Thận trọng!

GD&TĐ - Khoảng 6 tháng nữa Kỳ thi TN THPT năm 2024 mới diễn ra, nhưng nhiều cơ sở GD ĐH bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển sớm bằng phương thức học bạ.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học chỉ xét tuyển sớm với phương thức không sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường hợp có sử dụng, cơ sở đào tạo phải thực hiện xét tuyển theo kế hoạch chung của toàn hệ thống.

Xét tuyển sớm không phải là vấn đề mới. Đây cũng không phải lần đầu cơ sở giáo dục đại học áp dụng phương thức này. Song, các chuyên gia khuyến nghị, thí sinh cần thận trọng khi tham gia xét tuyển sớm, tránh trượt oan.

Mùa tuyển sinh năm trước, nhiều thí sinh “ung dung” nghĩ mình đã trúng tuyển sớm nên không cần đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống), trong khi Bộ GD&ĐT yêu cầu, thí sinh đã đăng ký xét tuyển sớm vào trường cần tiếp tục thực hiện các bước xét tuyển trên Hệ thống trong thời gian quy định. Kết quả, thí sinh không có trong danh sách trúng tuyển vào trường mà mình đã tham gia xét tuyển sớm.

Nên nhớ, kết quả xét tuyển sớm chỉ là tạm thời và có điều kiện. Kết quả này được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT. Vì thế, việc xét tuyển sớm vào các trường đại học không đảm bảo thí sinh chắc chắn trúng tuyển vào trường đó. Bởi khi chưa thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chưa đủ điều kiện vào học đại học.

Bộ GD&ĐT từng khẳng định, tuyển sinh năm 2024 cơ bản giữ ổn định như năm trước, có chăng chỉ điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật. Theo đó, sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên Hệ thống; trong đó có nguyện vọng đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm.

Vẫn biết, xét tuyển sớm thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và phù hợp với quy chế tuyển sinh. Song vấn đề đặt ra là, làm sao để các trường có được nguồn thí sinh tốt, chất lượng và đảm bảo công bằng. Nếu các trường quá chú tâm và dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm, thì có thể bỏ lỡ những thí sinh chất lượng ở phương thức khác.

Còn quá sớm để thí sinh “chốt” lựa chọn phương thức xét tuyển, bởi có nhiều lựa chọn khi các trường “tung ra” phương thức khác nhau. Ở thời điểm này, các em hãy xem xét tuyển sớm như một phương thức để tham khảo và “ghi danh” vào kế hoạch ứng tuyển của mình. Việc cần làm là tập trung học thật tốt để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Bởi điều kiện tiên quyết là phải được công nhận tốt nghiệp THPT thì mới có thể tiếp tục học tập ở bậc cao hơn.

Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, các cơ sở đào tạo không nên yêu cầu hoặc thỏa thuận về việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào. Các trường cũng không được yêu cầu thí sinh xác định nguyện vọng xét tuyển sớm là nguyện vọng 1. Ngoài ra, cần hướng dẫn tường minh, kỹ lưỡng về việc hoàn thành đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển sớm trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.