Động lực để các trường sư phạm nâng cao chất lượng đào tạo

GD&TĐ - Theo GS.TS Phạm Hồng Quang  - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, bộ dự thảo chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm (GVSP) mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng, xin ý kiến đóng góp, khi ban hành, đưa vào áp dụng sẽ góp phần chuẩn hóa đội ngũ GVSP và cán bộ QLGD.

Động lực để các trường sư phạm nâng cao chất lượng đào tạo

Bộ chuẩn nghề nghiệp trong sứ mạng mới của nhà trường sư phạm

Thưa ông, công cuộc đổi mới GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCHT.Ư Đảng khóa XI đã hình thành rõ nét những công tác cần làm, những lĩnh vực cần ưu tiên tập trung triển khai; Ngành cũng đang tập trung chuẩn bị những điều kiện để đưa Chương trình SGK giáo dục phổ thông mới vào giảng dạy theo Nghị quyết của Quốc hội, vậy xin ông cho biết vai trò, sứ mạng của các trường đại học sư phạm hiện có những thay đổi như thế nào để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay?

Vai trò sứ mạng của các trường sư phạm đã có sự thay đổi

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, tạo sự đồng bộ giữa chuẩn GVSP với các bộ chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên phổ thông, và nhất là bộ chuẩn nghề nghiệp GVSP tạo được sự tương tác cần thiết trong tái cấu trúc các trường sư phạm hiện nay. 

hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Những điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình phổ thông mới là xây dựng đội ngũ GVSP thực sự có chất lượng, từ đội ngũ này, các trường sư phạm sẽ có một chương trình đào tạo tốt và các điều kiện đảm bảo chất lượng. Có thể nhận thấy điều kiện về chất lượng đội ngũ giảng viên là căn cốt trong công tác bồi dưỡng, đào tạo giáo viên trong các nhà trường sư phạm.

Những điều kiện đảm bảo chất lượng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và điều quan trọng hiện nay là chuyển mục tiêu của trường sư phạm từ trọng tâm là đào tạo sang trọng tâm là bồi dưỡng giáo viên, nhiệm vụ này đòi hỏi thường xuyên và liên tục trong thời gian tới khi đưa chương trình giáo dục phổ thông mới vào giảng dạy.

Các trường sư phạm để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu mới của giáo dục phổ thông, trước hết phải đặt trọng tâm vào nhiệm vụ chuẩn hóa đội ngũ GVSP. Thực hiện mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 29 là đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng, chuẩn hoá, hiện đại hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế, nên việc ban hành bộ chuẩn nghề nghiệp GVSP là nằm trong chuỗi các điều kiện để nâng cao chất lượng, cùng với các bộ chuẩn hiệu trưởng trường đại học, chuẩn hiệu trưởng và giáo viên phổ thông… Có thể nói đây là một hướng đi tiếp cận khoa học, có hệ thống của ngành nhằm chuẩn hoá, hiện đại hoá.

Tính đặc thù của chuẩn GVSP

Theo ông, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi ở giảng viên những năng lực, phẩm chất như thế nào để đào tạo ra thế hệ thầy giáo, cô giáo đáp ứng được yêu cầu giảng dạy theo mục tiêu giáo dục đổi mới được Nghị quyết số 29 đưa ra?

GS.TS Phạm Hồng Quang  - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên

Trong bối canh hiện nay, năng lực phẩm chất của người GVSP đòi hỏi có nhiều nét mới. Đó là bên cạnh những năng lực phẩm chất đã được xác định trong Luật giáo dục, Luật giáo dục Đại học và trong những thông tư, nghị định khác thì cần nhìn nhận những năng lực, phẩm chất của người GVSP có những nét riêng, trước hết người GVSP phải là nhà khoa học. Nhà khoa học này có đặc trưng sáng tạo, tư duy phản biện và tác động hướng dẫn với những tố chất gắn liền với năng lực và phẩm chất của nhà sư phạm, đó là chức năng sáng tạo, phản biện và giáo dục là 3 chức năng quan trọng của một nhà khoa học.

Người GVSP cần hội tụ đầy đủ nhân cách nhà khoa học và nhân cách nhà sư phạm, và còn được gắn kết trách nhiệm như trong hoạt động của nhà văn hoá, nhà hoạt động xã hội. Điều này có ý nghĩa tác động xã hội mạnh bởi ảnh hưởng của quan hệ giữa người với người là quan hệ rất đặc trưng của nghề sư phạm. Hoạt động giảng dạy và NCKH của người GVSP chủ yếu diễn ra trong mối quan hệ giữa giảng viên với giảng viên, giảng viên với sinh viên, với xã hội… kết quả hoạt động này có sức lan tỏa rộng lớn. GVSP trước hết phải có năng lực nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt là khoa học giáo dục, điều này có vai trò tác động hỗ trợ sinh viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, nội dung chương trình cũng như nhiều nội dung khác đối với giáo viên phổ thông, có thể gọi là cái và cách phải tác động đồng thời.

Điểm nhất đối với chuẩn năng lực GVSP là phải có khả năng phát triển, xây dựng môi trường giáo dục dân chủ. Đây là yêu cầu quan trọng vì chính nhà sư phạm phải tạo ra xung quanh mình môi trường sư phạm, có trí tuệ, dân chủ và đây là điểm mới trong khung năng lực GVSP. Tiếp đó, người thầy sư phạm phải thể hiện rõ nét năng lực phát triển các mối quan hệ xã hội. Trong bản dự thảo chuẩn GVSP đã nhấn mạnh điều này, thể hiện trách nhiệm, phạm vi ảnh hưởng của người GVSP không chỉ trong trường sư phạm mà còn ở ngoài nhà trường.

Ngoài ra yếu tố phẩm chất của người GVSP đã được bộ chuẩn nhấn mạnh trong phẩm chất chính trị của người giảng viên trong giai đoạn mới chính là những chỉ tiêu định tính quan trọng. Tuy nhiên, trong xây dựng chuẩn đã hướng đến việc thực hiện ở những mức khác nhau: mức đạt, mức khá, mức tốt. Như vậy, khi nhìn vào năng lực, phẩm chất của các thế hệ nhà giáo, đặc biệt là GVSP đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29 thì các mức độ yếu tố phẩm chất chính trị với các mức trên là một yêu cầu cao, tiệm cận với những yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đế đánh giá những năng lực, phẩm chất ấy, Bộ GD&ĐT đang dự thảo quy định chuẩn nghề nghiệp GVSP. Ông đánh giá như thế nào về bản dự thảo này và sự cần thiết phải ban hành quy định này trong bối cảnh hiện nay?

Yêu cầu căn cốt của phẩm chất năng lực người giảng viên đã được luật hóa. Nhưng cho đến thời điểm này rất cần sự cụ thể hóa yêu cầu, phẩm chất và năng lực đối với GVSP. Nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến đã có bộ chuẩn khung năng lực cốt lõi cho GVSP. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo quy định chuẩn nghề nghiệp GVSP là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 29 đề ra là cần phải hướng đến chuẩn hóa, hiện đại hóa đội ngũ.

Sự cần thiết nữa khi ban hành chuẩn GVSP là trong hoạt động thực tiễn, GVSP căn cứ vào những yêu cầu, các mức khác nhau, cấu trúc của chuẩn và thực tiễn môi trường hoạt động nghề nghiệp để phấn đấu, vươn lên, đây là yêu cầu cần thiết vì chỉ với khuyến nghị, chuẩn chung thì GVSP rất khó để phấn đấu, đáp ứng yêu cầu công việc.

Cuối cùng là trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh yêu cầu đổi mới tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ở các cấp quản lý chuyên môn, thì việc hướng đến chuẩn hoá đội ngũ dựa trên khung năng lực, mà chúng ta gọi là chuẩn, là điều rất cần thiết để ngành Giáo dục đổi mới CCHC theo chỉ đạo của Chính phủ.

Nữ sinh Sư phạm
 Nữ sinh Sư phạm

Tạo động lực lớn cho các trường sư phạm

Theo ông, bản dự thảo chuẩn nghề nghiệp GVSP có ảnh hưởng tích cực như thế nào đối với giảng viên, đối với các nhà trường sư phạm hiện nay và cả công tác tái cơ cấu các trường sư phạm để đáp ứng đòi hỏi về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong bối cảnh hiện nay?

Dự thảo chuẩn nghề nghiệp GVSP nếu triển khai thành công trong thực tiễn sẽ có những tác dụng như sau: Với GVSP, bộ chuẩn nghề nghiệp và những tiêu chí sẽ là yêu cầu để giảng viên tự soi, tự sửa, phấn đấu vươn lên tự hoàn thiện mình, ít nhiều có sự tự phấn đấu để đổi mới. Về góc độ quản lý, có thể nói chuẩn hướng đến việc thuận lợi trong công tác xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giảng viên. Công tác này cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay đối với các nhà trường sư phạm.

Đối với sinh viên, họ nhìn vào bộ chuẩn nghề nghiệp của người thầy sư phạm, hoặc đối với người giáo viên phổ thông, môi trường trong tương lai của mình khi tốt nghiệp ra trường, sẽ thấy được mối quan hệ tương tác cần thiết giữa hai môi trường, chuẩn nghề nghiệp. Và đặc biệt là sự tương tác cần thiết là tái cấu trúc các trường sư phạm, qua bộ chuẩn và trên cơ sở đánh giá hàng năm, có thể xác định được tiềm lực chất lượng của từng trường, đội ngũ giảng viên để tăng thêm về mặt định tính cũng như chất lượng thực góp phần đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong bối cảnh hiện nay.

Từ thực tế quản lý, ông có thể chia sẻ đâu là những rào cản khi đưa bản dự thảo quy định chuẩn nghề nghiệp GVSP vào triển khai, thực hiện? Và các cơ sở đào tạo giáo viên, các cấp quản lý cần chuẩn bị những điều kiện như thế nào?

Thách thức lớn nhất hiện nay là giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu cần phải lượng hóa giữa các chuẩn với các chỉ số, những tiêu chí định tính trong dự thảo chuẩn. Đơn cử như: năng lực nghiên cứu khoa học đã được lượng hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đã được lượng hóa. Tuy nhiên có những tiêu chuẩn như phẩm chất nghề nghiệp, năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, năng lực phát triển các mối quan hệ xã hội thì việc định lượng là tương đối khó khăn. Tuy nhiên, sẽ cố gắng mô tả mức phát triển năng lực từ mức đạt, khá, tốt sẽ khắc phục được điều này.

Tiếp đó là những rào cản về tâm lý, và nhận thức của giảng viên cũng còn băn khoăn giữa đánh giá để phấn đấu, đánh giá để phân loại. Một điều phải khẳng định rằng mục đích của việc ban hành bộ chuẩn nghề nghiệp GVSP lần này không phải là để đánh giá, xếp loại theo kiểu thi đua, thành tích cuối năm. Mục đích ban hành chuẩn nghề nghiệp là để GVSP soi chiếu và từ đó, tự phấn đấu theo những yêu cầu trong bảng hướng dẫn của bộ chuẩn.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...