Tăng tốc xét tuyển sớm

GD&TĐ - Nhiều trường đại học bắt đầu “chốt” danh sách thí sinh đăng ký phương thức ưu tiên xét tuyển...

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức.

Nhiều trường đại học (ĐH) rục rịch công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển kết quả học bạ THPT, đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, đồng thời “chốt” danh sách thí sinh đăng ký phương thức ưu tiên xét tuyển.

Rục rịch công bố

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, trường đã gia hạn nhận hồ sơ xét tuyển năm 2023 bằng phương thức xét học bạ THPT đợt 1 đến ngày 20/6. Trường dự kiến dành 20% - 30% tổng chỉ tiêu (gần 5.000) cho phương thức xét tuyển này. Trường sẽ xét tuyển điểm từ cao trở xuống đến đủ chỉ tiêu. Ngoài điểm số, trường cũng đưa ra một số tiêu chí phụ.

Trong khi đó, nhiều trường đại học chuẩn bị “chốt” nhận hồ sơ xét tuyển phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng. Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM, Hội đồng tuyển sinh thông báo ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT tại Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non ban hành; đồng thời ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi, tài năng của trường THPT năm 2023 theo quy định của ĐHQG TPHCM.

Tổng chỉ tiêu 2 phương thức này chiếm tối đa 5% tổng chỉ tiêu của toàn trường. Trong đó, diện ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG TPHCM áp dụng cho thí sinh từ 149 trường THPT (trong đó 83 trường THPT chuyên, năng khiếu trong cả nước và 66 trường THPT). Một số trường đại học khác thuộc ĐHQG TPHCM cũng nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển phương thức ưu tiên xét tuyển và công bố kết quả vào cuối tháng 6.

Cuối tháng 6 cũng là thời hạn nhiều trường công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm. Chẳng hạn, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM sẽ công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm trước ngày 30/6 trên cổng tuyển sinh và gửi email đến thí sinh.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học trực tiếp. Ảnh minh hoạ/INT

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học trực tiếp. Ảnh minh hoạ/INT

Chọn lọc kỹ lưỡng

Hiện nay, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức hoặc phương thức xét kết quả học bạ THPT.

Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển sớm phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, điểm chuẩn chung cho tất cả ngành là 550. Đến hết 30/6, trường tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển phương thức xét kết quả học bạ THPT và xét điểm đánh giá năng lực đợt 2 với 18 ngành đào tạo bậc đại học hệ chính quy.

Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thông báo mức điểm sơ tuyển của các ngành thuộc hệ đại học chính quy năm 2023. Ngành Y khoa lấy mức điểm cao nhất 650; ngành Dược học, Giáo dục mầm non cùng lấy 570 điểm. Tất cả các ngành còn lại cùng mức điểm chuẩn 550. Riêng các ngành thuộc nhóm sức khỏe và Giáo dục mầm non, thí sinh phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định.

Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn xác định điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực ở mức 550 - 600. Năm nay, trường có hơn 2.600 chỉ tiêu ở một số nhóm ngành. Tại Trường ĐH Nha Trang, điểm chuẩn theo điểm thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức dao động 550 - 675.

Riêng các trường thành viên của ĐHQG TPHCM, việc lọc ảo, xét tuyển chung và công bố kết quả dự kiến thực hiện trước ngày 22/6. Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TPHCM, năm nay, hệ thống chung của kỳ thi đánh giá năng lực (với 66 trường đại học, cao đẳng) ghi nhận hơn 40 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển với hơn 190 nghìn nguyện vọng. Chỉ tính riêng các trường thành viên ĐHQG TPHCM, con số này là hơn 30 nghìn thí sinh và trên 95 nghìn nguyện vọng.

Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và số nguyện vọng giảm khoảng 50% so với năm 2022. Tuy nhiên, con số này không bất thường bởi TS Chính cho rằng, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển giảm có thể do thí sinh cân nhắc giữa nguyện vọng và năng lực bản thân.

Theo đó, hầu hết thí sinh đạt điểm cao ở kỳ thi này đã đăng ký xét tuyển; trong khi đó, nhóm không tham gia xét tuyển rơi vào ngưỡng điểm 600 - 700 (thang điểm 1.200). “Có thể khi các em so sánh với mức điểm chuẩn ở nhiều năm trước, thấy khó có cơ hội trúng tuyển vào các ngành ‘hot’ nên lựa chọn phương án xét tuyển khác. Điều này thể hiện sự cân nhắc, chọn lọc kỹ lưỡng của thí sinh”, TS Chính cho hay.

Trước đó, ĐHQG TPHCM đã tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực năm 2023. Tổng số lượt thí sinh tham gia dự thi là 130 nghìn. Phổ điểm cả 2 đợt thi có dạng phân bố chuẩn và trải rộng, thể hiện khả năng phân loại thí sinh cao, thuận lợi cho việc xét tuyển. Hiện, 91 cơ sở trường đại học, cao đẳng đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức để xét tuyển.

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia tuyển sinh, khi nhận kết quả trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức khác để gia tăng cơ hội trúng tuyển. Muốn được công nhận kết quả trúng tuyển, thí sinh phải thực hiện đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT.

Theo Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2023, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển và thông báo kết quả xét tuyển sớm cho thí sinh để đăng ký xét tuyển lên hệ thống; cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống (xét tuyển lần 1) trước 17 giờ ngày 8/7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ