Nước mắt chan cơm
Nậm Nhùn là huyện còn non trẻ, được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Mường Tè - huyện rộng nhất và khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Ở Nậm Nhùn tất cả các xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, song có lẽ Nậm Chà là xã khó khăn hơn cả bởi xa trung tâm huyện lỵ tới hơn 60km, giao thông không thuận tiện.
Công tác trong ngành Giáo dục ở vùng đất đầy khó khăn này, giáo viên mầm non cắm bản là những người gian nan nhất. Theo chân cô giáo Đinh Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Chà chúng tôi đi hết các bản trong xã. Thật lạ là các điểm bản nằm khá gần nhau, chỉ cách xa nhau chừng “ba con dao quăng”, thậm chí nhìn thấy nhau phía bên kia sườn núi, song đi xe máy cũng mất nửa ngày mới tới nơi. Hai lớp học ở điểm bản Huổi Lính A, B là như vậy.
Bản Huổi Lính A nằm cheo leo trên đỉnh núi cao cả nghìn mét, dựng đứng, là nơi sinh sống của 18 hộ người Mông. Ở điểm bản này có lớp học mầm non ghép 3 độ tuổi (3 - 5 tuổi), nằm cheo leo bên sườn núi, do cô giáo Khoàng Hà Pơ giảng dạy. Điểm bản cách xa trung tâm xã chừng 10 cây số, học sinh mầm non không ra lớp được nên phải dựng lớp ở bản để các em tiện đi học. Nói là thuận tiện, nhưng từ nhà học sinh đến lớp cũng xa chừng vài cây số.
Cô giáo Đinh Thị Kim Dung (bên phải) đến thăm, động viên giáo viên cắm bản |
Hàng ngày, cô Pơ vừa dạy chữ, vừa chăm nom gần 20 học sinh như một bảo mẫu. Đường đi lối lại khó khăn, nên thực phẩm đặt mua theo chế độ ăn bán trú cho các cháu vùng cao, một tuần cũng chỉ chuyển đến được vài ba lần, mà thường là đồ ăn được chế biến sẵn mới có thể lưu trữ được lâu. Chính vì thế, mỗi khi mưa lũ tắc đường, giao thông tê liệt thì cô Pơ lại cùng phụ huynh học sinh lên rừng hái măng, tìm nấm. Củ quả kiếm được trên rừng được coi là món ăn tươi cho các học trò.
“Cũng bởi yêu nghề dạy học từ lâu rồi nên em không cảm thấy nề hà gì khi chăm sóc các cháu cả. Lớp thì đông, vừa dạy học, vừa chăm sóc, vừa tự nấu cơm, cho các cháu ăn, ngủ... nhưng em luôn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc với điều này’, cô Khoàng Hà Pơ chia sẻ.
Hằng ngày, khi trời chiều buông xuống, chỉ còn lại một mình quanh bốn bức vách của cái lán nhỏ do bà con dựng tạm để trú nắng, trú mưa, cô Pơ tranh thủ làm đồ chơi để làm đạo cụ cho bài giảng ngày hôm sau. Đó cũng là cách để thời gian trôi đi nhanh hơn, cô bớt cô đơn và nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ con.
Gia đình cô Pơ ở bản Mù Cả, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cách trường ngót nghét 300km. Sinh con được tròn 6 tháng, cô phải nén lòng nhờ bố mẹ và chồng chăm con gái để quay về với các học trò nhỏ. Hiện nay, khi con gái đã gần 2 tuổi, nhưng số lần về thăm con cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhân mỗi dịp lễ, Tết hay nghỉ hè.
Những gì còn sót lại của một lớp học cách đây mấy năm ở điểm bản Huổi Lính A |
Cuộc sống cứ thế trôi đi. Cô Pơ vẫn cứ côi cút một mình một mâm cơm. Đã bao lần nước mắt chan cơm vì cảm giác cô quạnh giữa núi rừng và cảm giác nhớ con, nhớ người thân.
“Mỗi lần nghe đến chuyện con ốm, con đau khi trái nắng trở trời. Rồi mỗi lần được về thăm, chỉ muốn chạy đến ôm trầm lấy con vào lòng rồi khóc vì thương, vì nhớ thôi. Nhưng em buồn nhất và đau lòng nhất là mỗi lần về, mẹ cứ đuổi theo để ôm lấy con thì con lại không chịu nhận mẹ. Cháu cứ khóc ré lên rồi ôm lấy ông bà để lẩn tránh. Ở nhà được vài ngày, khi con quen hơi thì em lại phải lên trường...”, cô Pơ òa khóc như một đứa trẻ. Tiếng cô nấc nghẹn hồi dài.
Nhớ chồng, thương con vì không được thực hiện bổn phận của người vợ, người mẹ mỗi ngày, nhiều lúc cô Pơ đã nghĩ đến việc bỏ lại tất cả để trở về bên mái ấm. Song cứ nghĩ đến những lá đơn nguệch ngoạc do dân bản thảo sẵn xin cô ở lại, nghĩ đến những đứa trẻ người Mông mặt mũi lấm lem cô chẳng đành lòng bước đi...
“Ánh sáng” nhỏ...
Phía bên kia sườn núi, lọt thỏm dưới một cái khe suối sâu là một lớp học thuộc điểm bản Huổi Lính B, Trường Mầm non Nậm Chà, nơi cô giáo Vàng Thị Máy giảng dạy. Đó là một lớp học ghép 30 học sinh con em đồng bào Mông ở 3 độ tuổi (3, 4 và 5 tuổi).
Là cô giáo trẻ mới ra trường, cô Vàng Thị Máy tình nguyện đi cắm bản ở điểm trường khó khăn nhất. Ở đây không có đường xuống điểm trường, không có điện và cũng chẳng có sóng điện thoại. Muốn liên lạc với người thân, cô Máy phải đi dò sóng ở một vài vị trí nhất định. Lúc ở ngay cửa lớp, khi thì lên đỉnh đồi, mà cũng có khi phải leo lên cành cây dò sóng để liên lạc về nhà. Mấy chục hộ người Mông ở đây chỉ sử dụng điện nước. Đầu mỗi buổi sáng, khi cô Máy lên bản gọi học sinh đến lớp thì tranh thủ mang chiếc đèn tích điện và cả điện thoại đến nhà dân để sạc nhờ.
Cô Khoàng Hà Pơ một mình vừa dạy dỗ, vừa chăm sóc cho gần 20 trẻ ở một lớp ghép 3 độ tuổi |
Hôm nào gọi rồi mà học sinh vẫn không đến lớp thì buổi tối lại lọ mọ băng rừng, vượt núi đến tận nhà để gặp phụ huynh tuyên truyền, vận động. Chẳng ngại rắn rết, không nề hà vất vả, bên ánh đèn leo lét cô Máy cứ thế đi suốt bao ngày tháng, chỉ mong sao học sinh đến lớp đông đủ. Phần cũng bởi một mình một bản, buổi tối đến nói chuyện với phụ huynh học sinh như để tìm đối tượng giao tiếp cho vơi đi nỗi cô đơn, hoang vắng trong lớp học giữa đại ngàn.
Ngọn đèn leo lét không chỉ rọi đường cho cô Máy đi giữa rừng đêm đen đặc quánh ở miền núi cao Tây Bắc, mà còn là biểu trưng cho ánh sáng của con chữ mà cô mang đến cho các cháu nhỏ và đồng bào người Mông ở đây.
Ngày lại ngày, cô trò quây quần bên nhau vui vẻ. Cô Máy vừa dạy chữ, dạy múa, tập hát, vừa chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho 30 em học sinh. Bao nhiêu vất vả, nhọc nhằn một mình cô vượt qua tất cả. Tuy thế, cô vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp dạy dỗ các em.
Khi màn đêm buông xuống, cả điểm trường chìm trong hoang sơ, tĩnh lặng. Nỗi sợ hãi không tên giữa mưa rừng, gió núi khiến nhiều đêm cô không thể chợp mắt. Nhớ nhà, nhớ người thân, cứ đêm về cô Máy lại lăm lăm trên tay chiếc điện thoại ngoài vùng phủ sóng, chui vào chăn xem lại ảnh kỷ niệm với bạn bè, bố mẹ. Cũng có khi lại nghe nhạc cho bớt cô quạnh.
“Nhiều lúc ốm, mệt em chỉ muốn được bố mẹ vỗ về như hồi còn nhỏ. Mỗi lúc buồn, em chỉ muốn bấm máy gọi về để tâm sự với mẹ, nhưng chẳng được vì không có sóng. Thế nên cứ phải đợi hôm nào thời tiết đẹp, chạy ra hứng được sóng là gọi. Chứ không thì quanh năm chỉ nghe tiếng suối chảy, thú rừng kêu, buồn lắm!”, cô Vàng Thị Máy tâm sự.
Cô giáo như mẹ hiền |
Cô giáo Đinh Thị Kim Dung, cho biết; Trường Mầm non Nậm Chà có 28 cán bộ giáo viên, phần lớn đều là người dưới xuôi lên đây gieo chữ, xa gia đình, người thân. Trách nhiệm làm mẹ, làm vợ, làm con... giờ đây các cô chưa thể vẹn toàn, bởi vẫn còn nhiều trẻ em dân tộc ít người đang khát chữ. Bởi thế, ngày tiếp ngày, đêm nối đêm, các cô vẫn thầm lặng vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả, chấp nhận hy sinh tuổi xuân của mình, thầm lặng cống hiến cho giáo dục vùng cao.
Chia tay hai cô giáo ở điểm bản Huổi Lính A, B, trên đường trở về điểm trường trung tâm trong bóng tối mờ mịt mà lòng nặng trĩu. Chiếc xe máy cứ gầm rú liên hồi, phanh kêu kin kít vì phải tụt từ trên đỉnh của dãy núi cao xuống chân núi. Cô Dung không tỏ vẻ sợ hãi mỗi khi gặp những tình huống nguy hiểm bởi đã quá quen. Vừa đi, cô vừa kể về câu chuyện của những giáo viên cắm bản. Kể cả câu chuyện về bản thân mà đến tận bây giờ cô vẫn không tha thứ cho bản thân.
Mấy năm trước, lúc đó còn khó khăn lắm. Sóng điện thoại không có. Gia đình muốn liên lạc thì phải gọi bằng máy cố định lên trường, rồi trường lại nhắn bằng lời nhờ dân bản đi ngựa đến điểm bản để báo lại. Thế nên hồi đó, khi nhận được thông tin từ gia đình báo lên: “Con phải về Phú Thọ ngay, bố đang ốm”.
Từ lúc nhà gọi điện báo tin lên trường đến khi em biết tin cũng chừng 3 ngày. Trải qua hai ngày nữa di chuyển về quê, lúc đó bố em đã mất được ba ngày. Em chỉ biết ra mộ bố, ôm đống đất mới đắp lên rồi khóc không thành tiếng. Em cứ trách bản thân đã bất hiếu với bố lúc tuổi già và không thể tha thứ cho mình được.