Than Quảng Ninh mất quyền dự V-League 2022: Nỗi đau không của riêng ai

GD&TĐ - Do vấn đề tài chính, câu lạc bộ Than Quảng Ninh không được dự V-League 2022, và sẽ bị đánh tụt xuống hạng Ba.

Đội Than Quảng Ninh sẽ bị đánh xuống hạng Ba.
Đội Than Quảng Ninh sẽ bị đánh xuống hạng Ba.

Đó là tin buồn với cổ động viên đội bóng này, nhưng rất có thể đây sẽ là điểm khởi đầu mới của trạng thái cũ cho giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vốn đang phải đối mặt với vô vàn thách thức, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19.

Khép lại 65 năm lịch sử

Cuối tháng 10, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã công bố danh sách các câu lạc bộ được cấp phép tham dự V-League và các giải đấu của Liên đoàn Bóng đá châu Á 2022.

Có 11 câu lạc bộ đủ tiêu chuẩn được cấp phép, 2 câu lạc bộ được “đặc cách” là Sông Lam Nghệ An và Bình Định. Riêng Than Quảng Ninh không được cấp phép do không đáp ứng được các tiêu chí cấp phép do LĐBĐ châu Á đề ra.

Theo tìm hiểu, câu lạc bộ Than Quảng Ninh nợ lương, thưởng và lót tay nhiều cầu thủ, với ước tính tổng cộng khoảng 70 tỷ đồng. Công ty TNHH một thành viên Bóng đá Quảng Ninh cũng dừng hoạt động, cắt bảo hiểm và không tính lương nhân viên từ ngày… 25/8.

Vướng mắc trong việc cứu câu lạc bộ Than Quảng Ninh nằm ở số tiền nợ. Một số doanh nghiệp sẵn sàng nhận đội bóng thay bầu Hùng, nhưng không chấp nhận đứng ra trả thay khoản nợ “khổng lồ” kể trên.

Được biết, nguồn tiền để Than Quảng Ninh hoạt động những năm qua đến từ UBND tỉnh Quảng Ninh, dành cho đào tạo trẻ; Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam mỗi năm tài trợ khoảng 30 tỉ đồng, và tiền túi của ông Phạm Thanh Hùng, chủ tịch câu lạc bộ.

Mặc dù vậy, trong vài năm gần đây, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam không chuyển tiền tài trợ cho đội bóng, nên đã đẩy Than Quảng Ninh vào tình trạng “giật gấu vá vai”. Bầu Hùng xoay xở một mình chỉ được trong thời gian ngắn, như ông chia sẻ, mỗi năm bỏ ra hơn 50 tỷ đồng nuôi cầu thủ, người lao động.

Không có nguồn thu ổn định, trong khi Than Quảng Ninh vẫn phải căng mình cho những khoản chi vốn đã được lên khung ở V-League, từ quy định lương cho đến các chi phí khác tăng chóng mặt.

Điều đó dẫn đến việc đội bóng đất Mỏ rơi vào tình trạng kéo dài nợ lương, thưởng, phí “lót tay” các cầu thủ. Bầu Hùng nhiều lần “kêu cứu”, “bất lực” và tuyên bố trả đội bóng, trong khi Sở VH-TT Quảng Ninh  nhiều lần tuyên bố tỉnh Quảng Ninh không dùng ngân sách để đầu tư cho bóng đá chuyên nghiệp.

“Tôi không còn là nhà tài trợ hay ông chủ của đội bóng Than Quảng Ninh. Hiện, Công ty TNHH một thành viên Bóng đá Quảng Ninh đã tiến hành thanh lý hợp đồng cho hầu hết các cầu thủ.

Với đội ngũ cầu thủ trẻ, công ty đang bàn giao lại cho UBND tỉnh Quảng Ninh và trả lại cho tỉnh một số cơ sở vật chất mà trước đây tỉnh đã bàn giao cho câu lạc bộ. Việc Than Quảng Ninh giải tán, không được tham dự V-League là chuyện rất buồn nhưng chúng tôi cũng không còn cách nào khác” – ông Hùng cho biết.

Cho đến đầu tháng 11 này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vẫn chưa có cuộc làm việc nào với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh liên quan đến số phận đội bóng đất Mỏ. Các cuộc trao đổi qua lại mới đến lãnh đạo Sở VH-TT Quảng Ninh, cấp chưa có tiếng nói quyết định đến đội bóng Than Quảng Ninh.

Về phía Quảng Ninh, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều cuộc họp để tìm cách cứu vớt đội nhà. Nhưng vụ việc vốn kéo dài từ nhiều năm qua của Than Quảng Ninh đã không thể tìm ra lối thoát. Than Quảng Ninh giải thể và không được tham dự V-League 2022.

Không giống như nhiều cái tên khác, từng bất ngờ xuất hiện và bất ngờ biến mất suốt chiều dài 2 thập kỷ của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, Than Quảng Ninh là đội bóng có lịch sử 65 năm.

Câu lạc bộ Than Quảng Ninh ra đời từ năm 1956, với tiền thân là đội bóng thanh niên Hồng Quảng. Năm 1990, đội bóng được đổi tên thành Đội bóng đá Công nhân Quảng Ninh, giành quyền thăng hạng các đội mạnh toàn quốc.

Nhưng chỉ một năm sau, kết thúc giải bóng đá các đội mạnh toàn quốc lần thứ 2, Công nhân Quảng Ninh cùng các đội Thanh niên Hà Nội và Công an Thanh Hóa bị xuống hạng, Đội bóng đá Công nhân Quảng Ninh bị giải thể.

Năm 1994, bóng đá Quảng Ninh tái thành lập với tên gọi mới Đội bóng đá Công nhân Hạ Long. Sau nhiều năm vật lộn với khó khăn, mùa bóng 2013 đội bóng đất Mỏ giành ngôi á quân và quyền thăng hạng chơi bóng ở V-League 2014. 6 năm qua, Than Quảng Ninh là cái tên đáng gờm tại  V-League.

Năm 2016 đội lần đầu tiên giành chức vô địch Cúp Quốc gia và cuối năm, Than Quảng Ninh đánh bại Hà Nội T&T để giành Siêu Cúp Quốc gia trên sân Hàng Đẫy. Năm 2017, Than Quảng Ninh lần đầu tiên tham dự vòng bảng AFC Cup và năm 2019 Than Quảng Ninh lần đầu tiên đoạt Huy chương V-League (Huy chương Đồng).

Cái “chết” của Than Quảng Ninh đau đớn, vật vã bởi họ đang ở trên đỉnh cao. Trước đó, nhiều đội bóng tan rã do thiếu tiền dẫn đến thành tích kém cỏi, phải xuống hạng, hoặc được đầu tư nhiều tiền nhưng thành tích không đáp ứng được sự kỳ vọng.

Có những đội bóng như Xi măng Hải Phòng, FLC Thanh Hóa trước đây từng tốn đến trên dưới 100 tỷ đồng mỗi năm mà chẳng thể vô địch. Trong khi đó, đội bóng Quảng Ninh luôn nằm trong tốp 4 đội mạnh nhất V-League. Mùa 2016 và 2020, họ đua vô địch đến tận vòng áp chót. Như vậy, những khoản đầu tư vào Than Quảng Ninh đang “sinh lời”.

Nỗi đau ở chỗ, dù rơi vào tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc nhưng mùa giải 2021 Than Quảng Ninh vẫn đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng sau 12 vòng đấu, vị trí có huy chương và đủ khả năng cạnh tranh ngôi vô địch.

Đặc biệt, câu lạc bộ Than Quảng Ninh tạo được dấu ấn đậm nét bởi họ đã đốt cháy tình yêu bóng đá trong lòng khán giả Quảng Ninh. Mỗi trận đấu trên sân Cẩm Phả giống như bữa tiệc của tình yêu, màu cờ sắc áo, điều mà không nhiều đội bóng ở V-League hiện nay có thể làm được. Hoặc nhiều đội bóng đã được bơm tiền tấn hoạt động nhưng vẫn mờ ảo về hình ảnh, thương hiệu.

Các cầu thủ của đội bóng đất Mỏ sẽ phải tìm kiếm công việc ở đội bóng khác.

 Các cầu thủ của đội bóng đất Mỏ sẽ phải tìm kiếm công việc ở đội bóng khác.

Có phải “trời kêu ai nấy dạ”?

Than Quảng Ninh đã thanh lý xong với 30 cầu thủ thuộc biên chế đội 1 đội bóng này. Các cầu thủ đều chấp nhận không kiện đội bóng đất Mỏ để nhận được giấy thanh lý chuyển đến đầu quân cho đội bóng mới trong mùa giải 2022.
Tại đội trẻ, chỉ còn khoảng 6 cầu thủ. Số còn lại đều đã chấp nhận “bỏ” lương để lấy giấy thanh lý xin tới các câu lạc bộ khác. Thậm chí, nhiều cầu thủ trẻ còn đang tính chuyện đầu quân cho các đội phong trào để đá phủi cũng như chuyển sang chơi futsal nếu không có đội bóng nhận về.
Được biết, trước khi tuyên bố giải thể, Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh đang bị các cầu thủ kiện vì khoản nợ lương, thưởng, lót tay lên đến 70 tỉ đồng từ năm 2019.

Than Quảng Ninh phải từ giã cuộc chơi trong đau đớn không chỉ là nỗi buồn của bóng đá đất Mỏ, mà nó còn là sự thất bại của bóng đá Việt Nam sau 20 năm lên chuyên nghiệp.

Trên con đường vốn nhiều rủi ro ấy có rất nhiều đội bóng, nhiều ông chủ danh tiếng “đứt gánh giữa đường” khi bước chân vào địa hạt bóng đá như Hòa Phát Hà Nội, Xi măng The Vissai Ninh Bình, Navibank Sài Gòn, FLC…

Câu hỏi đặt ra, vì sao bóng đá Việt Nam trải qua nhiều biến cố nhưng vẫn không thể tránh đi vào vết xe đổ? Sự kiện Than Quảng Ninh giải tán và bị đánh tụt xuống hạng Ba đang là câu hỏi khiến các nhà quản lý đau đầu.

Nhưng xâu chuỗi muôn kiểu “chết” trên sân cỏ V-League đều dẫn đến điểm chung, yếu tố tài chính.

Câu chuyện cũ từ 2 thập kỷ trước giờ vẫn nóng hôi hổi, bao giờ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tự đứng trên đôi chân của mình? Thực tế, cho đến hôm nay, sau khi Than Quảng Ninh gục ngã, các câu lạc bộ của Việt Nam vẫn đang hít thở trong cơ chế “bao cấp”, nặng tính “ban phát” và “xin cho”.

Nếu như trước kia chủ yếu sống nhờ ngân sách địa phương, thì nay có sự biến tướng sang sống nhờ các ông chủ doanh nghiệp, hoặc kết hợp ngân sách và ông chủ.

Điều đó có thể thấy rõ hơn như trường hợp Than Quảng Ninh. Để tồn tại, bóng đá đất Mỏ phải xin ngân sách cho đào tạo trẻ và vài chục tỷ đồng mỗi năm của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam.

Nếu cả 2 nguồn thu này đều đặn thì không sao. Nhưng đến lúc khó khăn, cả 2 nguồn tiền đều bị cắt và hệ quả tất yếu, Than Quảng Ninh hết tiền và… “chết”. Những nỗ lực mang tính cá nhân của bầu Hùng, người được cho là lấy tiền túi nuôi đội bóng như muối bỏ bể và cũng chỉ là nguồn tiền “tình cảm”, mang tính giúp đỡ qua cơn khó khăn, chứ không phải tạo ra nguồn thu cho đội bóng.

V-League đã chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp đổ tiền vào bóng đá và rồi ngậm ngùi ra đi, đằng sau còn có rất nhiều lý do. Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways - đã chia sẻ rằng: Mỗi năm, FLC thực chi cho đội bóng Thanh Hóa 105 tỉ đồng.

Chúng tôi đầu tư, mời các cầu thủ tốt. Cầu thủ từ ngoại binh đến nội binh, ai mà mua được thì chúng tôi mua hết. Sau 4 năm chung tình với đội bóng Thanh Hóa, chúng tôi thấy chưa có duyên gắn bó thêm. Không phải vì nguồn kinh phí tài trợ mà vì rất phức tạp. Bóng đá rất phức tạp.

Câu chuyện giữa FLC và bóng đá Thanh Hóa còn nhiều ẩn số. Song thực tế, đội bóng xứ Thanh giống như cỗ máy đốt tiền với cả 100 tỉ của nhà tài trợ cho đến hàng chục tỉ ngân sách mỗi năm. Không doanh nghiệp nào có thể đứng vững khi mà họ chỉ chi mà không có thu.

Mô hình FLC với bóng đá Thanh Hóa đứt gãy là hệ quả tất yếu, được báo trước như bao doanh nghiệp tên tuổi khác đã đến với bóng đá. Hoặc mới đây, Ngân hàng Bắc Á tuyên bố dừng tài trợ cho câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An. Hơn 10 năm qua, Ngân hàng Bắc Á đã rót vài trăm tỉ đồng cho Sông Lam Nghệ An. Thế nhưng khi rời đi, đội bóng xứ Nghệ được biết vẫn đang nợ số tiền hơn 400 tỉ đồng.

Sông Lam Nghệ An đã tìm được nhà tài trợ mới và đối tác hứa hẹn sẽ giúp đội bóng xứ Nghệ tìm lại ánh hào quang trong quá khứ. Câu lạc bộ Bình Định, tân binh của V-League 2022 đã ký hợp đồng tài trợ lên đến 300 tỉ đồng trong 3 năm…

Tuy nhiên, từ hợp đồng mới của Sông Lam Nghệ An, hay khoản tài trợ khủng của Bình Định, người ta không thấy được nét mới nào so với số phận hẩm hiu của nhiều doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá.

Tất cả vẫn chỉ là khoản đầu tư một chiều, tiền được các doanh nghiệp rót vào bóng đá và nguồn thu lại từ bóng đá gần như bằng không, tất nhiên đằng sau các hợp đồng khủng còn có những điều khoản khác đi kèm mà nhiều khả năng nằm ngoài vấn đề sân cỏ.

Vậy nên, sự ổn định và minh bạch về tài chính trở thành thứ vô cùng xa vời cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Điều đó cho thấy thực trạng khác, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chưa đủ sự hấp dẫn đầu tư thu lợi, có chăng các câu lạc bộ chỉ là thứ công cụ nhằm mục đích nào đó, hoặc “mua vui” cho những sở thích cá nhân vốn ngắn ngủi, dễ chết yểu.

Nếu các ông chủ “khỏe” thì đội bóng còn, khi các ông chủ không còn “hứng thú” với bóng đá, hoặc có thể họ đã “thỏa mãn” mục đích nào đó thì việc đội bóng bị đẩy ra đường, giải tán hoặc cầu thủ sống lay lắt là chuyện hiển nhiên.

Than Quảng Ninh không phải là cái “chết” đầu tiên. Số các câu lạc bộ có doanh nghiệp tên tuổi chống lưng “biến mất” khỏi V-League 20 năm qua lên đến hàng chục đội.

Nhức nhối ở chỗ, có nhiều tên tuổi lừng lẫy, những đội bóng thuộc hàng tượng đài của bóng đá Việt Nam như Công an Hà Nội, Hải quan, Cảng Sài Gòn… hay Thể Công, hoặc các địa phương giàu truyền thống như An Giang, Đồng Tháp, Huế, Khánh Hòa...

Vấn đề đặt ra không phải là kiếm tiền bằng cách nào, thay vào đó cần xây dựng được mô hình bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa. Nói đơn giản, bóng đá chuyên nghiệp phải đứng vững trên chính đôi chân của mình.

Nếu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn cứ như xây lâu đài trên cát, thì sau “cái chết” của đội bóng Than Quảng Ninh sẽ còn có nhiều câu lạc bộ khác lặng lẽ biến mất như chưa hề tồn tại trên sân cỏ V-League.

Do vậy, sự kiện Than Quảng Ninh một lần nữa gióng lên hồi chuông về bóng đá chuyên nghiệp thực chất. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các tổ chức thành viên cần siết chặt hơn các tiêu chuẩn chuyên nghiệp, hướng đến nền tảng vững bền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.