Sau 8 vòng đấu, đội bóng đất Mỏ đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng, chỉ kém đội đầu bảng HAGL đúng 1 điểm.
“Kêu cứu” trên… mạng xã hội
Ngày 9/4, các cầu thủ trụ cột của Than Quảng Ninh như Nguyễn Hải Huy, Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân, Dương Văn Khoa, Phạm Nguyên Sa… đồng loạt đồng loạt “kêu cứu”.
Tất các các bức tâm thư được đăng trên Mạng xã hội (Facebook) đều có chung nội dung mong những người có trách nhiệm vào cuộc để xử lý khoản tiền nợ lương suốt 8 tháng qua cũng như tiền thưởng thắng trận, tiền chuyển nhượng.
Mạc Hồng Quân viết trên trang cá nhân của anh: “Trong thời gian qua, chúng tôi luôn chăm chỉ làm việc, nỗ lực và hợp tác cùng CLB để cùng CLB vượt qua giai đoạn khó khăn.
Mặc dù nhận được rất nhiều lời hứa từ ngày này sang tháng khác nhưng đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa được giải quyết bất cứ một khoản nào.
Vì vậy, nếu mọi việc không được giải quyết, tôi sẽ dừng lao động cho CLB Than Quảng Ninh từ vòng 9 V-League 2021. Rất mong đội bóng và CĐV đất mỏ hiểu và thông cảm cho hành động này của tôi.
Trong trường hợp mọi việc vẫn không được giải quyết thì hết giai đoạn 1 V-league 2021 tôi sẽ công bố bản hợp đồng của tôi với đội bóng Than Quảng Ninh chính thức hết hiệu lực”.
Nguyễn Hải Huy thậm chí đã liệt kê toàn bộ những khoản tiền mà anh đang bị nợ. Cầu thủ đang đeo băng đội trưởng Than Quảng Ninh viết: “Thời điểm hiện tại, CLB Than Quảng Ninh nợ tôi các khoản như sau: Tiền lương từ tháng 9/2020 – 4/2021; Tiền thưởng các trận thắng từ cuối năm 2019 đến nay; Tiền phí hợp đồng chuyển nhượng mùa giải 2021”. Theo Hải Huy, số tiền các cầu thủ của Than Quảng Ninh đang bị nợ lên tới cả chục tỷ đồng.
Đặc biệt, một số cầu thủ đã rời CLB Than Quảng Ninh trước khi mùa giải 2021 khởi tranh đã lên tiếng đòi quyền lợi của mình. Theo đó, thủ môn Huỳnh Tuấn Linh và hậu vệ Nguyễn Văn Việt (đang đầu quân cho HAGL) cho biết, trong trường hợp CLB Than Quảng Ninh không thanh toán các khoản nợ lương, thưởng và lót tay trước khi giai đoạn 1 của V-League 2021 kết thúc, họ sẽ khởi kiện đội bóng đất mỏ theo quy định của pháp luật.
Dương Thanh Hào (Bình Định), Nguyễn Xuân Hùng, Đào Nhật Minh (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh), Nguyễn Hữu Khôi (Hải Phòng)… cũng đồng loạt lên tiếng đòi khởi kiện đội bóng cũ vì lâm vào tình cảnh tương tự.
Thông tin CLB Than QN nợ lương cầu thủ từ tháng 9 năm ngoái tới nay đã xuất hiện lâu nay và các bên liên quan chưa đi tới giải pháp cuối cùng. Trước mùa giải 2021, đội bóng đất Mỏ vì thiếu kinh phí đã phải để một loạt trụ cột ra đi như thủ môn Tuấn Linh, Xuân Hùng, Quách Tân, Thanh Hào...
Ngay cả HLV Phan Thanh Hùng cũng quyết định ra đi khi không thấy hướng đi của đội bóng. Nhưng mọi chuyện cũng được giải quyết ổn thỏa sau khi UBND tỉnh Quảng Ninh làm việc với CLB.
Đội bóng đất mỏ đã khởi đầu mùa giải mới rất tốt. Nhưng đến ngày 31/3, trước vòng 8 V-League 2021, các cầu thủ chủ chốt bỏ lên khán đài ngồi xem các cầu thủ trẻ tập luyện dưới sân.
Theo chia sẻ của một cầu thủ trong nhóm đình công, họ không muốn lôi các em trẻ vào cuộc. Các cầu thủ biết đội bóng khó khăn,nhưng họ cũng cần phải sống và nuôi gia đình của mình. 7 tháng qua, nhiều người dùng đến tiền tiết kiệm, có người lấy tiền gia đình, vay mượn người thân để sống.
Đại diện Sở VH-TT tỉnh Quảng Ninh và CLB Than Quảng Ninh đã gặp gỡ nhóm cầu thủ đình công hứa sẽ giải quyết chuyện tiền trong.
Các cầu thủ Than Quảng Ninh đã ra sân tập luyện trở lại và thi đấu trong trận thắng Sài Gòn 1 - 0 trên sân Cẩm Phả ở vòng 8 hôm 7/4. Nhưng cho đến giờ, chuyện tiền nợ cũng chẳng được giải quyết gì cả. Vì thế, sự kiên nhẫn và sức chịu đựng của các cầu thủ Than QN không thể kéo dài hơn nữa sau 8 tháng trời ròng rã, trải qua 2 cái tết, Dương lịch và Âm lịch với rất nhiều khoản chi phí.
Chuyên nghiệp kiểu… V-League
“Nợ lương”, đó hẳn nhiên là nỗi ám ảnh không phải cho riêng một bên nào, đặc biệt, nó được đặt trong vòng xoáy của đại dịch Covid-19.
Trong một chia sẻ vào thời điểm khó khăn, Chủ tịch Phạm Thanh Hùng của Than QN than thở: Tôi giờ cũng mệt lắm. Cứ một mình gồng gánh cho CLB thì sống sao được, trong khi đội bóng là của tỉnh và của người hâm mộ Quảng Ninh. Chúng tôi cũng không muốn chuyện nợ lương cầu thủ như thế. Nhưng hai năm nay, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam không tài trợ nữa.
Trước khi V-League 2021 khởi tranh, thông tin cho biết có những đội bóng mới được đầu tư mạnh mẽ như Thanh Hoá, Bình Định, TPHCM, Sài Gòn... Thậm chí, Hải Phòng cũng được thành phố tăng ngân sách hỗ trợ lên 50 tỉ đồng. Thậm chí, có đội bóng tuyên bố chi đến cả 100 tỉ đồng cho một mùa giải, một con số đáng mơ ước!
Chủ tịch Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú cho biết: Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2015, sửa đổi 2018 quy định mỗi câu lạc bộ đá ở giải vô địch quốc gia phải có ngân quỹ tối thiểu 35 tỉ đồng/năm. Quy định này đến nay đã không còn phù hợp và đang được sửa đổi. Theo tính toán của tôi, hiện nay mỗi đội đá giải vô địch quốc gia phải có ngân quỹ tối thiểu khoảng 50 tỉ đồng/năm mới đủ khả năng duy trì hoạt động.
Nhưng thực tế không phải màu hồng như những gì người ta tô vẽ. Than QN là một ví dụ. Đội bóng của một địa phương ngay sát Hà Nội nợ lương, thưởng cầu thủ kéo dài gần một năm qua không được giải quyết.
Không chỉ đất Mỏ, còn rất nhiều CLB, đội bóng hạng Nhất cũng đối mặt với tình thế hiểm nghèo về tài chính. Nhiều cầu thủ và gia đình của họ đang rơi vào tình trạng bị nợ lương, cắt giảm lương thưởng…
Vấn đề đặt ra, Quy định này cho phép các Liên đoàn bóng quản lý CLB trừng phạt đội bóng nếu trả lương không đúng thời hạn cho cầu thủ tuỳ từng tình huống khác nhau. Vì vậy, thật lạ khi đội bóng vùng mỏ rơi vào tình trạng mất kiểm soát nhưng cấp quản lý bóng đá Việt, cụ thể là LĐBĐVN (VFF) vẫn lặng im.
Với tư cách tổ chức quản lý, điều hành cả nền bóng đá thì VFF cũng đủ thẩm quyền xử lý CLB Than QN bằng những chế tài do tổ chức này ban hành, miễn sao không đi ngược lại với điều lệ FIFA.
Đáng tiếc là cơ quan quản lý bóng đá Việt Nam chưa có động thái cụ thể, trước mắt là bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ, thứ 2 là sự tôn nghiêm của một nền bóng đá phát triển, chuyên nghiệp.
Tương tự là VPF, đơn vị này hoàn toàn được phép có chế tài đủ mạnh, quyết liệt dành cho CLB Than QN trong tình huống đội bóng này nợ lương các cầu thủ nhằm bảo vệ hình ảnh giải đấu.
Vậy nên, không chỉ ông Hùng “kêu khổ”! Bóng đá Việt Nam với chiều dài 20 năm lên chuyên song vẫn còn đầy rẫy những sự nghiệp dư. Khái niệm “chuyên nghiệp” vẫn chỉ như chiếc áo mong manh, một thứ đồ trang sức mỹ ký nên nhiều khi chẳng thể che đậy hết những khoảng tối, điểm mờ chực chờ bục vỡ.
“Gõ cửa” FIFA được không?
Từ đầu năm 2018, FIFA có những điều chỉnh mới đối với Quy định về Tình trạng và Chuyển nhượng cầu thủ. Theo đó, thay đổi đáng chú ý là nếu không được trả lương trong 2 tháng, cầu thủ có quyền chấm dứt hợp đồng và gia nhập đội bóng khác. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/6/2018 và được áp dụng trên toàn thế giới.
Và như vậy, quy định của cho biết, “nếu một câu lạc bộ không trả lương hằng tháng đúng thời hạn, đó được coi là có lý do chính đáng để cầu thủ chấm dứt hợp đồng của mình”.
Bên cạnh đó, trong trường hợp như vậy, cầu thủ không cần phải đưa vụ việc đến bất kỳ cơ quan trọng tài hoặc Ủy ban kỷ luật nào. Liên đoàn bóng đá mà cầu thủ đó trực thuộc phải đưa ra thông báo, mà không có bất kỳ điều kiện nào, rằng cầu thủ được tự do, với quyền chấm dứt hợp đồng và gia nhập câu lạc bộ khác.
Về phía câu lạc bộ, việc không trả lương đúng quy định sẽ bị trừng phạt bởi Liên đoàn bóng đá mà họ trực thuộc, theo quy định của FIFA.
Chỉ khoảng hơn 2 tháng sau điều chỉnh có hiệu lực, FIFA đã can thiệp và dành án phạt cho không ít trường hợp, với 2 câu lạc bộ ở Qatar, 1 ở UAE và 1 tại Iran vì chậm lương cầu thủ.
Trong khoảng thời gian từ 30 đến 90 ngày, 4 đội bóng không thực hiện được yêu cầu - kể cả sau khi đưa vụ việc lên Tòa án thể thao, đã bị trừ 6 điểm tại giải vô địch quốc gia, bị cấm mua cầu thủ trong 2 kỳ chuyển nhượng và thêm một số tiền phạt. FIFA nhấn mạnh, đây là hành động đánh dấu một “khuôn khổ mới” đối với các câu lạc bộ đang rơi vào tình cảnh nợ lương.
Ở Đông Nam Á, Câu lạc bộ Pehang FA của Malaysia đã bị trừ 6 điểm vào năm 2019 do vấn đề nợ lương một cầu thủ, khiến họ mất suất thăng hạng lên giải đấu cao nhất tại quốc gia này.
Trong khi đó, tại Thái Lan, sự vụ có gắn với hợp đồng của thủ môn Đặng Văn Lâm tại Muangthong United kéo theo việc Ban tổ chức tuyên bố sẽ trừ điểm, đánh tụt hạng và cấm thi đấu với các đội nợ lương.
Hay tại Trung Quốc, vào cuối năm 2016, Liên đoàn bóng đá nước này (CAF) tuyên bố, nếu cầu thủ bị chậm trả lương “dù chỉ 1 ngày”, họ có quyền nộp đơn lên lên CAF để trở thành cầu thủ tự do. Chính sách có vẻ đủ mạnh nhưng không thực tế, cho đến khi có điều chỉnh mới của FIFA.
Vấn đề đặt ra đằng sau chuyện của Than QN, tình trạng khá phổ biến của bóng đá Việt Nam, là ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ? Liệu họ có biết và nắm được quy định của FIFA? Hoặc nếu biết, họ cũng có hành động? Nếu hành động, họ phải làm thế nào, thông qua ai và thủ tục ra sao? Không có người đại diện xử lý các vấn đề liên quan đến luật, cầu thủ sẽ rất thiệt thòi.