Thái Nguyên: Chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm tiêu biểu

GD&TĐ - Với mục tiêu mở ra cơ hội vàng cho các làng nghề và cơ sở sản xuất nông nghiệp phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương, tỉnh Thái Nguyên đang trong quá trình đẩy mạnh gắn sao các sản phẩm.

Mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết đã dần tạo ra những sản có giá trị cao.
Mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết đã dần tạo ra những sản có giá trị cao.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 5/2018 đã góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ theo lợi thế ở mỗi địa phương, theo chuỗi giá trị.

Đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có hơn 50 sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP, trong đó Thành phố Thái Nguyên có 17 sản phẩm, Thành phố Sông Công 4 sản phẩm, huyện Đồng Hỷ có 11 sản phẩm, huyện Phú Bình 1 sản phẩm, huyện Võ Nhai 3 sản phẩm, Thị xã Phổ Yên 3 sản phẩm, huyện Đại Từ 9 sản phẩm, huyện Định Hóa 1 sản phẩm và huyện Phú Lương có 2 sản phẩm.

Đặc biệt, nhiều địa phương đã biết tận dụng lợi thế của mình để phát triển sản phẩm thế mạnh là cây chè, trong đó các sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao như: Trà ướp Hoa Mộc, (HTX Thái Minh, xã Văn Hán, Huyện Đồng Hỷ), Vạn Lộc Trà, Trà Đinh thượng hạng, trà Phát tài (HTX trà Sơn Dung, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên), Trà Đinh Tân Cương thượng hạng (HTX chè Trung Du Tân Cương, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên).

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội chợ xúc tiến thương mại

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội chợ xúc tiến thương mại 

Bà Tống Thị Xuyến, trưởng làng nghề chè xóm Trung Thành 2, GĐ cơ sở sản xuất – Kinh doanh chè Hoan Xuyến (xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương) cho biết: Tham gia chương trình OCOP đã góp phần nâng cao giá trị, quảng bá sản phẩm, tạo liên kết lan tỏa sản phẩm của địa phương. Các sản phẩm chè có chất lượng cao vinh dự đại diện cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên được trưng bày, triển lãm tại các hội chợ trong nước và quốc tế, từ đó góp phần xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đảm bảo NTM phát triển bền vững.

Sau khi được gắn sao của chương trình mỗi xã phường một sản phẩm, nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn đã mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, mở ra nhiều hướng đi mới cho các sản phẩm truyền thống làng nghề, khai thác được hết tiềm năng của địa phương.

Có thể nói, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng những sản phẩm thế mạnh sẵn có của địa phương và với những hướng đi đúng đắn như hiện nay, tin tưởng rằng chương trình sẽ tạo nên nhiều kỳ tích tại mỗi địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ