Sửng sốt “Kỳ mộc”
Tại một triển lãm vừa diễn ra ở quận Long Biên (Hà Nội), một bộ bàn ghế có tên “Kỳ mộc”, được tạo tác thủ công từ nu gỗ đinh, khiến người xem trầm trồ, sửng sốt. “Kỳ mộc” thuộc sở hữu của anh Nguyễn Gia Thành, 39 tuổi, ở Thái Bình. Đúng với tên gọi, hình dáng của bộ bàn ghế kỳ dị này khiến không ít người tham quan phải nán lại ngắm nghía, ngồi thử và chụp vài tấm ảnh lưu niệm…
Nhiều người cho rằng, với chất liệu độc đáo, tạo tác tinh xảo như thế, giá 3,8 tỷ đồng là không hề đắt. Tuy nhiên, để có thể sở hữu bộ “Kỳ mộc” này không những phải có tiền mà cần phải có một không gian rộng rãi, phù hợp để bày. Có đại gia thích thú định “xuống tiền” mà không cần mặc cả, thế nhưng khi gọi điện về cho người nhà đo diện tích phòng khách thì đành ngậm ngùi… quay bước.
Anh Nguyễn Gia Thành cho biết, bộ bàn ghế này là gốc của một cây đinh cổ thụ, nằm dưới đáy sông đã gần một thế kỷ. Sau khi được trục vớt lên, do có duyên gặp nên anh Thành đã mua được và phải thuê xe siêu trường, siêu trọng chở về xưởng cách đó cả nghìn cây số.
Gỗ nu được hình thành từ những vết thương của cây cổ thụ. Những cây có u nổi hay bên ngoài sần sùi rất hiếm gặp. Do nằm lâu dưới nước nên bề mặt của gỗ xuất hiện nhiều vết lũa, rỗ xù xì. Riêng với gốc cây này có một phần lũa tự nhiên trên thân, tạo nên một tạo hình cây tùng La hán rất đẹp.
Phía đầu chiếc bàn được tạo thành hình Rùa hồ Gươm sinh động. Chiếc ghế lớn được gia công một đầu chạm rồng đầy gai góc, đầu kia chạm hình chim phượng trong tư thế đang bay lượn, mềm mại. Hai chiếc ghế nhỏ được chạm nổi hình lân ở ngai và trên thành ghế, khiến người xem ngỡ ngàng về độ tinh xảo…
Anh Bùi Văn Kế, nghệ nhân trực tiếp tạo tác sản phẩm kể, khi đưa được gốc cây gỗ đinh này về xưởng, những người thợ tài hoa nhất đã ngồi bàn bạc, cùng phác thảo lên ý tưởng chế tác sản phẩm.
Sau đó, 10 người thợ giỏi nhất của xưởng gỗ, dưới sự chỉ đạo của nghệ nhân chính (thợ cả) đã làm việc suốt một năm ròng. Gỗ đinh đã cứng, nu của gỗ đinh còn cứng hơn. Hàng rổ đục đã bị hỏng, gãy. Hàng trăm mét xích cưa đã bị gãy, vỡ như va vào đá… Tuy vậy, khi sản phẩm hoàn thiện ai nấy đều hài lòng với “Kỳ mộc”.
Độc đáo “Tứ linh”
Thoạt trông thì không có vẻ bắt mắt như “Kỳ mộc”, nhưng bộ bàn ghế “Tứ linh” lại có mức giá cao gần gấp đôi. Bộ bàn ghế “Tứ linh” (long, lân, quy, phượng) của anh Lưu Thế Tùng, 34 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội được làm từ gỗ trắc, nặng 3 tấn, có niên đại lên đến 1.000 năm, đang được chào bán với giá 6,2 tỷ đồng.
Theo anh Tùng, mỗi chi tiết trên sản phẩm đều được chạm khắc công phu, gắn với một tích cổ của Việt Nam. Được thiết kế theo kiểu ngai vàng của vua chúa, nên bộ bàn ghế có kích thước khá lớn, ghế đơn có thể ngồi vừa hai người trưởng thành, còn ghế lớn 8 người ngồi vẫn thoải mái. Bộ bàn ghế gồm 17 món, gồm bàn lớn, 2 bàn nhỏ, ghế lớn, 4 ghế nhỏ, 4 đôn và các phản nhỏ để chân.
Bộ bàn ghế này được chế tác từ năm 1988 tại Hải Dương, nhưng sau đó, món đồ nội thất này “lưu lạc” khắp các nước châu Á. Gần đây, gia đình anh Tùng mới mua lại được từ một người Đài Loan. Ông Lưu Thế Quý, người trực tiếp mua món đồ này về kể, những năm 1990, từ việc làm ăn ông quen với một người Đài Loan.
Ông bạn Đài Loan này lúc đó đầu tư vào sản phẩm bàn ghế được tạo tác từ các loại gỗ quý. Ông ta mua nhiều, bao nhiêu đồ quý ở Hà Nội ông gom hết, đóng thành các container gửi tàu biển về bán ở Đài Loan… Trong lúc ông đang “găm” hàng chờ được giá mới bán, thì nhiều người Đài Loan khác cũng thu mua, cho đóng đồ nội thất gỗ về bán ở quê nhà. Bị cạnh tranh ông ta bèn tìm đường cho hàng hóa sang các nước khác nhằm để bán giá cao hơn.
Chiếc container chở hàng, trong đó có bộ “Tứ linh” cập cảng Đài Loan lại được “lệnh” quay về Singapore, rồi qua một số nước khác… cuối cùng không bán được đã quay lại Việt Nam và được lưu kho. Gần 30 năm, những tưởng “Tứ linh” đã thất lạc và bị lãng quên. Vừa rồi, ông bạn người Đài Loan, giờ đã xấp xỉ tuổi 80, quay lại Việt Nam và quyết định bán toàn bộ số đồ gỗ lưu kho ấy. Gia đình ông Quý đã may mắn mua được…
Ông Nguyễn Tiến Đoàn, chủ một cơ sở sản xuất đồ mộc ở Kiêu Kỵ (Gia Lâm) chia sẻ, gỗ trắc là gỗ quý, một mét khối gỗ giờ cũng hơn tỷ đồng, chưa kể tiền công tạo tác cũng tầm 500 triệu đồng. Với bộ “Tứ linh” này, người am hiểu sẽ rất thích thú, vì gỗ trắc càng dùng càng lên nước, càng bóng đẹp. Cùng với đó ở bộ bàn ghế này còn hàm chứa những giá trị về văn hóa mà người nghệ nhân đã chạm khắc nên.