Không mặn mà với xét tuyển học bạ
Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU), chỉ có hơn 40% thí sinh xác nhận nhập học trên tổng số 1.384 chỉ tiêu phương thức xét tuyển học bạ THPT của trường, chiếm 14% tổng chỉ tiêu toàn trường. Các phương thức khác như tuyển theo kỳ thi Kiểm tra năng lực theo dạng SAT 2 (chỉ tiêu 5%); Xét kết quả kỳ thi SAT (Scholastic Assessment Test - chỉ tiêu 2%); Kết quả thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM (chỉ tiêu 6%), số lượng học sinh nộp hồ sơ xét tuyển, xác nhận nhập học chưa nhiều.
Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) năm 2020 dành 1.650 tổng chỉ tiêu (25%) cho phương thức xét tuyển học bạ THPT. Tuy nhiên, đến thời điểm này có khoảng 1.300 thí sinh trúng tuyển học bạ đã xác nhận và hoàn thành thủ tục nhập học, chiếm 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Không chỉ bỏ cơ hội trúng tuyển bằng hình thức xét học bạ THPT, nhiều thí sinh còn từ chối cả cơ hội trúng tuyển bằng xét tuyển ưu tiên, tuyển thẳng ở nhiều trường có tiếng để chờ đợi cơ hội bằng xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) đến thời điểm này có chưa đầy 1.000 thí sinh xác nhận nhập học bằng phương thức xét tuyển học bạ THPT trên tổng số 1.400 chỉ tiêu của phương thức đã thông báo. Về phương thức xét tuyển thẳng, có 121 em xác nhận nhập học trên tổng số 10% của phương thức.
Tương tự, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng có số lượng thí sinh xác nhận nhập học các phương thức khác phương thức xét điểm thi tốt nghiệp khá thấp, hiện số thí sinh mới chỉ đạt khoảng 30% tổng chỉ tiêu 6.250 của nhà trường.
Ông Bùi Quang Trung - Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: Trước thực tế số lượng học sinh xác nhận nhập học quá ít, tỉ lệ ảo của phương thức học bạ quá cao, trường đã điều chỉnh lại chỉ tiêu các phương thức theo đề án tuyển sinh công bố trước đó. Theo đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tăng chỉ tiêu cho phương thức 1 (xét kết quả thi THPT 2020 theo tổ hợp môn) lên tối thiểu 70%, cao hơn 30% so với đề án trước đó.
Thạc sĩ Trần Nam - Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) cũng cho biết: Năm 2020, trường tuyển sinh 3.339 chỉ tiêu, trong đó các phương thức xét tuyển như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, và kỳ thi đánh năng lực chiếm 35% tổng chỉ tiêu, phương thức xét điểm thi THPT từ 55 - 65%, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới có khoảng hơn 500 thí sinh trúng tuyển các phương thức khác xác nhận nhập học nên tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường trường còn 85% (tương đương 2.855 chỉ tiêu).
Thận trọng chọn nguyện vọng
Từ ngày 19/9 đến 17 giờ ngày 27/9, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học bằng phiếu đăng ký xét tuyển (với hình thức trực tuyến đến ngày 25/9). Theo TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn: Sau ngày 19/9 là quan trọng với thí sinh, đặc biệt với những thí sinh đã khước từ cơ hội trúng tuyển và nhập học bằng các phương thức khác, nhất là xét học bạ THPT.
Theo Thạc sĩ Mai Đức Toàn - Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Tân Tạo, khi thí sinh từ bỏ cơ hội trúng tuyển ở trường tốp dưới để tìm kiếm cơ hội ở trường tốp trên cần phải biết tính toán, lựa chọn cơ hội cho mình trên cơ sở an toàn, nhất là phải có biên độ điểm của bản thân so với điểm chuẩn dự kiến các trường công bố.
“Quan sát điểm chuẩn trúng tuyển học bạ của nhiều trường, cũng như ngưỡng điểm sàn xét tuyển đã công bố có thể thấy, thí sinh có xu hướng chọn lựa vào nhóm ngành “hot” khối kinh tế, kỹ thuật và công nghệ thông tin… nhiều trường có điểm sàn khá cao. Vì vậy, dự kiến điểm chuẩn số ngành trên sẽ tăng mạnh từ 1,5 điểm đến 3,5 điểm.
Mặt khác, do điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay có biên độ tăng, điểm chuẩn các ngành “hot” ở nhiều trường chắc chắn cũng sẽ tăng mạnh. Vì vậy, thí sinh phải cân nhắc kỹ, nếu không dù điểm cao cũng có thể không trúng tuyển vào phương thức nào vì chọn sai” - Thạc sĩ Mai Đức Toàn cảnh báo.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông, HUTECH cũng nhìn nhận: “Chấp nhận bỏ qua cơ hội nhập học đầu tiên chắc chắn các em đã ít nhiều tự tin vào điểm thi tốt nghiệp THPT của mình. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan, ngược lại các em cần phải thận trọng và cân nhắc kỹ mục tiêu của mình.
Với tình hình thực tế có thể thí sinh sẽ rơi vào tình huống “chật vật” hơn vì tính cạnh tranh ở các giai đoạn tiếp theo – nhất là trong xu hướng chỉ tiêu xét tuyển học bạ của các trường giảm dần qua các đợt xét tuyển, còn điểm chuẩn nguyện vọng theo điểm thi dự kiến sẽ tăng cao. Với bối cảnh hiện nay, nói một cách ví von là không ít em đang “chơi dao” khi từ bỏ cơ hội nhập học. Nếu không cẩn thận có thể sẽ bị đứt tay mình” - Thạc sĩ Xuân Dung nói.