ chức dạy học trong mùa dịch Covid-19 thực sự đáng nể. Không chỉ bám theo điều kiện học sinh để dạy qua truyền hình, Viettel Study, qua nhóm, thậm chí thầy cô còn gọi điện thoại, gửi bài cho học sinh qua bưu điện! Nhận về mình tất cả khó khăn, các thầy cô Trường THPT Lắk chỉ mong làm sao trò dừng đến trường nhưng không ngừng việc học.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy trong điều kiện nhà trường hiện nay, để có thể đổi mới sáng tạo trong dạy học, người thầy phải vượt qua nhiều khó khăn. Không phải cơ sở giáo dục nào cũng sẵn sàng yếu tố cho giáo viên đổi mới, từ phòng thí nghiệm, điều kiện tổ chức các hoạt động thực hành, thực nghiệm, ngoại khóa cho đến học liệu, đồ dùng dạy học. Vì thế, bên cạnh sự sáng tạo, giáo viên còn phải tâm huyết, chấp nhận hi sinh về thời gian, công sức và cả tiền bạc. Nhiều thầy cô chia sẻ khi bắt tay đổi mới sáng tạo không ai trong họ nghĩ làm để một ngày được tôn vinh, khen thưởng. Họ cũng không đợi đủ điều kiện, cơ chế rồi mới đổi mới. Với các thầy cô, đổi mới sáng tạo là nhu cầu tự thân, tự nguyện, là động lực, khát vọng vươn lên, là việc làm thường xuyên, lâu dài, bắt đầu từ việc nhỏ, diễn ra hàng ngày, vì học sinh thân yêu. 

Sự tiên phong, đi đầu nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo của đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý, mà tiêu biểu là những tấm gương vừa được tôn vinh, đã góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả giáo dục giai đoạn 2016 - 2020. Tuy vậy, đổi mới sáng tạo trong dạy và học là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, quan trọng. Đặc biệt, giai đoạn 2020 – 2025 tới đây, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong học tập, giảng dạy và quản lý, bên cạnh nhu cầu tự thân, nỗ lực vượt khó đổi mới sáng tạo của người thầy, cũng rất cần cơ chế chính sách đi trước một bước. Có như thế mới tạo điều kiện, động lực để thêm nhiều  thầy cô mạnh dạn bước qua “vùng an toàn”, tích cực đổi mới, sáng tạo trong dạy học hơn nữa, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ