Trong căn phòng chỉ 20 m2 của hai mẹ con Nguyễn Dương Kim Hảo (13 tuổi) - người vừa được giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013 - ở quận Tân Bình (TP HCM) la liệt các thiết bị điện tử của cậu học sinh lớp 7 và những bao tải đựng quần áo.
Mẹ Hảo, chị Dương Trần Thanh Thảo, cho biết gia đình ở Tiền Giang nhưng vì chiều theo đam mê của con nên chị đã cùng con khăn gói lên thành phố trọ học.
Một người thân tốt bụng đã cho hai mẹ con Hảo mượn kho hàng này làm nơi tá túc.
Đã gần giờ cơm trưa nhưng ở một góc nhỏ của căn phòng, Hảo vẫn miệt mài hàn nối các vi mạch để lắp ráp lại mô hình Bảng điểu khiển thông minh.
Ngày mai, Hảo mang mô hình này ra Hà Nội để giao lưu với các anh chị sinh viên. Cậu bé có gương mặt bụ bẫm nói mô hình này được chế tạo từ năm lớp 5, giờ đã bị hư nên phải sửa lại.
Cứ thế Hảo kiên trì ngồi nối lại từng sợi dây, chỉnh lại từng con chíp, lâu lâu lại đưa tay quệt mồ hôi hay chỉnh lại chiếc kính cận để nhìn rõ hơn.
Kể về sở thích với tin học của con trai, chị Thảo nói dường như đó là niềm đam mê bẩm sinh của Hảo. Khi còn là học sinh mầm non, khi cha mua máy tính về làm việc cậu cứ lân la sờ nắn.
Không như các bạn đồng trang lứa thích đọc truyện tranh, phim hoạt hình... Hảo chỉ thích được ngồi cạnh cha hàng giờ bên chiếc máy tính cũ kỹ để xem cha làm việc. Cha cậu vốn là giáo viên Toán - Lý.
Lúc Hảo học lớp 2, thấy cha đi học thêm tin học, cậu cũng đòi theo. Dù không đồng ý nhưng thấy con thích nên mỗi ngày học về cha cậu lại tỉ mỉ chỉ con những kiến thức vừa học được.
Năm đó, hai cha con vượt gần 30 km để lên thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) thi lấy bằng, cậu bé xuất sắc vượt qua "thầy" của mình khi đạt bằng A Tin học loại giỏi.
Từ việc dùng Word, Exel và các phần mềm cơ bản, cậu bé lớp 2 bắt đầu tò mò và tự mình lấn sân sang lập trình các phần mềm tin học. Không có người hướng dẫn, lại ở vùng quê không có thiết bị thực hành nên Hảo tự lên mạng tìm hiểu.
"Lúc đó em không biết mình học cái đó để làm gì, chỉ thấy rất tò mò vì sao các phần mềm này lại hoạt động được như thế.
Để thỏa mãn đam mê của con, chị Thảo đưa con lên Sài Gòn trọ học |
Để tìm được câu trả lời em phải tự mình tìm hiểu lấy, dần dần thấy yêu thích từ khi nào không hay", Hảo nói và cho biết tất cả các sản phẩm đều được em xây dựng từ ý tưởng giúp những người trong gia đình làm việc tốt hơn.
Một lần, thấy cha vất vả khi phải chấm và cộng điểm cho rất nhiều học sinh, Hảo lẳng lặng chế tạo ra phần mềm cộng điểm trên máy tính. Với phần mềm này cha cậu chỉ việc nhập số liệu, ấn vài thao tác đơn giản là máy tính cho ra kết quả.
Sáng tạo này của Hảo khiến không ít người ngạc nhiên và sau đó giành giải nhất khối tiểu học hội thi Tin học trẻ tỉnh Tiền Giang cùng nhiều giải thưởng khác.
Hay lần khác Hảo qua nhà chị họ chơi, thấy chị ngồi dò tìm các phương trình, công thức hóa học, Hảo đã nghĩ đến việc chế tạo ra Máy tính hóa học.
Dù chưa hề được học qua môn Hóa, song chỉ mấy tháng sau Hảo đã chế tạo thành công máy tính nhỏ gọn giúp người sử dụng dễ dàng tìm kiếm, cân bằng các phương trình hóa học theo vế trái vế phải hoặc cả hai vế.
Thấy mẹ có tính hay quên, mỗi lần ra khỏi phòng quên tắt điện phải quay lại rất mất công, Hảo lại bắt tay vào mày mò, lên mạng lục tìm kiến thức.
Sau nhiều tháng nối từng con chip, từng vi mạch điện tử để thử nghiệm, Hảo đã chế tạo thành công Bảng điều khiển thông minh.
Với sản phẩm này người sử dụng có thể tắt/mở các thiết bị điện trong nhà bằng máy tính, điện thoại di động hay bất cứ thiết bị nào có kết nối mạng.
Bảng điều khiển thông minh này sau đó được cậu bé mang đi nhiều cuộc thi quốc tế và giành về không ít huy chương vàng cùng các giải thưởng cao quý khác.
Có lần ban giám khảo vì quá sửng sốt đã bắt Hảo thực hiện lại để chắc chắn đây là sáng chế của một cậu học trò tiểu học.
Ngoài ra, cậu trò lớp 7 này còn sáng tạo ra phần mềm Sổ tay lịch sử giúp người dùng lưu trữ các bài học lịch sử trên lớp vào máy tính một cách có hệ thống, dễ tìm kiếm.
Hảo cũng lập ra trang web biendaoquehuong.info có các trò chơi tìm hiểu về biển đảo.
Không chỉ đam mê tin học, sáng tạo ra các phần mềm, Hảo còn được biết đến là một học sinh giỏi toàn diện 6 năm liền.
Cậu còn là sinh viên của Trường đại học FPT khi giành được học bổng từ các cuộc thi. Cậu cho biết đang được học rất nhiều về các kiến thức tin học, lập trình, viết phần mềm...
"Em chỉ tranh thủ mày mò vào lúc rảnh rỗi như một cách để thỏa mãn sở thích của bản thân. Thời gian còn lại em vẫn dành cho việc học trên lớp và phụ giúp mẹ việc vặt trong nhà", Hảo nói.