Than lỗ kinh doanh điện 1.323,86 tỷ đồng, EVN lại "dọn đường" cho việc tăng giá điện trong năm tới |
Kinh doanh điện lỗ, ngoài ngành lãi
Trong buổi họp báo về tình hình sản xuất kinh doanh điện chiều nay (30/11), Bộ Công thương cho biết, năm 2017, sản lượng điện thương phẩm là 174.65 tỷ kWh. Chi phí sản xuất kinh doanh năm này 291.278,46 tỷ đồng. Trong đó, chi phí khâu phát điện chiếm chủ yếu, 220.915,64 tỷ đồng.
Giá thành sản suất kinh doanh điện năm 2017 là 1.667,77 đồng/kWh, tăng 0,15% so với năm 2016.
Trong khi đó, doanh thu bán điện năm 2017 là 289.954,78 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện bình quân 1.660,19 đồng/kWh).
Như vậy, kinh doanh hoạt động sản xuất điện lỗ 1.323,86 tỷ đồng.
Bộ Công thương cũng dẫn giải, trong chi phí sản xuất kinh doanh điện, chi phí khâu truyền tải điện là 17.997,75 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo thương phẩm là 103,05 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 51.249,16 tỷ đồng, tương ứng 293,44 đồng/kWh. Và tổng chi phí khâu phụ trợ, quản lý ngành là 1.115,91 tỷ đồng, tương ứng trong giá điện thương phẩm là 6,39 đồng/kWh.
Ngoài ra, EVN phải bù cho giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại 7 xã, huyện đảo là 184,33 tỷ đồng...
Bộ Công thương cũng lý giải nguyên nhân tăng chi phí sản xuất là do giá than năm 2017 đã tăng 5,7%, giá dầu DO, FO bình quân tăng 21,95% và 32,84%. Giá dầu HSFO cũng đã tăng 39,2% dẫn đến giá khí thị trường cao. Mặt khác, thuế suất tài nguyên nước tăng, tỷ giá USD tăng cao... cũng là nguyên nhân được liệt kê ra để giải thích cho việc tăng chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, nếu tính tổng các lĩnh vực sản xuất trong đó có điện và các khoản đầu tư ngoài ngành khác thì EVN lãi 2.792,08 tỷ đồng năm 2017. Nhưng còn một số chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện của năm 2017 như lỗ chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành của Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia là 1.940,29 tỷ dồng,
Xây dựng phương án tăng giá trong 2019
Tại họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, với tình hình sản suất kinh doanh điện nói trên, Bộ Công thương sẽ sớm xây dựng phương án điều hành giá điện trong năm 2019, trình thẩm định và báo cáo với Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ để quyết định tăng giá điện, thời điểm tăng giá điện.
Nếu tính toán chi phí làm giá điện tăng từ 3% thì mới được quyền điều chỉnh. Trong đó, nếu chi phí tăng từ 3-5% EVN được quyền điều chỉnh, từ 5-10% sẽ do Bộ Công thương điều chỉnh, còn trên 10% hay vượt khung giá thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, ông Tuấn nói.
“Theo chỉ đạo của Chính phủ khi xây dựng phương án giá điện năm tới, chúng tôi cũng phối hợp với Tổng cục Thống kê để đánh giá tương đối chính xác việc ảnh hưởng của điều hành giá điện CPI, GDP và đời sống người dân. Kiểm tra đánh giá việc tăng giá điện tác động tới các hộ sử dụng điện như xi măng, sắt thép, hay hộ gia đình theo mức sử dụng điện hàng tháng”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, vừa qua Bộ Công thương cũng xây dựng dự thảo thay thế Quyết định 28 của Chính phủ theo hướng tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ hộ nghèo sử dụng dưới 30 kWh/tháng.
Đối với giá bán điện cho khách sạn, nhà nghỉ thì áp dụng như giá điện bán cho hộ sản xuất kinh doanh để khuyến khích phát triển du lịch thời gian tới.
“Về thời điểm tăng giá không sớm hơn 6 tháng so với đợt tăng gần nhất. Đợt tăng gần nhất được thực hiện vào tháng 12/2017 nên thời gian tới sau khi xây dựng xong phương án tăng giá điện, nếu tính toán làm giá tăng 3-5% thì sẽ chọn thời điểm phù hợp để tăng giá”, ông Tuấn nói thêm.