Tham vấn về định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông

GD&TĐ - Trong 2 ngày 17-18/2, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT) tổ chức Hội thảo “Tham vấn chuyên môn về định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu mới”.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet
Với Hội thảo này, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục mong muốn làm rõ hơn các quy định trong dự thảo Thông tư và trao đổi, thảo luận với các địa phương để việc triển khai xin ý kiến các đối tượng tác động trực tiếp của Thông tư được thực hiện một cách hiệu quả, chất lượng, đảm bảo sau khi ban hành, Thông tư thực sự đi vào đời sống.

Đây là Hội thảo chuyên môn được Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tổ chức để tham vấn ý kiến của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các chuyên gia trong và ngoài ngành đối với các quy định về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, nhằm hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo Thông tư có cơ sở để nghiên cứu, đánh giá tác động của những nội dung dự kiến điều chỉnh trong dự thảo Thông tư đối với các cá nhân, đơn vị chịu tác động trực tiếp của Thông tư.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Địa điểm tổ chức trực tiếp tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tham dự chủ trì Hội thảo có lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục và đại diện Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ.

Các đại biểu phía địa phương tham dự Hội thảo gồm: đại diện phòng Tổ chức cán bộ (hoặc phòng Tổ chức hành chính, phòng Tổ chức chính trị tư tưởng…trong trường hợp đã sáp nhập các phòng chuyên môn thuộc Sở); đại diện Sở Nội vụ và Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Đây là những đầu mối trực tiếp phụ trách, tham mưu cho các địa phương về công tác quản lý vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, tham dự của gần 300 đại biểu của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Trong hai ngày Hội thảo, trên cơ sở báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục về những nội dung cơ bản và một số điểm mới trong quy định về vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về:

Những điều chỉnh trong quy định về danh mục vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo dự thảo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; những khó khăn/thuận lợi của địa phương, cơ sở giáo dục nếu thực hiện các quy định theo dự thảo Thông tư; Những nội dung cụ thể góp ý, hoàn thiện dự thảo Thông tư.

Tại hội thảo, ông Lê Kim Quí - Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã chia sẻ cách thức chỉ đạo, tổ chức, quản lý về vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua và các số liệu minh chứng chi tiết để các địa phương tham khảo, đồng thời có góp ý cụ thể đối với quy định về định mức giáo viên/lớp từ thực tế triển khai của Thanh Hóa.

Là địa bàn tỉnh có nhiều đặc thù của vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, các đại biểu của tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Yên Bái đề nghị Ban soạn thảo Thông tư và Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cần tiếp tục khảo sát sâu ở một số địa phương theo khu vực và những cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ và rất khỏ để đảm bảo hoàn thiện phương án tính định mức giáo viên phù hợp.

Nhiều địa phương cũng kiến nghị về những khó khăn khi triển khai thực hiện quy định về số lượng cấp phó trong đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là đối với các trường THPT và các trường phổ thông liên cấp có quy mô lớn.

Các đại biểu đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ tổng hợp ý kiến của các địa phương, báo cáo Chính phủ để sửa đổi Nghị định đảm bảo phù hợp. Các nội dung chuyên môn khác liên quan đến dự thảo Thông tư cũng được các đại biểu trao đổi, thảo luận sôi nổi.

Phát biểu chỉ đạo và tổng kết Hội thảo, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - khẳng định sẽ chỉ đạo Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các địa phương và tiếp tục khảo sát, đánh giá kỹ các phương án để trình lãnh đạo Bộ phương án phù hợp nhất hoàn thiện Thông tư.

Trước đó, ngày 21/1, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kí công văn số 247/BGD ĐT-NGCBQLGD gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.