Thách thức trong xây dựng nông thôn mới ở huyện nghèo Mường Lát

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới, đến nay huyện Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn 'trắng' xã nông thôn mới. 

Người dân Mường Lát được bộ đội hướng dẫn trồng lúa cho năng suất cao. (Ảnh: NT).
Người dân Mường Lát được bộ đội hướng dẫn trồng lúa cho năng suất cao. (Ảnh: NT).

Khó chồng khó

Huyện Mường Lát có 7 xã thuộc xã biên giới và 1 thị trấn, trong đó hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Mông, Mường, Thái... Thời điểm bắt tay vào xây dựng NTM hơn 10 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Lát chiếm tới 65,4% và 14% hộ cận nghèo. Bình quân số tiêu chí NTM của huyện bấy giờ mới chỉ đạt 2,5 tiêu chí/xã, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của tỉnh.

Xã Mường Chanh, một trong 2 xã được huyện Mường Lát đặt ra mục tiêu phấn đấu “cán đích” xây dựng NTM trong giai đoạn 2021-2025. Hơn 10 năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và các nguồn vốn hỗ trợ khác, xã đã được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách, xây dựng mới nhiều hạng mục công trình quan trọng như công sở, điện, đường, trường, trạm y tế, nhà văn hóa...

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 4/9 bản đạt chuẩn NTM. Những tiêu chí còn lại để hoàn thành như giao thông, hộ nghèo, cơ sở vật chất văn hóa, trường học... với Mường Chanh là vô cùng khó khăn, không chỉ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn mà việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân luôn là bài toán chưa có lời giải.

Toàn xã có gần 4.000 dân, trong đó tỷ lệ dân trong độ tuổi lao động chiếm hơn 60% nhưng trên địa bàn lại chưa có một doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề nào để thu hút nguồn lao động trên, dẫn tới nguồn lực này chủ yếu là làm nông nghiệp, lao động thời vụ, thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, mặc dù kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp để phát triển sản xuất nhưng quỹ đất nông nghiệp lại thiếu, phần lớn là đất lâm nghiệp, đất rừng.

Ngoài ra, nhiều hạng mục công trình được đầu tư còn mang tính chất dàn trải, chưa đồng bộ. Sau trận bão lũ đầu tháng 9/2018, xã Mường Chanh từ xã đạt 13 tiêu chí trong xây dựng NTM tụt xuống còn 9 tiêu chí.

Với xã Quang Chiểu, qua rà soát theo bộ tiêu chí xây dựng NTM, xã đang đạt 6 tiêu chí (năm 2021) tụt xuống còn 5 tiêu chí.

Một số tiêu chí khó như điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nhà ở, thu nhập, lao động, tỷ lệ hộ nghèo, y tế, đòi hỏi nguồn vốn lớn.

Mặc dù được xem là xã có phong trào xuất khẩu lao động sôi nổi nhưng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ. Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nhưng nông nghiệp lại gặp nhiều khó khăn, mức thu nhập thấp, thiếu ổn định do địa hình chia cắt, ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.

Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, bình quân số tiêu chí ở Mường Lát chỉ đạt 6,86 tiêu chí/xã; 17/77 bản được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2021.

Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại huyện Mường Lát đang chiếm khoảng hơn 50%. (Ảnh: NT).
Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại huyện Mường Lát đang chiếm khoảng hơn 50%. (Ảnh: NT).

Tuy nhiên, nếu áp theo Bộ tiêu chí mới được ban hành năm 2022, thì số tiêu chí bình quân của huyện chỉ còn 4,86 tiêu chí/xã. Một số xã bị tụt tiêu chí như: Nhi Sơn từ 9/19 tiêu chí năm 2021 còn 5/19 tiêu chí năm 2023; Quang Chiểu từ 6/19 tiêu chí năm 2021 còn 5/19 tiêu chí năm 2023; Tam Chung từ 7/19 tiêu chí năm 2021 còn 4/19 tiêu chí năm 2023...

Gỡ nút thắt tư tưởng “trông chờ, ỷ lại”

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Mường Lát đã đang triển khai 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia (Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).

Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/9/2022 về Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với mục tiêu chung phấn đấu xây dựng và phát triển huyện Mường Lát, phấn đấu đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025: tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt trên 10%; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 3.500 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 7% trở lên.

Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt trên 25 triệu đồng; tỷ lệ đường giao thông trên địa bàn (không tính quốc lộ và tỉnh lộ) được cứng hóa đạt 75% trở lên; Có 2 xã và có thêm 20 bản đạt chuẩn nông thôn mới; hết năm 2025 bình quân số tiêu chí NTM trên địa bàn huyện đạt 16,14 tiêu chí/xã.

Lãnh đạo huyện Mường Lát, cho biết, mặc dù huyện đang thụ hưởng nhiều chính sách ưu tiên đầu tư của Nhà nước. Nguồn lực này là động lực để địa phương phát triển, song để có được xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, cũng như không còn xã dưới 15 tiêu chí trong giai đoạn 2021 - 2025, thì cần phải có một “cuộc cách mạng” thay đổi tư duy, nhận thức trong hành động, việc làm từ các cấp lãnh đạo đến người dân.

Đặc biệt là gỡ nút thắt trong phát triển kinh tế xã hội của huyện là trông chờ ỷ lại vào cấp trên, trông chờ ỷ lại vào các chế độ chính sách của Nhà nước.

Ông Dương Văn Giang, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Xây dựng NTM ở miền núi nói chung và Mường Lát nói riêng thực sự vô cùng khó khăn.

Để thực hiện được mục tiêu, nhân tố đầu tiên và quan trọng nhất là phải giải được bài toán làm sao để tạo được sinh kế cho đồng bào. Cụ thể, phải phát triển kinh tế, tạo thu nhập, giải quyết công ăn việc làm. Trong đó, kinh tế gắn với nông nghiệp, nuôi gia súc, trồng và khai thác lâm sản phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, vùng miền.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn, thực hiện đổi mới cách thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ việc làm, vốn, phương thức sản xuất, để người dân chủ động vươn lên thoát nghèo.

Ngoài ra, cần lưu ý phát huy tối đa công tác lãnh chỉ đạo của già làng, trưởng bản, người có uy tín để tạo sự yên tâm cho người dân, tránh tình trạng du canh du cư…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ