Thực hiện nhiệm vụ kép
Là một trong những đơn vị tiên phong, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt phù hợp với đặc thù, đa dạng lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã triển khai ứng dụng các phần mềm, thiết bị số thông qua hoạt động nghiệp vụ như triển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ATK Thái Nguyên”. Mỗi hình ảnh, tư liệu về Đại tướng là một câu chuyện lịch sử vô cùng quý giá về cuộc đời, sự nghiệp gắn bó với mảnh đất Thái Nguyên, dù đây là lần đầu tiên tổ chức triển lãm bằng hình thức trực tuyến nhưng triển lãm đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo ấn tượng sâu sắc và thu hút gần 16.000 lượt người xem, chia sẻ.
Bên cạnh đó, bằng hình thức trực tuyến các giải thể thao năm 2021, thu hút đông đảo VĐV thi đấu của nhiều đơn vị tham gia. Giải Taekwondo các câu lạc bộ (CLB) tỉnh Thái Nguyên mở rộng đã thu hút trên 200 VĐV đến từ 22 CLB của 8 tỉnh, thành phố tham dự. Các VĐV tranh tài theo thể thức thi đấu trực tuyến qua phần mềm Zoom và video clip ở 3 nội dung: Quyền tiêu chuẩn, kỹ thuật, đối luyện. Sau thành công của Giải Taekwondo các CLB mở rộng, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tổ chức Giải Cờ vua trực tuyến các nhóm tuổi năm 2021, giải đấu đã thu hút tới 724 VĐV đến từ 24 tỉnh, thành tham gia dự thi.
Nằm trong xu hướng chuyển đổi số, Thư viện tỉnh Thái Nguyên cũng đã tích cực ứng dụng công nghệ - phát huy giá trị di sản, số hóa 266 tên sách và 68.926 trang tài liệu, số hóa tài liệu thư tịch cổ với 129 sắc phong, 15 thần tài thần sắc, 06 hương ước.
Theo Giám đốc thư viện tỉnh Thái Nguyên, Đỗ Bình Nguyên cho biết: “Từ nay đến năm 2025, thư viện tỉnh phấn đấu xây dựng hệ thống thư viện điện tử chung, hoàn thiện hạ tầng số gồm trang thiết bị phần cứng, các phần mềm quản trị, phần mềm ứng dụng; nâng cấp và hoàn thiện thư viện điện tử công cộng tỉnh Thái Nguyên theo hướng hiện đại gắn với triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của hệ tri thức việt số hóa…
Sự chỉ đạo vào cuộc tích cực
Để gìn giữ, bảo tồn nét đẹp - bản sắc văn hóa nhằm thu hút du khách, tận dụng nguồn tài nguyên vàng trong lĩnh vực du lịch, xây dựng hệ thống cổng thông tin du lịch thông minh, ứng dụng phần mềm quản lý lưu trú…
Đặc biệt, hệ thống du lịch thông minh Thái Nguyên tích hợp các công nghệ mới như công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, ảnh 360, trí tuệ nhân tạo, phát triển các tính năng như nhận diện công trình kiến trúc, trợ lý du lịch ảo, tự gợi ý lịch trình thông minh đem đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách.
Việc vận hành hệ thống thông tin du lịch thông minh cũng như đẩy mạnh sử dụng các ứng dụng số trong lĩnh vực du lịch sẽ góp phần quảng bá hình ảnh đất và con người Thái Nguyên tới du khách trong và ngoài nước; giúp cho công tác quản lý các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch trên địa bàn chặt chẽ hơn, Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thái Nguyên chia sẻ.
Như vậy, đến nay dù tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề đối với ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, nhưng đây cũng là dịp để ngành đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thay đổi mạnh mẽ các mô hình truyền thống để tiếp tục tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thái phong phú, đa dạng hơn.
Trong thời gian tới, Sở VHTT&DL tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên sớm ban hành các văn bản thực hiện quản lý Nhà nước về: văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch nhằm tổ chức thành công các chương trình đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng tăng cường kích cầu du lịch nội địa; đồng thời, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp tục tăng cường chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành...