Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/5 tăng cường cáo buộc nhằm vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nói rằng các đồng minh trong khối không chi đủ cho quốc phòng. Ông Trump cũng cảnh báo về khả năng xảy ra những vụ tấn công khủng bố tương tự như vụ đánh bom xảy ra ở thành phố Manchester của Anh mới đây trừ phi NATO nỗ lực hơn nữa trong việc ngăn chặn phiến quân.
Trong một bài phát biểu gay gắt đến không ngờ trước lãnh đạo các nước thành viên NATO tại Brussels, Bỉ, ông Trump nói một số quốc gia trong khối này nợ Mỹ và NATO “những khoản tiền lớn”. Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đưa ra cáo buộc này, dù đóng góp ngân sách trong NATO là tự nguyện và khối này có nhiều ngân sách khác nhau.
“23 trong số 28 thành viên NATO vẫn chưa đóng góp đủ phần mà họ nên đóng để được bảo vệ”, ông Trump nói. “Điều này không công bằng đối với người dân và người đóng thuế của nước Mỹ, và nhiều trong số các quốc gia này nợ những khoản tiền lớn từ những năm trước”.
Phát biểu trên của ông Trump đi ngược lại nỗ lực của NATO nhằm thể hiện sự đoàn kết của phương Tây bằng cách mời ông khai trương một đài tưởng niệm vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ tại tòa nhà trụ sở NATO ở Brussels.
“Chủ nghĩa khủng bố phải bị ngăn chặn từ lúc manh nha, nếu không điều khủng khiếp mà các bạn chứng kiến ở Manchester và rất nhiều nơi khác sẽ tiếp tục mãi mãi”, ông Trump phát biểu, nhắc đến vụ đánh bom tự sát ở thành phố Anh khiến 22 người thiệt mạng vào đầu tuần này.
“Mối lo ngại an ninh sâu sắc này cũng chính là lý do mà tôi rất, rất thẳng thắn khi nói rằng các thành viên NATO đến lúc phải đóng góp đủ phần của mình”, Tổng thống Mỹ nói.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bảo vệ quan điểm này của ông Trump, nói rằng mặc dù thẳng thừng, Tổng thống Mỹ đã có “một thông điệp rất đơn giản và rõ ràng về những kỳ vọng” đối với các đồng minh trong NATO.
Tuy nhiên, một quan chức ngoại giao cấp cao tiết lộ rằng phát biểu của ông Trump không hề được tiếp nhận tích cực. “Phát biểu này không được đưa ra đúng lúc, đúng chỗ. Chúng tôi chẳng còn cách nào khác ngoài tỏ vẻ can đảm”, nguồn tin nói.
Ông Trump đã rời đi trước khi bữa tối với các nhà lãnh đạo NATO kết thúc để tới Italy tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm G7.
Trong một phát ngôn bất ngờ khác trước các nhà lãnh đạo NATO, ông Trump kêu gọi đưa việc hạn chế nhập cư vào danh sách nhiệm vụ của khối.
Ông Trump cũng nói nước Mỹ “sẽ không bao giờ từ bỏ những người bạn đã ở bên chúng tôi”, nhưng điều mà các nhà lãnh đạo NATO kỳ vọng là Tổng thống Mỹ sẽ đưa ra một tuyên bố rõ ràng hơn về ủng hộ hay không các nguyên tắc phòng thủ chung của khối.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm ngoái, ông Trump nói rằng NATO đã “lỗi thời” và dọa rằng Mỹ sẽ từ bỏ các đồng minh ở châu Âu nếu họ không chi đủ cho quốc phòng, khiến các nước trong khối này lo ngại.
Thay vì đáp ứng mong đợi trên của các đồng minh, người đứng đầu Nhà Trắng lại phàn nàn về việc chi tiêu quốc phòng của châu Âu đã giảm kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Ông Trump đã không có một lời cam kết công khai nào đối với Điều 5 Hiến chương NATO - quy định rằng một cuộc tấn công nhằm vào một nước trong khối đồng nghĩa với tấn công vào toàn bộ khối.
Giáo sư Nicholas Burns thuộc Trường Quản lý Kennedy thuộc Đại học Harvard nói rằng ngoại trừ ông Trump, mọi đời Tổng thống Mỹ từ thời Harry Truman đều cam kết ủng hộ Điều 5 Hiến chương NATO và đều cam kết nước Mỹ sẽ bảo vệ châu Âu.
Từ khi lên cầm quyền, ông Trump đã tỏ thái độ mềm mỏng hơn trong cuộc gặp và điện đàm với lãnh đạo các nước phương Tây. Tuy nhiên, phát biểu gay gắt ngày 25/5 của ông khiến nhiều người nhớ lại cuộc gặp giữa ông với Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng 3, trong đó ông Trump đòi Đức phải đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO.
Các quan chức ngoại giao NATO ngày 25/5 đã tìm cách xoa dịu ông Trump bằng cách đưa ra lời hứa rằng từ nay đến cuối năm sẽ đưa ra kế hoạch của từng nước trong khối về làm thế nào để đạt mục tiêu chi mỗi năm 2% GDP cho quốc phòng như NATO đề ra vào năm 2014. Tuy nhiên, ông Trump vẫn không hài lòng, gọi mức chi tiêu như vậy cho quốc phòng “chỉ là mức tối thiểu”.
“Thậm chí 2% GDP cũng không đủ… 2% chỉ là mức tối thiểu để ứng phó với những nguy cơ rất thực và rất nghiêm trọng hiện nay”, Tổng thống Mỹ nói.