Thẩm định vòng 2 sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11

GD&TĐ - Ngày 29/12, tại Vĩnh Phúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị thẩm định vòng 2 sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị thẩm định vòng 2 sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị thẩm định vòng 2 sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11.

Chủ trì hội nghị có Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Phúc- Chủ tịch Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11; Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và an ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và an ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh, ngay từ khi triển khai biên soạn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị và được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quan tâm chỉ đạo, lựa chọn các cơ sở đào tạo, các nhà khoa học tham gia biên soạn các bộ sách.

Cùng với đó, đã cử các đồng chí là lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các nhà khoa học tham gia Hội đồng Quốc gia thẩm định bộ sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11; đồng thời chỉ đạo Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh xây dựng các kế hoạch, quyết định thành lập Hội đồng, chỉ đạo các nhà xuất bản phối hợp với Tổng Chủ biên, Chủ biên chuẩn bị bản mẫu sách giáo khoa.

Đến nay, các điều kiện bảo đảm để tổ chức thẩm định sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11 đã cơ bản hoàn thành. Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng cảm ơn Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã giúp đỡ Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Để công tác thẩm định đạt kết quả cao, Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh đề nghị Hội đồng Quốc gia thẩm định quán triệt và thực hiện đúng các quy định, các văn bản pháp lý, trong đó có Thông tư 33 (năm 2017) Ban hành về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT ngày 06/8/2020 và Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT ngày 19/3/2022 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 33. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để có những sách giáo khoa chất lượng tốt.

Hội đồng thẩm định phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ tập thể, dân chủ, trân trọng những đổi mới, sáng tạo để thẩm định chặt chẽ, chính xác từng nội dung bài học, từng tranh minh họa của từng bản mẫu, bảo đảm tính logic và mang tính liên thông của bài học theo chương trình để đến với học sinh được dễ nhớ, dễ hiểu phù hợp với các đối tượng học sinh và từng cấp học.

Các đồng chí tổng chủ biên, chủ biên hai bộ sách phải thống nhất, liên thông, logic về nội dung, chương trình của Thông tư số 46/2020/TT-BGDĐT ngày 24/11/2020 phối hợp chặt chẽ với nhà xuất bản để Hội đồng thẩm định xem xét từng bản mẫu tìm ra cái hay, cái mới, điểm sáng tạo và giúp tác giả hoàn thiện bản mẫu bảo đảm đúng quy định. Thẩm định sách giáo khoa là công việc khó khăn, đòi hỏi cao không chỉ về chuyên môn mà còn là trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Vì vậy, công tác thẩm định phải bảo đảm tuân thủ tính nghiêm túc, khách quan, khoa học, công bằng, có chất lượng.

Vụ trưởng Trần Ngọc Thanh nhấn mạnh: Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Đơn vị tổ chức thẩm định sẽ phối hợp với các đơn vị làm tốt công tác bảo đảm mọi mặt để Hội đồng làm việc, thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình theo kế hoạch đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, hoàn thành tốt nội dung, chương trình đã đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ