Nông thôn mới giúp giảm nghèo bền vững xã vùng cao ở Yên Bái

GD&TĐ - Xây dựng nông thôn mới đã giúp Nậm Khắt (xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) xóa đói giảm nghèo bền vững.

Nông thôn mới giúp giảm nghèo bền vững ở Nậm Khắt.
Nông thôn mới giúp giảm nghèo bền vững ở Nậm Khắt.

Quyết tâm chính trị

Ông Lý A Sử, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Phó trưởng Ban quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Nậm Khắt, cho biết, Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết về thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Sau khi có Nghị quyết, Đảng bộ xã cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Quản lý Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025.

Hàng tháng xã tổ chức truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh của xã, để tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình và người dân về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trước hết là những tiêu chí có tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân, như xây dựng đường bê-tông nội đồng, cứng hóa kênh mương; xây dựng nhà văn hóa thôn gắn với sân thể thao; thắp sáng đường quê; quyết tâm cao xóa đói, giảm nghèo bền vững.

"Dù còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ ở thời gian đầu, song để hiểu và thực hiện đảm bảo trọng tâm các nội dung chương trình yêu cầu, lãnh đạo các đơn vị liên quan tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do tỉnh và huyện tổ chức hàng năm. Từ đó có thêm kiến thức, kinh nghiệm triển khai hiện ở cơ sở đảm bảo đúng hướng và đảm bảo các tiêu chí theo yêu cầu”, ông Lý A Sử chia sẻ.

Trao quà cho các em học sinh Trường Tiểu học Nậm Khắt.

Trao quà cho các em học sinh Trường Tiểu học Nậm Khắt.

Tuy là xã vùng cao khó khăn của huyện Mù Cang Chải, Nậm Khắt, nhưng tới tháng 12/2022, xã đạt 11/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Các tiêu chí đã đạt, gồm: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện, trường học, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, văn hóa và đặc biệt là tiêu chí giáo dục.

Tạo sự đổi thay

Theo ông Lý A Sử, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tuyên truyền, vận động nhân dân xã hội hóa cùng với các nguồn vốn thuộc các chương trình kiên cố hóa đường giao thông nông thôn.

Đến nay hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã cơ bản đáp ứng các yêu cầu dân sinh và sản xuất của địa phương.

Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện đạt 100%.

Xã Nậm Khắt với thế mạnh nông lâm nghiệp, các ngành nghề dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp cũng đang phát triển, đầu đàn gia súc, gia cầm, diện tích nuôi trồng thuỷ sản ổn định.

Đàn dê góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Đàn dê góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Nậm Khắt cũng tích cực sử dụng nguồn vốn Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất các trường học đảm bảo phục vụ cho việc dạy và học.

Trong những qua xã luôn duy trì giữ vững, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Hiện, nơi đây đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi theo quy định, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.

Toàn xã hiện 3 trường học có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia.

Huyện Mù Cang Chải cũng hỗ trợ xã bằng việc tổ chức mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, tạo điều kiện cho lao động nâng cao năng suất, chất lượng lao động, tăng khả năng kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cuộc sống.

Chính quyền cũng tạo điều kiện tốt cho cho các doanh nghiệp hoạt động, thu hút lực lượng lao động của địa phương có việc làm thường xuyên, tích cực sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn, góp phần ổn định việc làm và nâng cao thu nhập lao động tại chỗ cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...