Xây dựng chính quyền số
Thái Nguyên hiện đã hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh; gửi, nhận gần 800 nghìn văn bản số hóa; Toàn tỉnh có 1.650 điểm thu phát sóng điện thoại di động, Internet đến 99% số xóm, tổ dân phố, trong đó gần 70% số thuê bao có sử dụng dịch vụ Internet 3G, 4G…
Các ngành của tỉnh đã triển khai hiệu quả các hệ thống giải pháp thông minh như: Khám, chữa bệnh từ xa kết nối tuyến xã, huyện, tỉnh và trung ương; xây dựng nền tảng quản lý và thanh toán phí học phí điện tử; cung cấp 1,7 triệu tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; triển khai hệ thống quản lý cây xanh thông minh trên bản đồ số với dữ liệu của 530 nghìn cây xanh…
“Các cơ quan, đơn vị đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ, khoảng cách giữa chính quyền với người dân ngày càng được rút ngắn. Như vậy, sự đổi thay đáng nói nhất chính là nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và người dân” - ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên đánh giá.
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên được đưa vào vận hành, khai thác từ tháng 7/2021 với 11 hạng mục gồm: Phòng điều hành thông minh hiện đại; nền tảng tích hợp, hiển thị thông tin điều hành; tích hợp dữ liệu lĩnh vực y tế, giáo dục, giám sát thông tin, phản ánh hiện trường, camera trên bản đồ số; nền tảng quản lý camera tập trung; hệ thống giám sát, điều hành giao thông; lắp đặt thí điểm hệ thống camera an ninh; hệ thống giám sát thông tin môi trường mạng; phòng họp không giấy tờ; hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; hệ thống cảnh báo cháy; hệ thống định danh số.
Một trong những ứng dụng quan trọng mang lại hiệu quả thực sự được đánh giá cao là phần mềm ứng dụng C-ThaiNguyen. Đây là nền tảng để thiết lập các dữ liệu căn bản về công dân số, được kích hoạt 11 app nội dung. Công dân Thái Nguyên có thể khai báo y tế điện tử; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; xử lý các vấn đề như thanh toán hóa đơn điện nước, cước điện thoại, bán hàng điện tử trên các sàn thương mại trực tuyến được tích hợp trên nền tảng số hóa này.
Đặc biệt, trong cao điểm chống dịch Covid-19 đang diễn ra, phần mềm kiểm soát các phương tiện ra vào tỉnh đã có tác dụng ngăn chặn thực trạng lái xe khai báo gian dối, không trung thực quãng đường di chuyển, đưa người bất hợp pháp từ vùng dịch vào tỉnh. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, sau 3 tháng triển khai phần mềm C-ThaiNguyen, tỉnh đã kiểm soát gần 24.000 phương tiện ra vào tỉnh.
Địa phương chuyển động
Đại Từ là huyện đầu tiên của tỉnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai phòng họp truyền hình trực tuyến tới 100% xã, thị trấn trên địa bàn. Cuối năm 2020, huyện đã hoàn thành lắp đặt thiết bị phòng họp, hệ thống đường truyền internet kết nối 33 phòng họp, trong đó có 30 xã, thị trấn và Văn phòng Huyện ủy, Công an huyện, Ban CHQS huyện.
Là xã được lựa chọn thực hiện thí điểm chuyển đổi số của tỉnh, La Bằng đã cho nâng cấp đường truyền mạng internet. Hiện La Bằng đang tăng cường thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với tổng số 167 dịch vụ. Xã cũng đang chuẩn bị lắp đặt thiết bị khám chữa bệnh từ xa, nâng cấp phần mềm y tế cơ sở cho trạm y tế; triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè.
Là xã vùng sâu, khó khăn nhất của huyện Võ Nhai, Sảng Mộc xác định để chuyển đổi số thành công thì yếu tố con người đóng vai trò quyết định, ngoài việc tái cấu trúc hạ tầng thì địa phương còn tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng cho người dân trong việc ứng dụng công nghệ số.
Sau hơn nửa năm thí điểm xây dựng xã “thông minh”, xã vùng cao Sảng Mộc đang từng bước thay đổi tích cực. Trường học, trạm y tế và nhiều hộ dân đã có thể tiếp cận tới những công cụ, dịch vụ tiện ích do chuyển đổi số mang lại.
Tại đây, toàn bộ các công văn, giấy tờ, tài liệu tuyên truyền hiện được UBND xã chuyển xuống các thôn xóm thông qua Cổng thông tin điện tử Sảng Mộc tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
“Xóm tôi được trang bị 2 cụm loa thông minh phát hằng ngày 2 khung giờ buổi trưa và buổi chiều, giúp cho hầu hết trong số hơn 80 hộ dân ở đây được tiếp cận thông tin hằng ngày. Cụm loa thông minh đã phát huy hiệu quả tốt qua những việc quan trọng như tuyên truyền dịp bầu cử, công tác phòng chống dịch Covid-19…” - anh Nguyễn Văn Lâm, Trưởng xóm Bản Chương cho biết.
Có thể thấy, tinh thần chuyển đổi số đang được lan tỏa tích cực, giúp từng địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên “chuyển động” mạnh mẽ, sẵn sàng bắt nhịp với những yêu cầu và tiện ích mới.
“Thái Nguyên là tỉnh tiên phong triển khai đề án chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, xây dựng Chính quyền điện tử, Kinh tế số và Công dân số. Những thành tựu quan trọng trong triển khai đề án chuyển đổi số có ý nghĩa mục tiêu kép, vừa đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển kinh tế, xã hội địa phương, vừa phòng chống dịch có hiệu quả”. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên |