Một người thầy giỏi, mang trong mình tình yêu cuộc sống sâu sắc sẽ biết cách truyền tải hơi thở đời sống sinh động thông qua những nội dung lý luận súc tích. Đây chính là sự thách thức thú vị đối với người giảng viên lý luận chính trị.
Trên đây là những chia sẻ của TS Trần Nguyên Ký (Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) khi nói đến những vấn đề giảng viên cần chú ý khi giảng dạy các môn lý luận chính trị.
Bỏ lối thuyết giảng chỉ thuyết phục được bản thân!
TS Ký cho rằng, giảng viên cần tìm tòi, chuyển hóa được những nội dung khô khan, khó hiểu, xa lạ với tuổi trẻ thành những vấn đề dung dị, gần gũi, sinh động và dễ hiểu đối với các sinh viên.
Mạnh dạn và nhanh chóng đoạn tuyệt với những lối giảng với những nhận định cao siêu, hàn lâm song xa lạ và vô bổ đối với các bạn trẻ bây giờ.
“Nếu chúng ta từ bỏ được lối thuyết giảng nặng nề chỉ lừa được chính mình chứ không lừa được đồng nghiệp, chỉ thuyết phục được bản thân chứ không thể thuyết phục được người học thì tôi tin kết quả tốt đẹp sẽ đến!” – tiến sĩ Trần Nguyên Ký chia sẻ.
Vượt qua thử thách: Lớp đông, thời lượng ít
Dường như có một luật bất thành văn là khi học các môn chuyên ngành thì tách nhỏ song khi học các môn lý luận chính trị lại gộp vào, cho gọn, cho đỡ tốn kém.
Việc tổ chức lớp đông dường như một đặc ân dành riêng cho các thầy lý luận chính trị. Cái khó ở đây chính là việc xác định mức độ đông bao nhiêu thì không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng học tập, còn bao nhiêu thì không chấp nhận được.
Chính việc khó xác định như vậy nên tình trạng này diễn ra lâu dài, nhất là ở các trường dân lập (vốn dĩ thiếu thốn cơ sở vật chất cũng như phải coi trọng cả vấn đề hạch toán kinh tế), thậm chí cả những trường công lập lớn.
Điều này cộng thêm với việc giảm thời lượng môn học đã tạo nên sức ép không nhỏ lên việc dạy và học các môn lý luận chính trị. “Thông thường, trước thực trạng này, người thầy thường chọn cách giảng truyền thống là diễn thuyết, độc thoại.
Bản thân tôi không hoàn phủ nhận phương pháp này vì nó cũng chứa đựng những hợp lý nhất định, chẳng hạn như dễ kiểm soát tiến độ công việc, kiểm soát thời gian.
Tuy nhiên, phương pháp này hoàn toàn không kiểm soát được điều quan trọng nhất, là mức độ tiếp thu, tâm lý tiếp thu của người học, không phát huy được tính tự học, tính sáng tạo trong học tập của sinh viên” - TS Trần Nguyên Ký đưa nhận định.
Tiến sĩ Trần Nguyên Ký cho rằng: Cần phải biến quá trình thầy dạy, trò tiếp thu (nghe, nhìn và chép) sang quá trình học trò tự học với sự hướng dẫn, giúp đỡ, giám sát và điều chỉnh của thầy.
Người thầy cần tìm tòi, sáng tạo nhằm chuyển biến mỗi nội dung học thành từng vấn đề cụ thể, gắn với sinh viên, với đời sống, với thời đại và dân tộc, đất nước một cách có chọn lọc và hướng dẫn sinh viên giải quyết vấn đề thông qua đối thoại cá nhân hay thảo luận nhóm.
Nếu thực hiện tốt hình thức này, sinh viên sẽ thấy việc học lý luận chính trị gần gũi hơn, thiết thực và bổ ích hơn, thậm chí là không khí học tập cũng sẽ vui hơn.
Bởi lẽ, với hình thức này, sinh viên nhận thấy họ được suy nghĩ, được chủ động, được sáng tạo. Về phía giảng viên, việc đánh giá mức độ tiếp thu, thái độ đối với việc học lý luận chính trị sẽ gần với chân lý hơn, ít nhất là so với lối độc thoại diễn thuyết của thầy.
"Về phương diện cá nhân, nếu ai đó không chịu tìm tòi, sáng tạo những hình thức mới, vẫn giữ nguyên lối truyền thụ cũ, nặng tính một chiều, áp đặt thì giỏi lắm chỉ an toàn và giữ được hình ảnh một “vị giáo sư đáng kính” trong một môi trường giáo dục được bảo hộ nghiêm ngặt.
Bản thân họ sẽ cảm thấy không an toàn, và thực tế cũng sẽ an toàn đối với họ khi phải ra môi trường giáo dục theo hướng mở và giàu tính cạnh tranh.
Người học, và cả cơ sở đào tạo ở đây sẽ chỉ chấp nhận những người mạnh dạn tìm tòi, đổi mới và thực sự đem lại điều thiết thực, bổ ích cho họ mà thôi!"
Tiến sĩ Trần Nguyên Ký