Tham vấn học đường - đòi hỏi cả năng lực và phẩm chất của GV

GD&TĐ - Theo các chuyên gia tham vấn học đường là hoạt động cần thiết nhằm hỗ trợ HS giải quyết các khó khăn trong đời sống tâm lý một cách hiệu quả. Đồng thời, giúp phòng ngừa những tác động tiêu cực có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và học tập của học sinh.

Giáo viên đang thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường cho HS phổ thông. Ảnh minh họa
Giáo viên đang thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường cho HS phổ thông. Ảnh minh họa

Mắt xích quan trọng

Theo thạc sỹ Trần Thị Thu Vân - Trường Đại học Văn Hiến, việc một số HS ở trường phổ thông có các khó khăn về mặt tâm lý là điều khó tránh khỏi. Các khó khăn này rất đa dạng liên quan đến nhiều vấn đề từ học tập, tình bạn, tình yêu, quan hệ thầy trò đến các vấn đề trong gia đình của HS.

Một số trường hợp, thầy cô giáo dễ dàng nhận diện và tìm kiếm sự hỗ trợ của những người liên quan như: cha mẹ, giáo viên chủ nhiệm, nhà tham vấn học đường (nếu có)… và HS nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, không ít các trường hợp, trẻ có khó khăn về tinh thần, nhưng giáo viên (GV) giảng dạy không thể nhận diện, hoặc đánh đồng với các yếu tố liên quan đến tính cách hay sự thay đổi môi trường, áp lực học tập, thi cử…

Do đó, thạc sỹ Trần Thị Thu Vân cho rằng, có thể xem GV là mắt xích quan trọng trong mô hình tham vấn học đường. Ở từng trường học cụ thể cần nhấn mạnh điều này và giúp GV hiểu tầm quan trọng của tham vấn học đường trong việc giáo dục con người. Ngoài ra, khi chuyển cấp, ngoài việc chuyển giao kết quả học tập, quá trình rèn luyện, nên chăng các vấn đề về tâm lý của HS cũng được “chuyển tiếp” để các hệ thống giáo dục có thể tiếp tục theo dõi và giúp đỡ kịp thời. Tuy nhiên cần lường trước các vấn đề liên quan đến “dán nhãn”, sự bàn tán không hay… tạo nên những bất lợi trong quá trình phát triển và học tập của HS.

 

Trong trường học, GV cũng là lực lượng tiếp xúc thường xuyên, gần gũi với HS nhất, và cũng có thể là những người có chức năng sàng lọc bước đầu, cung cấp những thông tin có giá trị cho nhà tham vấn học đường hay nhà trị liệu tâm lý, bác sĩ tâm thần khi cần thiết.

 
Thạc sỹ Trần Thị Thu Vân

Cũng theo thạc sỹ Trần Thị Thu Vân, việc một GV có những quan hệ thân thiết với học trò, trao đổi những vấn đề riêng tư nhất có những ảnh hưởng rất lớn đối với tâm lý HS. Mối quan hệ ấy đôi lúc là chỗ dựa, là sự hỗ trợ quý giá đối với HS. Đồng thời, nó cũng tạo ra sự phụ thuộc và làm thay đổi tính chất mối quan hệ thầy trò. Đây cũng là một yếu tố các GV cần được biết, cần được hỗ trợ để thuận tiện hơn trong quá trình xử lý tình huống, đặc biệt đối với những trường hợp liên quan đến sức khỏe tâm thần của HS. Trong đó làm việc với gia đình là vấn đề cốt yếu, là nền tảng quan trọng đối với quá trình hỗ trợ tâm lý.

Từ nghiên cứu thực tế của mình, thạc sỹ Phan Minh Phương Thùy - Khoa Tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhận thấy, HS THPT nhận biết được những vấn đề các em cần được tham vấn, trong đó nhu cầu được tham vấn về phương pháp học, chọn ngành, chọn trường sao cho phù hợp với bản thân là cao nhất. Bên cạnh đó, để biết cách giữ gìn sức khỏe tinh thần để vượt qua áp lực thi cử, tránh bị mất ngủ, rối loạn lo âu, stress… các em cũng cần được chuyên viên tâm lý hỗ trợ.

Ngoài ra, HS hiện nay cũng rất quan tâm đến việc giải quyết những vấn đề liên quan đến cảm xúc - giới tính như: làm thế nào để tránh khỏi tình trạng giận quá mất khôn hay vượt qua nỗi lo âu về xu hướng giới tính của mình... Những vấn đề liên quan đến các mối quan hệ như bạn bè, gia đình và thầy cô, HS ít cần đến sự hỗ trợ của chuyên viên tâm lý hơn.

Trang bị kỹ năng - yêu cầu thiết yếu

Theo thạc sỹ Phan Minh Phương Thùy, công tác tham vấn học đường phụ thuộc chủ yếu vào GV tư vấn, không chỉ ở mặt năng lực mà hơn đó là phẩm chất. Mặt khác, nhu cầu được hỗ trợ của HS tạo động cơ tích cực để các em đến gặp chuyên viên tâm lý, góp phần thúc đẩy hoạt động tham vấn hiệu quả hơn. Nếu việc đến gặp chuyên viên tâm lý không phải do HS tự nguyện, mà do phụ huynh, GV chủ nhiệm, hoặc giám thị dẫn lên thì HS thường có xu hướng bất hợp tác, gây không ít khó khăn cho công tác tham vấn.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp HS không tìm đến chuyên viên tâm lý để được hỗ trợ là do các em chưa hiểu rõ được chức năng của phòng tham vấn tâm lý tại trường, thậm chí có một số em cho rằng, phòng tham vấn chính là “sân sau” của phòng giám thị, hoặc HS nào bị “bệnh tâm lý” mới phải đến gặp chuyên viên tâm lý. Mặt khác, thời gian hoạt động của phòng tham vấn cũng ảnh hưởng đến việc các em liên hệ. Tối ưu là buổi học nào cũng có chuyên viên tâm lý trực tại trường, để các em có nhiều cơ hội nhận được sự hỗ trợ tâm lý. Nhìn chung, để HS hiểu rõ hơn về công tác hỗ trợ tâm lý cũng như nắm đầy đủ thông tin hoạt động của phòng tham vấn tại trường thì cần chú trọng công tác truyền thông đến HS qua nhiều kênh khác nhau.

Cũng xuất phát từ thực tế, thạc sỹ Phạm Thanh Bình và thạc sỹ Cao Văn Quang – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đối với nhà tham vấn cần đáp ứng các điều kiện như: Thứ nhất, hiểu biết về lĩnh vực tham vấn nghề. Đó là những hiểu biết về những đặc trưng của tham vấn nghề, những khó khăn mà HS thường gặp phải trong việc xác định nghề cho bản thân. Đồng thời NTV biết thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và những giới hạn của tham vấn nghề.

Thứ hai, có kiến thức và kĩ năng tham vấn. Đó là: các kĩ năng thiết lập mối quan hệ; lắng nghe; thấu hiểu; chia sẻ; quan sát; phản hồi; khai thác thông tin; phân tích, đánh giá thông tin; sử dụng các trắc nghiệm tâm lý; quản lí thời gian; tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lí HS.

Thứ ba: Có hiểu biết về hệ thống ngành nghề đào tạo trong xã hội, xu thế phát triển xã hội và nhu cầu thị trường lao động. Hiểu biết về hệ thống ngành nghề đào tạo, các nghề truyền thống ở Việt Nam. Hiểu biết về đặc điểm, yêu cầu của ngành nghề đào tạo và xu thế phát triển của các ngành nghề trong xã hội. NTV ngoài những hiểu biết nêu trên thì cần phải có hiểu biết về các vấn đề xã hội như kinh tế, văn hóa… đây chính là những thông tin quan trọng trong việc định hướng nghề cho HS.

Thứ tư: Yêu thích, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc tham vấn. Tham vấn nghề đòi hỏi có thời gian, dành sự tâm huyết đối với nghề mới đem lại hiệu quả cao. Sự nhiệt tình hay yêu thích công việc như một khía cạnh của đặc điểm nhân cách mà người trợ giúp cần có để thực hiện công việc này có kết quả. Như vậy, hiệu quả của tham vấn nghề luôn gắn với sự say mê, yêu thích công việc trong việc tham vấn nghề cho HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ