Thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

GD&TĐ - Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 6, chiều 21/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp.

Thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp thứ 6 của Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội

Theo Dự thảo tờ trình của Chính phủ, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sửa đổi, bổ sung 31 điều/73 điều (42%); giữ nguyên 42 điều. Dự thảo Luật đã bao quát hết các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật GDĐH năm 2012 và được tích hợp trong 04 chính sách cần sửa đổi, bổ sung bao gồm: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; đổi mới quản trị đại học; đổi mới quản lý đào tạo; đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trong điều kiện tự chủ đại học.

Việc hoàn thiện khung pháp lý về GDĐH tạo ra sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác trong toàn hệ thống để huy động mọi nguồn lực phát triển GDĐH, nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước; đổi mới quản lý nhà nước, đổi mới quản trị đại học, quản lý đào tạo tiệm cận các chuẩn quốc tế; tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH cạnh tranh bình đẳng, phát huy nội lực, linh hoạt, sáng tạo để nâng cao chất lượng GDĐH.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGDTNTNNĐ cơ bản nhất trí với quan điểm sửa đổi, bổ sung, phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật. Tuy nhiên, về phạm vi sửa đổi vẫn có hai luồng ý kiến khác nhau, một loại ý kiến tán thành với việc rà soát toàn diện nhưng lựa chọn một số vấn đề cốt lõi để sửa đổi, bổ sung như Tờ trình của Chính phủ; loại ý kiến khác đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi Luật một cách căn cơ hơn để thực sự tạo ra những chuyển biến trong thực tiễn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật GDĐH

Thẩm tra của Ủy ban còn tập trung phân tích và đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát 7 vấn đề của dự thảo Luật bao gồm: Hệ thống GDĐH; quản trị và tự chủ của cơ sở giáo dục đại học; quản lý đào tạo; tài chính, tài sản; đại học tư thục; quản lý nhà nước về GDĐH; chức danh, chính sách giảng viên.

Thảo luận trực tiếp tại phiên họp, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn về thành phần hội đồng trường đảm bảo phù hợp với thực tế; quy định số giờ giảng phù hợp với đặc thù của từng trường; trách nhiệm của Hiệu trưởng trong việc công khai, minh bạch quá trình, kết quả đào tạo cho cán bộ, giảng viên, người lao động theo định kỳ hàng năm; quy định rõ yêu cầu về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ giảng viên; vai trò của đại học vùng…

Thay mặt Ban soạn thảo Luật GĐĐH, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tiếp thu, giải trình một số nội dung trong báo cáo thẩm tra và ý kiến trực tiếp của đại biểu. Bộ trưởng nhấn mạnh, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình lên Quốc hội kỳ họp tới.

Kết thúc phiên họp, các thành viên Ủy ban VHGDTNTNNĐ đã biểu quyết thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nguyên tên của dự án Luật là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học”.

Theo Trung tâm Truyền thông giáo dục

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.