Thái Nguyên: Triển khai nhiều mô hình khuyến nông đạt hiệu quả cao

GD&TĐ - Thời gian qua, khuyến nông Thái Nguyên đã triển khai thực hiện đa dạng các mô hình, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động nhằm đẩy mạnh việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Trồng thâm canh cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao tại huyện Định Hóa
Trồng thâm canh cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao tại huyện Định Hóa

Xác định vai trò quan trọng trong chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, do đó Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên) đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật có tính ứng dụng cao giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có ưu thế, thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng sản xuất bền vững, an toàn, tạo chuyển biến tích cực trong công tác khuyến nông, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, đóng góp vào hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương, Thái Nguyên dành nguồn kinh phí hơn 85 tỷ đồng cho các hoạt động khuyến nông, trong đó kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng, kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 50 tỷ đồng, còn lại là kinh phí đối ứng của người dân.

Người dân ngày càng được hưởng lợi từ các mô hình sản xuất chè xanh an toàn theo VietGAP
Người dân ngày càng được hưởng lợi từ các mô hình sản xuất chè xanh an toàn theo VietGAP

Qua đó, góp phần không nhỏ nâng cao tư duy, nhận thức, trình độ sản xuất và thu nhập cho người dân. Thông qua các hoạt động này, chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, kỹ thuật canh tác, tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất điển hình được chuyển tải, giới thiệu một cách kịp thời, đầy đủ để người dân tham khảo, học tập và nhân rộng.

Một số mô hình sản xuất mới như: sản xuất Chè theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 11041-2:2017 quy mô 110 ha tại các huyện: Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ và thành phố Thái Nguyên; sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn hữu cơ tại huyện Đại Từ và huyện Võ Nhai; nhân rộng chăn nuôi gà lông màu thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương; trồng thâm canh cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên...

Cũng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, tỉnh bố trí cho việc xây dựng mô hình sản xuất chè xanh an toàn theo VietGAP tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ; mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi dê theo quy trình VietGAP tại các huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương; xây dựng mô hình nuôi thâm canh cá Trắm đen thương phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm ở huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Bình và Thị xã Phổ Yên...

Ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong nông nghiệp đã làm tăng giá trị sản phẩm, chất lượng.
 Ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong nông nghiệp đã làm tăng giá trị sản phẩm, chất lượng.

Trong 5 năm qua, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện 83 mô hình, dự án khuyến nông, trong đó có 67 mô hình, dự án lĩnh vực trồng trọt với  tổng diện tích thực hiện 644 ha về sản xuất lúa, chè, rau hữu cơ, sản xuất an toàn theo VietGAP và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 15 mô hình, dự án về chăn nuôi an toàn sinh học với 140.400 con gia súc, gia cầm, 260 đàn ong và 1 dự án trồng cây lâm nghiệp phân tán.

Từ các chương trình, mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ... đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, nâng cao hiệu quả, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Tại nhiều địa phương các mô hình, dự của khuyến nông triển khai đã hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung quy mô lớn, mô hình liên kết sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất và hiệu quả kinh tế, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ