Hàn Quốc sẽ nâng các giới hạn chống dịch lên mức cao nhất ở thủ đô Seoul và một số khu vực lân cận từ ngày 12/7 – Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết hôm nay. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi hôm qua, Hàn Quốc báo cáo số ca mắc trong ngày cao nhất với 1.275 ca, nâng tổng số ca mắc lên 164.028 ca, với 2.034 ca tử vong. Một quan chức hàng đầu về y tế cảnh báo số ca mắc mới có thể tăng gấp đôi vào cuối tháng 7 này.
Theo các giới hạn mới, người dân được khuyên ở nhà càng nhiều càng tốt, trường học đóng cửa, các buổi gặp mặt nơi công cộng chỉ được phép 2 người sau 6 giờ tối, các cuộc mít tinh và các sự kiện khác bị cấm. Ngoài ra, câu lạc bộ đêm, quán bar phải đóng cửa, nhà hàng và quán cà phê chỉ cho phép số người giới hạn.
Tại Thái Lan, hôm qua Bộ Y tế cho biết đã áp dụng các giới hạn đi lại mới và thắt chặt các quy định ở những khu vực có nguy cơ cao nhằm kiềm chế Covid-19 trong bối cảnh ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục là 75 ca.
Dự kiến Thủ tướng Chan-o-cha đang xem xét các giới hạn mới trong một cuộc họp hôm nay. Bộ Y tế đã đề xuất các biện pháp giới hạn đi lại của người dân từ nhà, giữa các tỉnh, đóng cửa các khu vực không cần thiết và thu hút đám đông.
Bộ Y tế đã tăng cường khả năng bệnh viện ở Bangkok, bao gồm chuyển một nhà ga mới xây dựng tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi thành một bệnh viện dã chiến với 5.000 giường bệnh vào tháng 8.
Hôm qua Thái Lan báo cáo 7.058 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 308.230 ca, gồm 2.462 ca tử vong.
Tại Indonesia, người dân đã phớt lờ những cảnh báo về y tế để tích trữ “thuốc thần” trị Covid-19 trong bối cảnh đợt bùng phát dịch đang diễn ra mạnh mẽ. Các hiệu thuốc đang cạn kiệt invermectin, một phương pháp điều trị bằng miệng được dùng để trị chấy và các bệnh nhiễm ký sinh trùng khác. Một phần nguyên nhân là do các bài đăng trên mạng xã hội quảng cáo tiềm năng của nó như một phương pháp điều trị Covid-19.
Một người bán hàng cho biết sự khan hiếm thuốc đã đẩy giá từ 12 USD lên 21 USD 1 lọ.
Tuy nhiên, nhà sản xuất Merck cho biết “không có cơ sở khoa học về hiệu quả điều trị tiềm năng với Covid-19”, đồng thời cảnh báo về các vấn đề an toàn có thể xảy ra nếu thuốc được sử dụng không phù hợp.
Các nhà khoa học, WHO và một số cơ quan quản lý thuốc, bao gồm ở Indonesia, cũng nhấn mạnh rằng thiếu bằng chứng tin cậy cho thấy thuốc trên có tác dụng chống lại Covid-19.
Các nhà chức trách đang báo cáo hàng trăm ca tử vong mỗi ngày khi quốc gia đông dân thứ 4 thế giới.
Hôm qua, Indonesia ghi nhận kỷ lục 38.391 ca mắc Covid-19 mới, gần với giới hạn 40.000 đến 50.000 ca mà một bộ trưởng nước này mô tả là viễn cảnh tồi tệ nhất. Hiện tổng ca mắc ở Indonesia là hơn 2,4 triệu và khoảng 63.000 ca tử vong vì đại dịch.
Tại Đức, Viện Kobert Koch cho biết nước này ghi nhận hơn 3.800 ca mắc Covid-19 có triệu chứng trong số những người đã tiêm phòng đầy đủ kể từ tháng 2. Ngoài ra, 4.110 người khác cũng nhiễm virus sau khi tiêm đầy đủ nhưng có các trường hợp không có triệu chứng. Trong khi đó hơn 270 người, chủ yếu là người cao tuổi, đã phải nhập viện vì Covid-19 dù đã tiêm đủ 2 liều vắc xin.
Một biến thể Covid-19 lần đầu được phát hiện ở Anh là nguyên nhân gây ra hầu hêt các ca mắc có triệu chứng ở bệnh nhân được tiêm chủng từ tháng 2 đến tháng 7, trong khi biến thể Delta được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ gây ra khoảng 1 nửa số trường hợp có triệu chứng ở những người được tiêm chủng trong 4 tuần qua.