Gửi thanh xuân trên vùng đất khó

GD&TĐ - 24 năm trong nghề dạy học là ngần ấy thời gian cô giáo Nguyễn Thị Tiến gắn bó với các điểm trường khó ở mảnh đất Quản Bạ - Hà Giang. 

Cô Nguyễn Thị Tiến cùng HS. Ảnh: Hà Anh
Cô Nguyễn Thị Tiến cùng HS. Ảnh: Hà Anh

Cả thanh xuân trải qua thử thách nơi rừng sâu núi thẳm nhưng “lửa” nghề của cô Tiến chẳng khi nào vơi. Với cô, được gắn bó với nghề giáo, hàng ngày truyền dạy cái chữ, con số cho những học sinh dân tộc là niềm hạnh phúc lớn lao suốt cuộc đời. 

Gieo chữ trên miền đất khó

Tốt nghiệp THPT, cô Nguyễn Thị Tiến theo học chương trình sơ cấp 9+1 và trở thành giáo viên tại huyện Quản Bạ - Hà Giang. Điểm trường Cán Hồ, Trường TH Thái An, xã Thái An là nơi đầu tiên cô đặt chân tới dạy học. Đây cũng là điểm trường khó khăn bậc nhất huyện Quản Bạ.

Thời điểm cô Tiến nhận nhiệm vụ dạy học tại điểm trường Cán Hồ cũng là lúc xã Thái An bắt đầu mở lớp. Số HS tự nguyện đi học chỉ vẻn vẹn 8 em. Không để tình trạng có lớp mà HS vẫn mù chữ, cô kiên nhẫn đến từng gia đình trong xã vận động người dân cho con em đi học. Sau biết bao công sức, cuối cùng sĩ số lớp học cũng lên được 22 HS.

Cô Tiến vẫn nhớ như in, những buổi đầu vận động HS tới lớp: Nhìn thấy bóng cô từ xa lập tức phụ huynh đóng chặt cửa không cho vào vì biết cô đi vận động cho trẻ đi học. Cô Tiến có gọi hết hơi, khản cổ bà con vẫn nhất định không thưa và coi như không biết. Cô phải giả vờ lánh sang chỗ khác, bà con tưởng cô đi rồi mới mở cửa thì cô lại xuất hiện.

Vào được đến nhà, việc vận động cũng chẳng dễ dàng khi 100% bà con là người Mông, khả năng nghe và nói tiếng phổ thông kém. Cô phải vận dụng hết vốn liếng tiếng Mông của mình, kết hợp với ra kí hiệu để giải thích, tuyên truyền cho bà con hiểu.

Nhiều phụ huynh dù cô thuyết phục đến 5 - 6 lần vẫn nói: “Con đi học cũng ăn cơm, không đi học cũng ăn cơm. Vậy việc gì phải cho đi học. Để con ở nhà để phụ giúp cha mẹ, thậm chí lên nương rẫy lao động kiếm sống”. Có phụ huynh lần nào đến nhà vận động cũng gật đầu, hứa hẹn ngày mai cho con đến lớp nhưng ngày này sang ngày khác vẫn không thấy trẻ đi học.

Thế nhưng, những khó khăn ấy không làm cô Tiến nản chí. Vận động một mình không thành, cô chủ động trao đổi, kết hợp với chính quyền thôn, xóm để kéo trẻ đến lớp. Khi nào trẻ ra lớp khi ấy nhiệm vụ của cô mới hoàn thành.

2 năm liền tá túc trong căn nhà công vụ được quây tạm bằng nan tre, siêu vẹo trước bất kì cơn mưa, gió nhẹ, nước sinh hoạt hạn hẹp, điện không có. Hàng đêm chỉ có ánh đèn dầu để soạn giáo án và sinh hoạt, nhưng đổi lại, kể từ khi cô đến với xã Thái An tỉ lệ HS ra lớp và thoát mù chữ tăng lên đáng kể. Người dân cũng bắt đầu có ý thức hơn trong việc cho con đi học.

Rời xã Thái An, cô Nguyễn Thị Tiến được phân công công tác tại xã Cán Tỷ. Cô tận dụng thời gian để hoàn thiện chương trình nâng cao nghiệp vụ cho GV như: Trung cấp 9+3; học ĐH hệ tại chức.

Quá trình công tác tại Trường PTDTBT TH Cán Tỷ, cô dạy học cả 5 điểm trường khó khăn nhất trong xã (Lùng Vái, Giàng Tả Phìn, Phố Lồ Phìn, xóm 6, trường trung tâm).

Điểm trường Lùng Vái, đến giờ trong cô Tiến vẫn là quãng thời gian không thể phai mờ. Lớp học nằm trên ngọn núi cao, phải đi bộ hơn 10km mới tới nơi. Đường đi khó khăn, thiếu thốn đủ bề cả điện và nước sinh hoạt. Cô Tiến phải thức tới đêm muộn để múc từng gầu nước dưới hố. Vài tiếng đồng hồ mới chắt chiu được 1 can 20 lít nước.

Ngày ấy, đầu tuần lên trường hành trang trên vai của cô là cá khô, lạc, mắm muối. Giữa tuần đợi bà con đi chợ cô nhờ mua thêm thịt. Rau xanh phụ huynh quý tặng cô giáo và cô cũng tự trồng. Cuối tuần về nhà lại mang theo quần áo bẩn, chăn màn… để vệ sinh giặt giũ.

Chồng của cô Tiến cũng là GV cùng trường. Thế nhưng lúc chồng dạy ở điểm trường cao thì cô dạy dưới điểm trường thấp và ngược lại. Cả tháng chỉ gặp nhau 2 - 3 lần dịp cuối tuần. 2 đứa con của cô Tiến được gửi lại cho bà nội nuôi dạy để vợ chồng cô yên tâm công tác.

“Nhiều khi khó khăn, tủi thân đến chảy nước mắt nhưng tôi không thể kể với gia đình. Bởi kể ra mọi người chỉ thêm lo lắng, tác động mình bỏ nghề… Mà khó thế chứ khó thêm nữa tôi cũng không bao giờ nghĩ mình sẽ đầu hàng và không còn làm cô giáo”, cô Tiến nói.

Đổi mới để bắt kịp yêu cầu

Dạy học cho HS dân tộc không dễ dàng. GV phải thực sự yêu thương các em như con, lắng nghe và cảm nhận nhiều hơn điều các em muốn nói. Có như vậy, người thầy mới chuyển hóa thành công kiến thức của mình thành kiến thức của học trò. Giáo dục mới đạt hiệu quả mong muốn…
Cô Nguyễn Thị Tiến

Cô Nguyễn Thị Tiến chia sẻ: Đa số HS là người dân tộc thiểu số, tiếp thu chậm… dù việc áp dụng các phương pháp dạy học đổi mới luôn được nhà trường cập nhật, khuyến khích, bản thân GV cũng tích cực học hỏi để ứng dụng. Song sự linh hoạt và phù hợp trong dạy học luôn phải cân nhắc. Cần kết hợp hài hòa cả phương pháp truyền thống lẫn đổi mới để bảo đảm khả năng tiếp thu của HS.

Quá trình ứng dụng PPDH đổi mới, cảm thấy HS lúng túng, khó bắt nhịp, lập tức GV phải quay về với phương pháp truyền thống; Tùy theo bài học, đối tượng tiếp nhận… mà ứng dụng PPDH phù hợp.

Đặc biệt, dạy học trong điều kiện lớp ghép nhiều trình độ càng không thể cứng nhắc về phương pháp dạy. GV cần có sự sáng tạo riêng trong phương pháp truyền đạt kiến thức.

Theo kinh nghiệm của cô Tiến, để HS dân tộc nhanh chóng tiếp thu kiến thức cơ bản, tiến bộ trong học tập thì quan trọng hơn cả là tăng cường vốn tiếng Việt cho các em. Khi có được nền tảng tiếng Việt vững chắc, HS mới có thể đặt đúng câu; nói và viết đầy đủ thành phần chủ ngữ, vị ngữ; nghe hiểu và viết thành thạo…

Mặt khác, HS dân tộc đa số ngoan và nghe lời thầy cô giáo nhưng các em thường có tính tự ái cao. Quá trình dạy học đòi hỏi giáo viên sự kiên nhẫn, nhẹ nhàng khuyên bảo, lựa lời để các em tiến bộ… Các em sẵn sàng bỏ học khi cảm nhận thầy cô không tin tưởng, yêu thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ