Èo uột, vắng khách
Chợ truyền thống hay chợ dân sinh, là địa chỉ cung cấp thực phẩm tươi sống và đồ dùng dân dụng quen thuộc cho nhiều thế hệ người Việt. Đây cũng là nơi bạn có thể tìm thấy các sản vật địa phương, cũng như cảm nhận về văn hoá sinh hoạt của người dân.
Với người Việt Nam, đi chợ không chỉ để mua bán, mà còn để giao lưu, trao đổi, chuyện trò.Tuy nhiên,với tốc độ đô thị hoá chóng mặt, chợ truyền thống đang dần bị thay thế bởi các chuỗi cửa hàng tiện lợi và các siêu thị, khiến những yếu tố văn hoá này mai một dần.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội KTS Việt Nam nêu ra một thực trạng đáng suy ngẫm: Chợ truyền thống từ xưa đã luôn được bố trí tại các địa điểm giao thông thuận tiện để thu hút khách hàng.
Trong thời kinh tế thị trường, thay vì làm cho chợ trở nên tốt hơn, người ta nhìn ra những món lợi khổng lồ từ những khu chợ này. Rất nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội đã biến mất, trở thành những “tổ hợp” mà không biết nên gọi nó là gì, thương mại thì không hoạt động, mà hỗn hợp nhà ở thì rất bất tiện.
Ông Steve Davies, người điều phối dự án nghiên cứu “Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội”, sau khi thị sát tại các khu chợ cũng cho biết: Chợ Hàng Da, là một ví dụ rõ ràng về sự thất bại sau khi chuyển đổi thành Trung tâm thương mại. “Theo tôi, các chợ thực phẩm cần được hiện đại hóa, nhưng điều đó không có nghĩa bị biến thành các trung tâm thương mại, hoặc đưa xuống tầng hầm của một trung tâm thương mại nào đó.
Trên thế giới, người ta hiện đại hóa các khu chợ với những kết cấu, hạ tầng bao gồm tiện ích điện nước, quầy hàng và tiện ích cho khách hàng. Nhưng đó vẫn phải là những khu chợ và giữ được các chức năng hoạt động cơ bản và bản sắc riêng.
Vài năm trước đây, thành phố Hà Nội có quyết định phát triển các chợ thực phẩm thành những trung tâm thương mại và “giữ gìn” chợ bằng cách chuyển xuống tầng hầm. Không cần phải nói điều này có phải là sự thành công hay không? Khi tôi đến thăm một khu chợ như vậy vào ngày hôm qua, tôi nhìn thấy có một người bán hàng kê ghế ngủ ngay tại cửa ra vào chính” - Ông Steve Davies bày tỏ.
Hướng đi nào cho chợ dân sinh?
Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn tới tình trạng người dân không mặn mà với những khu chợ được cải tạo thành trung tâm thương mại (TTTM) mới bởi thiết kế chưa phù hợp, quản lý còn nhiều bất cập: Nơi để xe ở dưới tầng hầm, lối xuống dốc, thu phí cao, chưa tạo điều kiện khuyến khích người dân vào mua sắm. Giá thuê sạp hàng cao hơn trước đó, nên chi phí tăng khiến người kinh doanh không hiệu quả.
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh: Kẹt giữa sự thèm muốn của các nhà đầu tư, nhưng lại hờ hững với việc đầu tư thực sự nên nhiều chợ hoạt động cầm chừng. Cũng may, thành phố nhận ra chuyện đó và đã dừng những dự án không bài bản để tiếp tục duy trì chợ dân sinh. Song những chợ được giữ lại đứng trước thách thức, không biết nên hiện đại hóa bằng cách nào, hay vẫn để xập xệ như hiện tại, trong khi nhu cầu mua bán của người dân vẫn diễn ra hàng ngày.
Chất lượng chợ xuống cấp do mất vệ sinh, nguy cơ cháy nổ rất cao. Rõ ràng, một mô hình mới về chợ đang là câu hỏi khó cho những người hoạch định chính sách, những nhà thiết kế vốn chưa được nghiên cứu bài bản.
Chỉ ra hướng đi cho các chợ dân sinh tại Việt Nam, ông Steve Davies đã chia sẻ về các khu chợ tại Mỹ: Hầu hết các thành phố của Mỹ đã đóng cửa, phá bỏ chợ dân sinh, khi siêu thị thống trị. Hiện tại, ở Mỹ chỉ còn khoảng 150 chợ. Song điều thú vị là, các chợ nông dân ở Mỹ đang gia tăng và ngày càng được ưa thích. Mặc dù các chợ chỉ hoạt động theo mùa và mở một hoặc, hai lần một tuần, nhiều người bỏ qua các siêu thị để đến chợ.
Họ tìm kiếm sự trải nghiệm ở chợ truyền thống, mua thực phẩm tươi từ nông dân và người sản xuất trực tiếp. Hầu hết, những chợ này ở ngoài trời, nhưng khi được phát triển thêm, người ta đã xây mái và làm thêm hạ tầng để có thể hoạt động quanh năm. Quả thật, chúng đang dần trở nên giống chợ thực phẩm truyền thống.
Theo Steve Davies, Hà Nội có khoảng 60 chợ thực phẩm, nhưng hầu hết các chợ đều ở trong tình trạng tồi tệ. “Chúng tôi đã khảo sát ở một chợ thực phẩm và thấy rằng 70% khách hàng nói cũng mua hàng ở các siêu thị. Như vậy họ thích cả hai loại hình cung cấp.
Nghiên cứu gần đây của Đại học Adelaide cũng cho thấy người dân mua hàng ở các chợ thực phẩm vì sự tươi ngon, giá cả thấp và linh hoạt. Họ cũng mua hàng ở siêu thị vì cảm thấy thực phẩm ở đó an toàn, chất lượng hơn, mặc dù đắt hơn. An toàn thực phẩm chắc chắn là điều mà các chợ Hà Nội có thể làm được tốt.
Hiện nay, người dân mua thực phẩm tươi sống ở chợ nhiều hơn ở trong siêu thị. Như vậy, chợ có thể cạnh tranh với siêu thị, nhưng cần phải cải tạo. Chủ yếu làm thêm vòm, mái chợ cho đẹp, chắc chắn để bảo vệ người bán, người mua trước thời tiết. Sàn chợ phải dễ làm sạch, quầy hàng cần có nhiều chức năng hơn cho người bán, cơ sở hạ tầng phải tiện ích hơn.
Phần nhiều những điều cần phải làm thuộc về bảo trì nhưng đang bị “chậm trễ”, khiến các khu chợ dần bị xuống cấp. Đã đến lúc Việt Nam cần những cam kết nghiêm túc tái đầu tư cho các khu chợ này”, chuyên gia về chợ Steve Davies kết luận.